Luật mới của Mỹ sẽ giúp chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai tại nơi làm việc

Trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Mỹ đã đạt được cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống phân biệt đối xử khi mang thai tại nơi làm việc với việc thực thi Luật Công bằng cho người lao động mang thai (PWFA). Luật liên bang mới này yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp 'tiện nghi hợp lý' cho người lao động đang mang thai và sau khi sinh, từ đó mở rộng các biện pháp bảo vệ cho hàng triệu cá nhân trên khắp đất nước.

Chiến thắng không chỉ cho phụ nữ

PWFA được xây dựng trong một thời gian dài, lần đầu tiên được giới thiệu tại Quốc hội Mỹ vào năm 2012 và sau đó được giới thiệu lại trong hầu hết các phiên họp lập pháp kể từ đó. Cuối cùng, đến tháng 12. 2022, dự thảo luật nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng và được thông qua thành luật, phần lớn nhờ vào nhận thức ngày càng tăng về tình trạng đáng lo ngại lên quan đến sức khỏe của người lao động đang mang thai cũng như việc thiếu hỗ trợ dành cho các bà mẹ đang đi làm. Nhiều tổ chức, trong đó có A Better Balance, một nhóm vận động quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp soạn thảo luật.

Nguồn: shrm.org

Luật mới được xây dựng dựa trên Đạo luật Chống phân biệt đối xử khi mang thai, được ban hành hơn 40 năm trước song vẫn còn nhiều kẽ hở, dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử diễn ra tràn lan. Một yếu tố quan trọng góp phần vào sự phân biệt đối xử này là việc thiếu tiện nghi cho nhân viên mang thai. Một cuộc thăm dò năm 2022 của Trung tâm Chính sách lưỡng đảng cho thấy, 23% bà mẹ cân nhắc nghỉ việc do không đủ tiện nghi hoặc sợ bị phân biệt đối xử. Hơn nữa, hàng nghìn lao động đang mang thai đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng (EEOC) mỗi năm, với ít nhất một phần ba số khiếu nại đó liên quan đến việc thiếu tiện nghi hợp lý.

Với việc triển khai PWFA, người lao động đang mang thai sẽ không còn phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc duy trì thai kỳ khỏe mạnh hay phục hồi sau sinh và kiếm tiền lương. Theo các nhà quan sát, luật mới là chiến thắng lớn cho phụ nữ, gia đình và toàn bộ nền kinh tế.

PWFA áp dụng cho những người sử dụng lao động có từ 15 nhân viên trở lên, bao gồm cả những người làm việc theo giờ và cung cấp sự bảo vệ không chỉ cho những nhân viên đang mang thai mà còn cho những người có tình trạng y tế liên quan. Điều này bao gồm những phụ nữ đang điều trị sinh sản, những người bị trầm cảm sau sinh hay những người đã phá thai hoặc sảy thai.

Linh hoạt và hợp lý

Các điều chỉnh hợp lý theo PWFA có thể bao gồm từ việc cung cấp ghế cho những nhân viên phải đứng cả ngày cho đến việc cho phép sử dụng nhà vệ sinh nhiều hơn, tạm thời phân công lại các việc nhẹ nhàng hơn hoặc lịch trình phù hợp với tình trạng ốm nghén. Luật có sự linh hoạt khi không xác định thuật ngữ "điều chỉnh hợp lý", vì vậy thuật ngữ này có thể được áp dụng cho các trường hợp khác nhau dựa trên nhu cầu riêng của từng nhân viên. Tuy nhiên, những điều chỉnh đó không được áp đặt "khó khăn quá mức" đối với doanh nghiệp.

Những điều chỉnh này có thể cải thiện đáng kể sức khỏe của cả công nhân mang thai và em bé. Ví dụ, một nhân viên đang mang thai mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có thể cần nghỉ thêm để theo dõi lượng đường trong máu hoặc tiêm insulin, giúp cô ấy duy trì sức khỏe trong thời kỳ mang thai trong khi tiếp tục thực hiện công việc của mình.

Theo Đại học Sản phụ khoa Mỹ, môi trường làm việc vất vả, chẳng hạn như ca đêm, thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại hay các công việc đòi hỏi thể chất cao, gây ra nhiều rủi ro cho người lao động đang mang thai, bao gồm nhiều biến chứng như sảy thai và sinh non.

Mặc dù luật hiện nay đặt trách nhiệm cho người sử dụng lao động trong việc tìm ra cách đáp ứng nhu cầu của người lao động đang mang thai, nhưng việc yêu cầu tiện nghi vẫn có thể gây khó khăn cho họ vì sợ bị coi là không thể làm việc hoặc muốn được đối xử đặc biệt. Vì thế, các nhà quan sát nhận định, điều quan trọng là phải trao đổi rõ ràng với người sử dụng lao động rằng những thay đổi này có liên quan đến việc mang thai hoặc sinh con và chỉ là tạm thời. Thể hiện cam kết với công việc của người lao động và đưa ra các giải pháp khả thi tiềm năng sẽ có lợi trong các cuộc thảo luận trên. Nếu yêu cầu điều chỉnh gây khó khăn quá mức cho công ty, cả người sử dụng lao động và nhân viên nên tham gia thương lượng để tìm giải pháp thay thế. Nếu vẫn thất bại, nhân viên có tùy chọn nộp đơn khiếu nại với EEOC.

Nói chung, việc thực hiện Luật Công bằng cho người lao động mang thai thể hiện bước tiến đáng kể trong việc đảm bảo đối xử và hỗ trợ công bằng cho người lao động nữ khi thực hiện thiên chức làm mẹ tại nơi làm việc. Bằng cách cung cấp tiện nghi hợp lý, người sử dụng lao động có thể đóng góp vào việc bảo đảm sức khỏe lẫn phúc lợi tổng thể của nhân viên, cũng như tạo dựng môi trường làm việc hòa nhập và hỗ trợ hơn cho tất cả mọi người.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/luat-moi-cua-my-se-giup-cham-dut-phan-biet-doi-xu-voi-phu-nu-mang-thai-tai-noi-lam-viec-i334659/