Luật sư Bùi Thanh Vũ: Tư vấn pháp luật

* Bạn đọc Đ.V.L. (huyện Chư Păh) hỏi: Tôi có người bạn hành nghề đánh bắt cá tại khu vực Biển Hồ B. Do hám lợi nên người này đã dùng xung điện để đánh bắt cá.

Vậy hành vi dùng xung điện để đánh bắt cá và các nguồn lợi thủy sản khác của bạn tôi có vi phạm pháp luật hay không? Nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Hành vi dùng xung điện, kích điện để đánh bắt cá là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017: “Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”.

Tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm mà bạn của bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Căn cứ khoản 1, khoản 5 Điều 28 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ, hành vi vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản sẽ bị “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá”. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 28 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.

Như vậy, người đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng và tịch thu công cụ xung điện, kích điện. Đối với tổ chức, khi thực hiện hành vi đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện sẽ bị phạt từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP).

Trường hợp hành vi của người đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị phạt tù lên đến 10 năm và phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

“1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Ngoài ra, trong trường hợp người vi phạm dùng xung điện, kích điện để đánh bắt cá mà để rò rỉ điện dẫn đến điện giật chết người thì có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Do đó, bạn nên khuyên bạn của mình cần chấm dứt ngay hành vi sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt cá.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/luat-su-bui-thanh-vu-tu-van-phap-luat-post267648.html