Lục bát của 3 nữ thi sĩ phương Nam

Ba gương mặt thơ nữ khá quen thuộc trên thi đàn (Đặng Nguyệt Anh, Huệ Triệu, Trần Mai Hường) cùng sống tại TP HCM vừa ra tập thơ lục bát in chung, NXB Tổng hợp TP HCM. Mỗi người một phong cách, tạo nên sự đa dạng trong tập thơ.

Bìa tập thơ “Lục bát”

Đặng Nguyệt Anh (tên thật cũng là bút danh) đã lấy ánh trăng làm biểu tượng. Trong thơ chị, trăng đủ mọi thần thái, mọi góc nhìn được diễn bày, khi e ấp dịu dàng lúc tràn trề tỏa sáng:

Từ em gọi nguyệt về trăng/ Là khi tôi đã gọi rằm/ sang đêm (Cháy lên em).

Bao nhiêu tuổi nữa trăng già/ Gió hoang thổi dạt Ngân hà về đâu? (Ngày xưa trăng nõn).

Đêm qua trăng ghé sân nhà/ Gặp nhau mới nhận ra là chị em (Chị em).

Chính là vầng trăng đó, nên người thơ biết rõ sự cô đơn giữa trùng điệp thiên hà:

Rủ tôi vào chốn mông lung/ Bỏ hoang tôi/ giữa vô cùng cõi em (Bỏ hoang tôi).

Thi ảnh trong thơ Đặng Nguyệt Anh khá phong phú, chị cũng có nhiều sáng tạo gây bất ngờ cho người đọc, như những câu thơ đầy gió dưới đây:

Một đời gió có vì ai/ Xô nghiêng chiều tím/ ra ngoài hoàng hôn (Nếu anh biết được…).

Tôi đi trồng gió mỗi ngày/ Hồn tôi giờ đã xanh đầy gió non (Trồng gió).

Bên cạnh thơ Đặng Nguyệt Anh ý nhị, thơ Huệ Triệu là tố chất thâm trầm. Những câu lục bát của Huệ Triệu đậm chất tự sự, là những trải nghiệm, nghiền ngẫm mà thành:

Xa rồi, mẹ vẫn còn thương/ Cơm canh cúng mẹ/ mẹ nhường cho con (Cơm canh cúng mẹ).

Con nghe tiếng gió vọng về/ Gọi cha/ nước mắt đẫm nhòe xuống thơ (Cuốn nhật ký của cha).

Nhiều người viết về người chị, hy sinh tuổi xuân cho đất nước, cho những người thân, quên cả hạnh phúc riêng tư. Huệ Triệu viết vẫn có giọng riêng với nhiều câu đắt: Bão giông trong lúm đồng tiền; Chiến tranh mòn lẹm cả thời sắc xuân; Ngực xuân đã lặn trăng rằm; Cả đời hồn hậu như sông/ Mát trong dâng hết chỉ mong người đầy…

Cũng có những câu, Huệ Triệu nói là "lục bát vu vơ" mà nhói lòng:

Ngàn ngày trĩu nặng nhớ mong/ Hẫng hơ một chốc bỗng không một ngày

Và có những câu thơ mang yếu tố bất ngờ:

Bờ xa con sóng mơ màng/ Tôi gieo hạt cải, ươm vàng… giấc mơ (Khúc tặng).

Khói sương lấm áo nâu sồng/ Tiếng chuông đi ngược gió sông gọi đò (Chùa quê).

Bên cạnh hai đàn chị, Trần Mai Hường trẻ trung hơn, thơ của Hường cũng mạnh dạn tỏ bày là tiếng lòng của người đàn bà trong tình yêu, với nhiều cung bậc cảm xúc. Lúc yếu mềm, khi bạo liệt, lúc day dứt, khi đớn đau…

Này thì người/này thì em/ Quấn bao dan díu lấm lem thành tình (Dự cảm).

Nữ thi sĩ tự nhận mình là kẻ đa mang, giãi bày những tâm tư dễ chạnh lòng:

Kìa/ Lênh đênh mùa tràn tay/ Em quanh co giấu những trầy trật em/… Trả nhau bao nợ là nhiều/ Mắt ơi/ đã nguội chưa/ chiều đầy anh (Đa mang em).

Nhưng cũng người - thơ - đàn - bà đang yêu đấy, sẵn sàng "nổi loạn" với những câu thơ đắm say:

Đêm qua nhớ hạ gót giày/ Xéo lên chi chít những say mê cuồng…/ Nhón chân khẽ ghé cuộc người/ Nhốt anh giữa những tơi bời chờ xem (Lục bát em).

Đàn bà em/ gói cuồng điên/ Liều hò hẹn với những huyền hoặc xanh (Bùa yêu).

Dù vậy, nói cho cùng, vẫn là phái yếu, vẫn mềm mại khi tự họa chân dung:

Kinh nhật tụng thuộc ngàn trang/ Mà yêu/ nhớ vẫn xếp hàng cầu may (Tự họa)…

Ý Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/luc-bat-cua-3-nu-thi-si-phuong-nam-20190719212426555.htm