Luật PPP quá hạn chế, cần sơ kết sửa đổi ngay

Một số ý kiến nêu những hạn chế, vướng mắc của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), cho rằng sau 3 năm có hiệu lực, luật đã không đi vào được cuộc sống, đến lúc cần sơ kết, giám sát việc thực hiện để sớm sửa đổi.

Sáng 24-4, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư, với chủ đề Đầu tư bằng hình thức đối tác công – tư (PPP) trong bối cảnh mới của TPHCM.

Diễn đàn có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, đại biểu. Ảnh: M.HOA

Chương trình diễn ra với các phần trình bày và phiên thảo luận rất sôi nổi, cởi mở liên quan đến hệ thống pháp luật về PPP và thực tiễn triển khai các dự án. Trước diễn đàn chính thức này, phiên trù bị đã được tổ chức ngày 12-4 với sự tham gia của gần 200 đại biểu là nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực và các cơ quan thông tấn báo chí.

“Nóng” nhất ở diễn đàn là phần phát biểu của PGS-TS Dương Đăng Huệ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp – Bộ Tư pháp, với vấn đề đặt ra là: "Cái gì đã góp phần làm cho đầu tư theo phương thức PPP trở nên kém hiệu quả ở nước ta trong thời gian qua?".

Theo ông Huệ, sắp tới, Chính phủ sẽ tổng kết 3 năm thi hành Luật PPP. Đây là một nhiệm vụ thường xuyên mà Chính phủ phải làm đối với bất cứ đạo luật nào. Tuy nhiên, đối với Luật PPP thì việc làm này của Chính phủ lại càng có ý nghĩa trong điều kiện hiện nay, "khi mà hình như mục đích ban hành luật này trên thực tế đã không mấy thành công".

"Số lượng các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư sau ngày Luật PPP có hiệu lực (1-1-2021) không những không tăng mà còn giảm đi một cách đáng kể. Thực tế này buộc chúng ta phải suy ngẫm một cách nghiêm túc để tìm ra lý do", PGS-TS Dương Đăng Huệ nói.

PGS-TS Dương Đăng Huệ trình bày tại diễn đàn. Ảnh: M.HOA

Theo ông Huệ, có 4 lý do. Một là, có sự bất tương xứng giữa quy mô to lớn của các vấn đề phát sinh trong thực tiễn đầu tư PPP với sự nghèo nàn, đơn giản của pháp luật về lĩnh vực đầu tư này. Hai là, chưa khẳng định rõ được một vấn đề mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án rất quan tâm hiện nay, đó là công trình dự án do họ làm ra có thuộc sở hữu của họ hay không và nếu không thì họ có những quyền gì đối với tài sản này (vấn đề về quyền của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đối với tài sản là công trình dự án).

Ba là, chưa làm rõ cơ chế bảo vệ đặc thù của Nhà nước đối với quyền kinh doanh công trình của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Bốn là, chưa có cơ chế thích hợp để khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện các hạng mục công trình phụ trợ dọc theo tuyến cao tốc.

Từ đó, ông Dương Đăng Huệ cho rằng, Quốc hội cần thực hiện hoạt động giám sát thực hiện Luật PPP. Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn, cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP, trong đó có mẫu hợp đồng dự án BOT để làm cơ sở cho các bên ký kết và thực hiện các loại hợp đồng này…

Diễn đàn diễn ra sôi nổi, kéo dài tới quá trưa

Diễn đàn cũng sôi nổi với cuộc thảo luận về sự bình đẳng giữa Nhà nước – nhà đầu tư trong hình thức PPP. Trước các ý kiến cho rằng, có sự bất bình đẳng giữa hai bên, Nhà nước vẫn “nắm đằng chuôi”, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Phạm Trung Kiên nêu một khía cạnh ngược lại. Đó là việc tư nhân có thể thuê được những luật sư hàng đầu, trong khi Nhà nước thì không. Trước đây từng bàn là phải có luật sư công, nhưng chưa có quy định.

Về việc này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho rằng, Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư được thành lập theo chủ trương từ UBND TPHCM. Diễn đàn không chỉ hỗ trợ pháp lý cho các nhà đầu tư mà còn hỗ trợ cả phía Nhà nước. Cộng đồng chuyên gia, luật gia trong nước và quốc tế đều muốn cống hiến cho cả nước và TPHCM.

Tại diễn đàn, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Phó Chủ tịch VIAC thông tin, đến nay, thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM đã kêu gọi 54 dự án đầu tư theo hình thức PPP (41 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế theo Nghị quyết 181/NQ-HĐND; 5 dự án BOT công trình giao thông đường bộ hiện hữu và thêm 8 dự án khác thuộc lĩnh vực giáo dục, thể thao vừa được TP Thủ Đức kêu gọi vốn đầu tư ngày 17-4 vừa qua).

Thành phố cũng rất nỗ lực hiện thực hóa các quy định tại Nghị quyết 98 trong việc triển khai các dự án PPP trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, có thể thấy, quá trình kêu gọi, triển khai các dự án PPP đang gặp một số vướng mắc như thiếu hướng dẫn cụ thể cũng như các vấn đề liên quan đến tính phù hợp của hình thức PPP đối với một số dự án.

