Luật về hành vi bắt nạt trực tuyến tại Mỹ

Tại Mỹ, các khu học chánh được yêu cầu có quy định đối với kẻ bắt nạt trực tuyến. Tùy vào mỗi bang, quy định này lại khác nhau.

Điều quan trọng là trẻ phải hiểu được hậu quả của việc bắt nạt trực tuyến.

Cái nhìn cận cảnh

Hầu hết trẻ em ở Mỹ đều chứng kiến hành vi bắt nạt trên mạng hoặc từng là một phần của hành vi đó, với tư cách là nạn nhân hoặc thủ phạm. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng, một nửa số học sinh đã phải hứng chịu những bình luận hoặc bài đăng trực tuyến gây tổn thương. Hơn nữa, 10 - 20% trong số họ thường xuyên bị bắt nạt trên mạng.

Trong khi đó, khoảng 70% học sinh cho biết thường xuyên chứng kiến nạn bắt nạt trên mạng. Tuy nhiên, có thể làm được gì ngoài việc báo cáo người vi phạm lên nền tảng trực tuyến? Có bất kỳ hậu quả pháp lý nào đối với việc bắt nạt người khác trên mạng không? Trước khi giải quyết những câu hỏi đó, trẻ cần hiểu rõ bắt nạt trực tuyến là gì.

Nói một cách đơn giản, bắt nạt trên mạng liên quan đến việc gây ra nỗi đau tinh thần và sự sỉ nhục cho người khác hoặc một nhóm người bằng cách sử dụng công nghệ. Điều này có nghĩa là trẻ em và một số người lớn cũng có thể gửi tin nhắn văn bản độc hại hoặc quấy rối, đăng thông tin cũng như tin đồn đáng xấu hổ lên mạng xã hội hoặc đưa ra những bình luận ác ý trên một diễn đàn trực tuyến.

Những kẻ bắt nạt trên mạng sử dụng công nghệ để đe dọa, quấy rối, hạ thấp, làm xấu mặt, làm nhục và nhắm mục tiêu vào người khác. Một trong những điều khiến bắt nạt qua mạng trở nên nguy hiểm là, không giống như bắt nạt truyền thống, hành vi quấy rối vẫn tiếp diễn, ngay cả sau khi ngày học hoặc ngày làm việc kết thúc.

Công nghệ cho phép những kẻ bắt nạt theo dõi mục tiêu ở khắp mọi nơi. Bất cứ khi nào nạn nhân có quyền truy cập vào công nghệ, họ đều có thể bị bắt nạt trên mạng.

Hơn nữa, mạng xã hội dễ dàng tạo cơ hội cho hành vi quấy rối. Vì lý do này, nhiều người trẻ hằng ngày chứng kiến sự tàn ác trên mạng. Trên thực tế, tình trạng đó đang trở thành một phần cuộc sống hằng ngày của họ và hậu quả là không nhỏ. Tuy nhiên, vì nó đang diễn ra xung quanh họ nên giới trẻ ngày càng miễn nhiễm với tầm quan trọng của vấn đề này. Các thanh thiếu niên bắt đầu chấp nhận nó như một phần của cuộc sống.

Ngoài ra, vì những kẻ bắt nạt trên mạng không thể nhìn thấy tác động của lời nói đối với người khác, nên chúng thường tàn ác hơn trên mạng so với khi gặp trực tiếp. Thực tế, một số kẻ quấy rối trực tuyến sẽ không bao giờ coi mình là kẻ bắt nạt.

Nhìn chung, bắt nạt qua mạng thường gây ra những hậu quả đáng kể vì nó rất tàn nhẫn và dường như không bao giờ kết thúc. Vì lý do này, các nhà giáo dục, lãnh đạo cộng đồng và các nhà lập pháp đang nỗ lực giải quyết kiểu bắt nạt này.

Luật bắt nạt trên mạng tại các bang ở Mỹ có sự khác biệt đáng kể.

