LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI) CẦN LÀM RÕ NGUYÊN TẮC ĐỂ QUẢN LÝ BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ nguyên tắc tiếp cận để quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường nước tạo điều kiện để xây dựng một kế hoạch tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững cho Tp.Hà Nội.

Quản lý nước đô thị cần duy trì cân bằng vòng tuần hoàn nước tự nhiên

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua, dự án luật cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng bày tỏ quan tâm đến dự án luật này.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Tiếp cận dự án luật này từ góc nhìn quản lý bền vững tài nguyên nước, GS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cho biết, Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 được ban hành với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là “Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước”.

Luật quy định những chính sách mới có tính đặc thù, những tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định nhằm giải quyết những vấn đề lớn của Hà Nội như: quy hoạch chỉnh trang đô thị, đô thị hóa, phát triển nhà ở, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, Hà Nội chưa phát huy hết lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Luật Thủ đô đã tạo điều kiện và hành lang cho Hà Nội phát triển, nhưng dấu ấn của Luật còn hạn chế trong các hoạt động kinh tế - xã hội (KT - XH).

Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Hà Nội đã mang lại nhiều thành tựu phát triển KT - XH to lớn, nhưng lại làm gia tăng sức ép lên việc quản lý tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên rừng, đất, nguồn nước, cũng như nảy sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm nước và sức khỏe cộng đồng.

Theo GS.TS Trần Đức Hạ, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Hà Nội nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Vì vậy, UBND TP. Hà Nội đã đề nghị đưa các nội dung: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển đô thị, thương mại và công nghiệp; bảo vệ môi trường Thủ đô,… xem xét, thể chế hóa trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

GS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường

GS.TS Trần Đức Hạ cho biết, tài nguyên nước trong một vùng lãnh thổ bao gồm: nước mặt (sông, kênh mương, hồ, ao đầm,..); nước dưới đất (nước ngầm mạch nông tầng holocen, mạch sâu có áp tầng pleitocen...); nước mưa và cả các loại nước thải có thể tái sử dụng. Tài nguyên nước là thành phần chủ yếu của môi trường sống, là yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm thực hiện thành công các chiến lược, kế hoạch phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc. Vì vậy, cần có tiếp cận phù hợp về quản lý bền vững tài nguyên nước trong các nội dung nêu trên để đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Việc quản lý nước đô thị hiện nay này không chỉ giới hạn trong xử lý nước ô nhiễm, mà ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng của vòng tuần hoàn nước tự nhiên, khắc phục được các hậu quả do việc khai thác nước quá mức (sụt lún đất, giảm mực nước ngầm), kết hợp tận thu được năng lượng và tài nguyên từ quá trình xử lý nước thải và bùn thải, trong khi vẫn đáp ứng được các mục tiêu phát triển KT-XH trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo GS.TS Trần Đức Hạ, đô thị hóa dẫn đến thay đổi môi trường nước mưa và nước ngầm. Nước mặt là một trong những nguồn bổ cập chính cho nước ngầm. Bảo tồn trữ lượng và chất lượng của các diện tích mặt nước yếu tố quan trọng để quản lý bền vững môi trường nước ngầm và nguồn nước ngầm.

Trong tương lai BĐKH sẽ gia tăng hạn hán và giảm nguồn bổ cập của các sông. Bổ sung nhân tạo nước dưới đất đã và đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới để lưu trữ và cải thiện chất lượng nước, phòng ngừa các thiệt hại đối với các công trình xây dựng do sụt lún mặt đất,… Trữ nước mưa và bổ cập nước ngầm bởi các diện tích mặt nước là một trong những giải pháp quản lý nguồn nước. Nước mưa không những là nguồn bổ sung dự trữ nước mặt và nước ngầm đã thiếu hụt sau sử dụng theo chu kỳ mùa, mà còn giữ áp suất địa tĩnh chống lún sụt vùng đô thị.