Bà Lương Thị Thanh Ngân, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chuyên gia cao cấp về Đầu tư Tư nhân cho rằng, không phải tất cả các dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư PPP của TPHCM hiện nay đều có thể thực hiện PPP. Có những dự án, nếu áp dụng PPP, cả Nhà nước và nhà đầu tư sẽ phải chịu lỗ, trong đó có các dự án y tế, giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Linh Giang - Bộ KH-ĐT. Ảnh: M.HOA

Theo bà Nguyễn Thị Linh Giang, Chánh Văn phòng PPP Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ KH-ĐT, từ khi Luật PPP ra đời và có hiệu lực vào năm 2021, có tổng cộng 36 dự án được triển khai theo hình thức PPP, trong đó, đa phần các dự án được thực hiện dưới dạng hợp đồng BOT (28/36 dự án), còn lại các dự án được thực hiện dưới dạng BLT, BOO và một dự án triển khai dưới dạng hợp đồng O&M.

Kết luận diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, diễn đàn đã cho thấy chủ đề về PPP hiện đang là vấn đề quan trọng và “nóng” của TPHCM. Trên cơ sở các ý kiến này, diễn đàn sẽ đưa ra báo cáo tổng hợp cuối cùng và có các kiến nghị chi tiết, khả thi đến thành phố, nhằm giúp cơ quan chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư hiệu quả và đồng thời cũng giúp nhà đầu tư an tâm hơn khi quyết định đồng hành cùng thành phố trong các dự án PPP thời gian tới.

Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng đã được triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhưng đang tạm dừng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về kêu gọi các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, đại diện Sở VH-TT TPHCM cho biết, thực hiện Nghị quyết 98, dự kiến đầu tháng 6-2024 sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư 23 dự án. Trong lĩnh vực y tế, TS-BS Võ Hoàng Nhân, Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TPHCM, cho biết, ngành y tế TPHCM đã quyết tâm làm PPP từ khoảng những năm 2014, nhưng đến nay chưa dự án nào thành công. Vấn đề “đau đầu” với dự án PPP y tế là đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa 5 nhà: nhà đầu tư, nhà nước, nhà chuyên môn, nhà tư vấn, nhà dân - người thụ hưởng dịch vụ. Nhưng 5 nhà này hiện nhu cầu và quan điểm chưa đồng tâm nhất quán.

Nguồn ADB

* Bà NGUYỄN THỊ LINH GIANG, Chánh Văn phòng PPP Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ KH-ĐT: Cần minh bạch Nghị quyết 98 đã cho phép TPHCM thí điểm trở lại BT (xây dựng - chuyển giao), nhưng là BT thanh toán bằng ngân sách Nhà nước. Hình thức BT thanh toán bằng tiền Chính phủ đã dừng từ năm 2014, do chất lượng các dự án này không đảm bảo. Hiện vẫn còn 5 dự án BT thanh toán bằng tiền vẫn chưa giải quyết xong, rất phức tạp. Hình thức BT thanh toán bằng đất cũng thất bại. Hiện bộ tổng kết có khoảng 200 dự án BT thanh toán bằng quỹ đất vẫn chưa quyết toán xong, vẫn đang vướng thanh toán và tắc luôn, không làm tiếp được. Đó là lý do vì sao Luật PPP dừng luôn hình thức BT. Gần đây, TPHCM tha thiết đề xuất BT trong Nghị quyết 98, với cách làm mới khác biệt hơn. Chúng tôi tin rằng TPHCM cũng đã nhìn nhận các rủi ro, lỗ hổng trước đây để khắc phục và muốn khuyến cáo thêm TPHCM về tính minh bạch, đấu thầu cạnh tranh, tính giải trình, phần nào chia sẻ việc vì sao dừng BT ở trong Luật PPP và cho phép TPHCM thí điểm.

* Bà LƯƠNG THỊ THANH NGÂN, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): Chính quyền quyết tâm sẽ làm được Ở các nước, dự án PPP nào mà chính phủ quan tâm và quyết tâm làm thì sẽ đạt được thành công lớn. Dẫn chứng về dự án PPP sân bay quốc tế ở Philippines, nhờ sự quyết tâm lớn của chính phủ, nên chỉ mất 7 tháng từ khi phát hành hồ sơ mời thầu đến khi ký được thỏa thuận nhượng quyền với nhà đầu tư trúng thầu. ADB sẽ hỗ trợ các dự án PPP tại Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang hỗ trợ dự án xây dựng ký túc xá sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, rất hy vọng đây là dự án đầu tiên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và có thể trở thành một ví dụ tốt như sân bay Philippines.

* Luật sư NIRMALAN AMIRTHANESAN, Công ty Luật Mori Hamada & Matsumoto: Phân phối lại rủi ro Rủi ro của dự án nên được phân chia cho các bên có khả năng quản lý tốt nhất để giảm thiểu tổng chi phí của các rủi ro và tránh việc dự án PPP trở thành “một trò chơi không có người thắng cuộc”. Cải thiện việc phân phối rủi ro sẽ giúp cải thiện hoạt động của các dự án PPP và hiệu quả chi phí. Chính phủ các nước đã thành lập cơ quan để tư vấn về các dự án PPP và cải cách pháp luật để khuyến khích các dự án PPP. Những cơ quan này có thể giúp thúc đẩy và phối hợp cải cách pháp luật cần thiết để thúc đẩy các dự án PPP, có thể bao gồm nhiều cơ quan.

MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/luat-ppp-qua-han-che-can-so-ket-sua-doi-ngay-post736835.html