Luật sư gặp người bị tạm giữ, tạm giam: Rất khó

Tại hội thảo, các vấn đề về quyền của người bào chữa; việc cung cấp chứng cứ… quy định trong BLTTHS 2015 đã được các luật sư góp ý kiến sôi nổi.

Ngày 25-8, Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam tổ chức hội thảo sơ kết năm năm thi hành BLTTHS 2015, thực tiễn thi hành và giải pháp, kiến nghị.

Vướng mắc về quy định luật sư gặp gỡ bị can, bị cáo

Tại hội thảo, LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) nêu nhận xét về quyền gặp, hỏi người bị buộc tội. Quyền này được ghi nhận lần đầu tiên tại Điều 73 BLTTHS 2015, được xem là một trong những điểm mới tích cực. Theo đó, việc LS gặp người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn là độc lập, không buộc phải có mặt điều tra viên hoặc phải được sự chấp thuận trước của cơ quan điều tra (CQĐT).

Tuy nhiên, theo LS Công, thực tiễn quyền gặp, hỏi người bị buộc tội của LS trong giai đoạn điều tra gặp rất nhiều khó khăn, gần như không thể thực hiện được. Trong nhiều trường hợp, cơ sở giam giữ lấy lý do CQĐT không đồng ý hoặc điều tra viên bận không tham dự để từ chối yêu cầu của LS.

Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Thành Công nêu khó khăn khi thực hiện quyền gặp, hỏi người bị buộc tội. Ảnh: YC

Theo LS Công, liên quan đến vấn đề này, Liên đoàn LS Việt Nam đã tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về hàng trăm đơn thư khiếu nại trong nhiều năm qua của LS do phải đăng ký, chờ đợi hằng tháng vẫn không được gặp, làm việc với bị can trong giai đoạn điều tra.

“Trong một số ít trường hợp sau khi trải qua các thủ tục nhiêu khê, tốn nhiều thời gian và công sức thì LS cuối cùng cũng được tạo điều kiện để gặp, tiếp xúc với người bị buộc tội nhưng phải chịu sự giám sát gắt gao của điều tra viên, cán bộ điều tra hoặc giám thị trại giam. Điều này vô hình trung khiến cho việc gặp, hỏi của LS chỉ mang tính hình thức” - LS Công nói.

Nhiều góp ý về quy định bào chữa

Điều 26 BLTTHS 2015 quy định người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của .

Tuy nhiên, theo LS Trương Xuân Tám (Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, hỗ trợ LS, Liên đoàn LS Việt Nam), nguyên tắc cơ bản này còn vướng mắc trong việc LS cung cấp chứng cứ mới phải qua CQĐT, VKS có thể cung cấp ở trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hay tại phiên tòa.

LS Tám nêu rằng nếu chứng cứ liên quan tới tình tiết giảm nhẹ, LS và bị cáo có thể xuất trình ngay tại phiên tòa và được chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều chứng cứ khác quan trọng và phức tạp hơn như các chứng cứ liên quan đến việc xác định bị cáo có tội hay không thì không được xem xét, chấp nhận.

Về vấn đề mà LS Tám nêu ra là có cần quy định rõ bản án phải ghi đầy đủ hoặc tóm tắt các nội dung bào chữa hay không, thẩm phán Nguyễn Thị Hà (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), cho rằng việc tranh tụng tại tòa giúp làm sáng tỏ được nhiều vấn đề nên của LS luôn được ghi nhận đầy đủ trong bản án.

Trước thực trạng nhiều LS bị mời ra khỏi phòng xét xử, LS Phạm Đức Hùng (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An) nhận xét rằng nhiều vụ tòa tước đi quyền bào chữa của LS mà không có lý do chính đáng. Trong khi đó, nội quy phiên tòa quy định rất chung chung. Vì vậy, theo LS Hùng, cần quy định rõ quyền này.

Ngoài ra, nhiều LS cũng nêu ý kiến rằng cần quy định chế tài đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nếu có hành vi cản trở hoạt động của LS.•

Mong muốn có luật sư tham gia ngay từ đầu

Tại hội thảo, Thượng tá Lê Đức Túy (Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM) nêu rằng bị can, bị cáo hiện được tiếp cận rất nhiều thông tin nên họ cũng đặt ra nhiều yêu cầu. Vì vậy, các điều tra viên rất mong muốn có LS tham gia ngay từ đầu.

Ông Túy cũng ủng hộ quy định triệu tập điều tra viên tham gia phiên tòa bởi có trường hợp bị can phản cung hoàn toàn khi ra tòa; sau đó điều tra viên được triệu tập đã làm rõ hành vi phạm tội nên bị cáo không thể chối cãi.

Đại diện VKSND TP.HCM thì cho rằng kiểm sát viên luôn trân trọng ý kiến đóng góp của LS để làm sáng tỏ vụ án; từ đó giúp tòa có thể ra một bản án tâm phục, khẩu phục…

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-su-gap-nguoi-bi-tam-giu-tam-giam-rat-kho-post748573.html