Luật Viễn thông sửa đổi đứng đầu 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2023

Quốc hội thông qua Luật Viễn thông sửa đổi, nhà mạng chuẩn hóa thông tin, TikTok bị thanh tra là những sự kiện ICT nổi bật tại Việt Nam trong năm 2023.

 Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến ngành ICT, tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Grain Central.

Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến ngành ICT, tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Grain Central.

Sáng 26/12, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tiêu biểu trong năm 2023.

Trong năm 2023, 10 sự kiện ICT nổi bật do ICT Press Club lựa chọn chủ yếu thuộc các mảng viễn thông, bán dẫn, chiến lược chuyển đổi số báo chí và nền tảng mạng xã hội, game online.

Quốc hội thông qua 2 đạo luật quan trọng

Đứng đầu danh sách là sự kiện Quốc hội thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) vào ngày 24/11. Đây là đạo luật quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến ngành ICT, tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Luật Viễn thông (sửa đổi) mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh cho một số dịch vụ như điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet.

 Hình ảnh công bố sự kiện "Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử". Ảnh: M.S.

Hình ảnh công bố sự kiện "Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử". Ảnh: M.S.

Các dịch vụ được quản lý theo hướng “quản lý nhẹ” với phương pháp mở và linh hoạt, hướng đến bảo vệ quyền lợi người dùng, bảo đảm an toàn và an ninh. Luật cũng quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá.

Trước đó, Quốc hội cũng thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào ngày 22/6.

So với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, luật mới mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử cho mọi hoạt động trong đời sống xã hội, tạo khung pháp luật thống nhất về giao dịch điện tử trong các lĩnh vực. Điều này giúp chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Chuẩn hóa thông tin hàng triệu thuê bao

Từ ngày 31/3, các nhà mạng đã khóa một chiều những thuê bao có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nếu không chuẩn hóa thông tin, các thuê bao tiếp tục bị khóa liên lạc 2 chiều, cuối cùng là chấm dứt hợp đồng sau 2 tháng. Tính đến hết 14/5, các doanh nghiệp viễn thông đã thu hồi, hủy hơn 985.000 thuê bao.

Chuẩn hóa thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước thứ 2 trong quá trình kiểm soát tình trạng SIM rác, sai thông tin, sử dụng cho mục đích quảng cáo, lừa đảo. Trong lần chuẩn hóa này, hàng triệu thuê bao đã cập nhật thông tin để tiếp tục hoạt động.

 Một tin nhắn lừa đảo được gửi về điện thoại.

Một tin nhắn lừa đảo được gửi về điện thoại.

Bùng phát lừa đảo trên không gian mạng

Năm 2023 được xem là giai đoạn bùng nổ lừa đảo trên không gian mạng. Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết tội phạm công nghệ cao gia tăng và diễn biến phức tạp. Đối tượng lừa đảo thường nhắm đến người già, phụ nữ.

Một số thủ đoạn lừa đảo được nhấn mạnh như sử dụng video deepfake, tổ chức đánh bạc, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng cho mục đích trái pháp luật.

Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn sử dụng thiết bị tương tự trạm BTS của nhà mạng, dùng phần mềm phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo, hoạt động tín dụng đen, vay tiền, mua bán, đánh cắp dữ liệu cá nhân…

TikTok và game online là chủ đề “nóng”

Các sự kiện ICT tiêu biểu trong năm còn liên quan đến những nền tảng trên Internet, cụ thể là TikTok và dịch vụ game online.

Đầu tháng 10, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) công bố kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Đoàn kiểm tra gồm liên ngành do Bộ TTTT chủ trì đã kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 9. Kết luận kiểm tra yêu cầu TikTok triển khai 9 nội dung để khắc phục các sai phạm, bao gồm gỡ 100% các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

 Việc TikTok bị thanh tra cũng đánh dấu nỗ lực kiểm soát nội dung xấu độc và hoạt động của các mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Nam.

Việc TikTok bị thanh tra cũng đánh dấu nỗ lực kiểm soát nội dung xấu độc và hoạt động của các mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Nam.

Trái ngược với TikTok, ngành game online tại Việt Nam đón nhận tin tích cực khi ngày 24/7, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về việc chưa đưa kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trước đó, Bộ Tài chính đề nghị đưa game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng được cho gây tác hại đến sức khỏe, xã hội.

Sau khi được đưa ra, đề nghị này gặp phản ứng mạnh từ các chuyên gia, doanh nghiệp và bộ ngành liên quan. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước có xu hướng dịch chuyển thành lập công ty tại nước ngoài.

Ban hành Chiến lược Chuyển đổi số báo chí

Ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo Cục Báo chí, chuyển đổi số báo chí là sử dụng công nghệ để giải bài toán vướng mắc của cơ quan báo chí nhằm cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt, tăng lượng người xem, nghe, từ đó cải thiện doanh thu quảng cáo, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, 90% cơ quan sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động.

Ngoài ra, chiến lược đặt mục tiêu 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

 Hình ảnh công bố sự kiện "Khánh thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại Hòa Lạc". Ảnh: M.S

Hình ảnh công bố sự kiện "Khánh thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại Hòa Lạc". Ảnh: M.S

Thành tựu của các doanh nghiệp công nghệ

Một số thành tựu của các doanh nghiệp công nghệcũng góp mặt trong danh sách 10 sự kiện ICT tiêu biểu. Đầu tiên là sự kiện các tập đoàn của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... tích cực quan tâm đến lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam, thông qua các dự án có vốn đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD.

Bên cạnh dự án nước ngoài, một số doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam như FPT Semiconductor, Viettel… cũng nghiên cứu thiết kế và sản xuất chip.

Trong tháng 12, FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm, chủ yếu sang các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương.

Trước đó vào ngày 25/10, VNPT khai trương Trung tâm dữ liệu (IDC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Cơ sở có tổng diện tích sàn 23.000 m2, quy mô 2.000 tủ chứa thiết bị (rack), lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Nhân dịp này, ICT Press Club cũng kỷ niệm 20 năm ra mắt (26/12/2003). Thành lập theo quyết định của Hội Nhà báo Việt Nam, ICT Press Club là nơi các phóng viên gặp gỡ, trao đổi kiến thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tăng cường chia sẻ kiến thức về công nghệ thông tin.

ICT Press Club hiện có gần 50 thành viên, thuộc 40 cơ quan báo chí. Các hoạt động do câu lạc bộ tổ chức (hội thảo, tọa đàm…) đã đóng góp nhất định vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cac-su-kien-ict-tieu-bieu-tai-viet-nam-nam-2023-post1451048.html