Bắt nạt trên mạng và pháp luật

Vậy bắt nạt qua mạng có phải là phạm tội không? Câu trả lời ngắn gọn là có. Hành vi bắt nạt qua mạng có thể dẫn đến hậu quả pháp lý.

Ví dụ như nhắn tin quấy rối tình dục. Trong tình huống này, những người gửi hoặc nhận tin nhắn quấy rối có thể bị buộc tội phát tán nội dung khiêu dâm tới trẻ em. Vì lý do này, điều cực kỳ quan trọng là trẻ phải hiểu được hậu quả của việc bắt nạt trực tuyến. Đặc biệt, các thanh thiếu niên có thể gặp rất nhiều rắc rối pháp lý nếu không hiểu rõ luật pháp.

Tại Mỹ, luật bắt nạt trên mạng không chỉ giới hạn ở việc gửi tin nhắn quấy rối tình dục. Không có luật liên bang nào đề cập cụ thể đến bắt nạt trên mạng. Song, nếu ai đó trở thành nạn nhân vì chủng tộc, nguồn gốc quốc gia, giới tính, khuynh hướng tình dục, khuyết tật hoặc tôn giáo, hành vi đó có thể trùng lặp với việc quấy rối phân biệt đối xử và luật dân quyền liên bang.

Thực tế, nhiều trường hợp bắt nạt qua mạng bị truy tố vì tội quấy rối. Do đó, một số vụ việc sẽ kết thúc tại tòa án dân sự trong khi những vụ khác có thể bị buộc tội hình sự và truy tố. Ngoài những luật lớn hơn này, từng tiểu bang còn có luật và quy định riêng về bắt nạt trên mạng.

Montana là tiểu bang cuối cùng thông qua luật bắt nạt vào tháng 4/2015.

Trách nhiệm của trường học

Tại Mỹ, nếu hành vi quấy rối hoặc bắt nạt trên mạng mà một người gặp phải được giải quyết theo luật quấy rối phân biệt đối xử và luật dân quyền liên bang như Tiêu đề IX và Mục 504, thì các khu học chánh được liên bang tài trợ cũng phải giải quyết vụ việc đó. Vì vậy, có thể có các thủ tục kỷ luật bổ sung đối với trẻ em bắt nạt trên mạng, ngay cả khi hành vi đó xảy ra ngoài khuôn viên trường học.

Các khu học chánh được yêu cầu gửi một loạt thông tin về bắt nạt cho Bộ Giáo dục Mỹ, sau đó đưa dữ liệu này vào cuộc khảo sát Thu thập Dữ liệu Dân quyền (CRDC) được thực hiện hằng năm.

Nhìn chung, họ thu thập dữ liệu về các cáo buộc quấy rối hoặc bắt nạt, đặc biệt là liên quan đến chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, khuyết tật, quốc tịch và tôn giáo. Đồng thời, ghi lại dữ liệu về những học sinh bị kỷ luật vì hành động này. Chính phủ liên bang chưa thông qua luật quốc gia về bắt nạt trên mạng hoặc ngăn chặn hành vi này. Do đó, mỗi bang có trách nhiệm soạn thảo và ban hành luật riêng.

Tất cả 50 bang tại Mỹ đều có luật bắt nạt. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn như vậy. Montana là tiểu bang cuối cùng thông qua luật bắt nạt vào tháng 4/2015. Hơn nữa, Montana là tiểu bang duy nhất không yêu cầu các trường học phải có chính sách chính thức về bắt nạt.

Hiện nay, án lệ liên bang cho phép các trường kỷ luật học sinh vì hành vi bên ngoài khuôn viên trường, dẫn đến sự gián đoạn đáng kể môi trường học tập. Do đó, nhiều tiểu bang đã thực hiện sửa đổi luật để cho phép các trường học có nhiều cơ hội hơn tham gia vào việc chấm dứt bắt nạt trên mạng.

Luật pháp của tiểu bang có sự khác biệt đáng kể, cũng như yêu cầu đối với các khu học chánh. Ví dụ, một số bang đã ban hành luật, chính sách và quy định trong khi những bang khác xây dựng chính sách mẫu cho các khu học chánh.