GS.TS Trần Đức Hạ nêu rõ, an ninh nguồn nước là năng lực thích ứng để bảo vệ khả năng được tiếp cận bền vững đủ về số lượng nước, chất lượng nước bảo đảm cho sức khỏe, sinh kế, môi trường sinh thái và hoạt động kinh tế. Đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn của các đô thị, bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Từ sự cố ô nhiễm nước của Nhà máy nước sông Đà đã bộc lộ các bất cập, như: việc kiểm soát nguồn nước từ thượng lưu, mối quan hệ giữa các tỉnh trong bảo vệ nguồn nước… chưa chặt chẽ; quy trình kiểm tra chất lượng nước của hệ thống cấp nước đô thị chưa được tuân thủ...

Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ nguyên tắc để quản lý bền vững tài nguyên nước

Bảo đảm an ninh nguồn nước là phải đạt được một hệ thống bền vững về quản trị nguồn nước, kết cấu hạ tầng ngành nước để cân bằng nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Trong nội dung về bảo vệ nguồn nước của Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 chỉ rõ: Lập hành lang bảo vệ nguồn nước, xây dựng các phương án bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước khai thác đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm cấp nước an toàn; Rà soát, bổ sung các quy định về hệ thống quan trắc giám sát chất lượng nguồn nước sinh hoạt; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm chất lượng nguồn nước và xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép.

Về vấn đề giải quyết úng ngập đô thị trên nguyên tắc HTTN đô thị bền vững, GS.TS Trần Đức Hạ cho rằng, thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững là một trong những giải pháp mới được khuyến khích áp dụng nhằm góp phần giảm thiểu ngập úng đô thị dưới tác động của BĐKH. Các công trình của HTTN đô thị bền vững tạo điều kiện thoát chậm để tránh lượng mưa tập trung lớn ở đô thị trong thời gian ngắn, đồng thời sử dụng triệt để các khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước, bổ cập nguồn nước ngầm cộng với việc làm hài hòa cảnh quan thiên nhiên.

Thực hiện các giải pháp quy hoạch thoát nước đô thị bền vững mang lại những lợi ích như kiểm soát ô nhiễm nước, giảm thiểu úng ngập, xói mòn, làm đa dạng và tăng giá trị của hệ sinh thái nước, bổ cập nguồn nước ngầm, ổn định dòng chảy các dòng sông, tiết kiệm nước cấp nhờ thu gom và tái sử dụng nước mưa, cải thiện cảnh quan sinh thái đô thị, tăng giá trị thương mại của khu đất và nâng cao thiết thực chất lượng cuộc sống.

GS.TS Trần Đức Hạ cho rằng, sự tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế đô thị làm tăng mạnh nhu cầu nước sử dụng, vì vậy nguồn nước sạch trở nên một hàng hóa có giá trị. Vì vậy, cần có cách tiếp cận quản lý hệ thống nước bền vững đặt tài nguyên nước đô thị làm trung tâm, giảm thiểu việc sử dụng nước và tăng cường tái sử dụng nước trong công trình, do đó giảm áp lực lên tài nguyên nước thiên nhiên và giảm thiểu sự xả thải chất ô nhiễm ra ngoài hệ sinh thái đô thị

GS.TS Trần Đức Hạ khẳng định, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ nguyên tắc tiếp cận để quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường nước tạo điều kiện để xây dựng một kế hoạch tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững cho Tp.Hà Nội với đa mục tiêu: đảm bảo cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên, đáp ứng các mục tiêu phát triển KT-XH và thích ứng với BĐKH.

Các giải pháp quản lý tài nguyên nước (trung hạn và dài hạn) dựa trên các yêu cầu như: các quy hoạch thành phần liên quan đến tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trong Quy hoạch phát triển TP phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm KT-XH có tính đến sự BĐKH; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến quản lý tổng hợp và quản lý bền vững tài nguyên nước đô thị.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85774