Trong khi đó, không nhiều bang đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với hành vi bắt nạt và chỉ một số ít coi bắt nạt là tội hình sự. Ngoài ra, một số tiểu bang giải quyết vấn đề bắt nạt, bắt nạt trực tuyến và quấy rối bằng một luật duy nhất trong khi các tiểu bang khác sử dụng nhiều luật. Ở một số bang, bắt nạt xuất hiện trong bộ luật hình sự và áp dụng cho thanh thiếu niên.

Do đó, luật bắt nạt trên mạng có sự khác biệt đáng kể. Trong đó, một số bang có yêu cầu nghiêm ngặt hơn nhiều so với các bang khác. Ví dụ, Đạo luật về Nhân phẩm dành cho tất cả học sinh (DASA) của New York quy định, các khu học chánh phải áp dụng những chính sách và thủ tục như: Thực hiện các chính sách về quấy rối, bắt nạt, bắt nạt trên mạng; Cung cấp cơ chế báo cáo cho tất cả hình thức bắt nạt và quấy rối;...

Trong khi đó, luật bắt nạt trên mạng của Ohio, được gọi là Đạo luật Jessica Logan, cũng có phạm vi rộng. Luật này được đưa ra sau khi Logan bị các bạn cùng lớp bắt nạt, quấy rối và đe dọa trên mạng khi một bức ảnh khỏa thân của cô được lan truyền ở trường trung học. Logan đã tự sát ngay sau khi bức ảnh được phát tán ở trường.

Đáp lại, luật của Ohio yêu cầu các học khu mở rộng các chính sách chống bắt nạt hiện có để giải quyết vụ việc quấy rối, đe dọa và bắt nạt xảy ra cả trực tuyến và trên xe buýt trường học. Luật cũng quy định rõ rằng, các chính sách chống bắt nạt của học khu phải nêu rõ, học sinh có thể bị đình chỉ vì tham gia bắt nạt hoặc bắt nạt trên mạng. Luật cũng yêu cầu các trường cung cấp cơ chế báo cáo ẩn danh cũng như chiến lược để bảo vệ người báo cáo vụ việc khỏi bị trả thù.

Cuối cùng, Ohio yêu cầu các học khu của mình phát triển các phương pháp phù hợp với lứa tuổi để giáo dục học sinh về chính sách chống bắt nạt và hậu quả của việc vi phạm chính sách. Họ cũng được yêu cầu đào tạo tất cả giáo viên, quản trị viên và nhân viên của mình về các chính sách chống bắt nạt. Đồng thời, phải gửi bản tóm tắt bằng văn bản về tất cả các vụ việc được báo cáo và đăng lên trang web để công chúng đọc.

Để so sánh giữa các luật này dễ dàng hơn, Bộ Giáo dục Mỹ đã phát triển một khuôn khổ gồm những thành phần chung có trong luật, chính sách và quy định của các bang. Họ sử dụng khuôn khổ này để hiểu cách các trường học thực hiện hành động nhằm ngăn chặn và ứng phó với tình trạng bắt nạt.

Luật pháp ở mỗi bang có sự khác nhau đáng kể. Do đó, hình phạt đối với hành vi bắt nạt qua mạng cũng có phạm vi rộng. Tùy thuộc vào tiểu bang và luật bắt nạt trên mạng, các hình phạt dành cho hành vi này có thể dao động từ hình phạt dân sự như bị đình chỉ hoặc đuổi học, đến phạt tù đối với một số trọng tội.

Ví dụ, ở Florida, luật bắt nạt trên mạng chỉ đạo các trường học kỷ luật học sinh bằng cách đình chỉ hoặc đuổi học. Trong khi đó, ở Missouri, những kẻ bắt nạt trên mạng thực hiện các mối đe dọa bạo lực thông qua mạng xã hội hoặc phương tiện điện tử khác có thể bị buộc tội hình sự.

Theo Very well family

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luat-ve-hanh-vi-bat-nat-truc-tuyen-tai-my-post674917.html