Luân chuyển cán bộ không phải người địa phương: Giải pháp rèn đội ngũ, tăng hiệu quả công vụ

Luân chuyển cán bộ không phải là người địa phương đảm nhận các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp xã là cách làm mà Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Lạng Giang quan tâm triển khai nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ có cơ hội khẳng định năng lực trong công tác.

Tháng 8/2021, đồng chí Nguyễn Văn Nam (SN 1980), Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất được luân chuyển làm Chủ tịch UBND xã Thái Đào. Hơn 2 năm qua, nhiều nhiệm vụ trọng tâm, việc khó ở cơ sở đã được người đứng đầu chính quyền xã giải quyết hiệu quả. Nổi bật như trong lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 19 của BTV Tỉnh ủy về xử lý vi phạm đất đai. Thời điểm đó, qua công tác thống kê, rà soát, xã Thái Đào có 95 trường hợp vi phạm với tổng số hơn 95 nghìn m2. Trong đó, có hơn 80% trường hợp là người dân tự ý chuyển đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp sang đất ở. Từ vi phạm này, nhiều hộ gia đình đã xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Thái Đào kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa.

Đồng chí Nguyễn Văn Nam đã tham mưu với Đảng ủy xã thành lập các tổ công tác tập trung giải quyết. Qua đó, đã kiên quyết xử lý, phá dỡ hàng chục công trình xây dựng trái phép, đồng thời tuyên truyền, vận động, ngăn chặn sớm nhiều trường hợp có biểu hiện sai phạm khác. Hay như trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ một số dự án trên địa bàn.

Toàn xã đã tiến hành GPMB được 65 ha với hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng nhưng chưa có trường hợp nào phải tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đồng chí Nam cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của tập thể cấp ủy địa phương, bản thân người được luân chuyển phải thường xuyên sâu sát cơ sở, gần gũi với người dân, nắm chắc quy định của pháp luật, dám nghĩ, dám làm, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Cũng giống như đồng chí Nguyễn Văn Nam, tuy mới nhận nhiệm vụ từ tháng 7/2023, đồng chí Hà Đức Tùng (SN 1981), Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hương (trước đó là Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái) đã cùng tập thể BTV Đảng ủy xã đề ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng “việc ai nấy làm”, nhất là đối với các đoàn thể ở địa phương, trong đó quan tâm chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc.

Thực hiện “đi báo cáo, về báo việc”, đồng thời nêu cao tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Tiếp cận địa bàn mới, đồng chí Tùng dành thời gian sắp xếp lịch công tác làm việc với từng chi bộ trực thuộc Đảng ủy để nắm bắt tâm tư, khó khăn vướng mắc, từ đó có biện pháp tháo gỡ.

Được biết, theo kế hoạch luân chuyển, huyện Lạng Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 50% trở lên số xã, thị trấn có bí thư đảng ủy hoặc chủ tịch UBND không phải người địa phương. Để thực hiện đạt hiệu quả, cách làm của Lạng Giang là chú trọng lựa chọn, luân chuyển cán bộ được quy hoạch Ủy viên BTV Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; bố trí cán bộ trẻ, có triển vọng luân chuyển giữ chức vụ chủ chốt cấp xã để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho huyện.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng cơ sở, đơn vị, khả năng chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác của từng cán bộ để sắp xếp phù hợp. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ thuộc diện luân chuyển và với cấp ủy, chính quyền nơi cán bộ đến nhận nhiệm vụ.

Từ năm 2017 đến nay, BTV Huyện ủy Lạng Giang đã luân chuyển, điều động 16 cán bộ huyện đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã (6 bí thư đảng ủy, 9 chủ tịch UBND xã, 1 phó chủ tịch UBND xã), đồng thời luân chuyển 1 trường hợp từ Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái sang làm Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hương.

Đến thời điểm này, Lạng Giang có hơn 52% số xã, thị trấn có cán bộ luân chuyển, vượt kế hoạch đề ra là đến năm 2025, toàn huyện có 50% trở lên số xã, thị trấn có bí thư đảng ủy hoặc chủ tịch UBND không phải người địa phương.

Đến thời điểm này, Lạng Giang có hơn 52% số xã, thị trấn có cán bộ chủ chốt được luân chuyển về, vượt kế hoạch đề ra (đến năm 2025 toàn huyện đạt 50% trở lên số xã, thị trấn có cán bộ chủ chốt được luân chuyển về công tác).

Qua rèn luyện thực tiễn, hầu hết cán bộ được luân chuyển đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tốt vai trò, sở trường công tác và gắn bó với nhân dân. Đặc biệt, qua công tác này đã góp phần khắc phục tư tưởng bảo thủ, bè phái, cục bộ tại địa phương, tạo thay đổi tích cực trong tác phong, phương pháp, lề lối làm việc.

Các xã, thị trấn được bố trí cán bộ không phải là người địa phương đã có sự tiến bộ rõ nét, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ví như đồng chí Nguyễn Văn Lực (SN 1981), Chủ tịch UBND xã Quang Thịnh, sau gần 3 năm luân chuyển đã cùng với cấp ủy, chính quyền có những cách làm mới để giúp người dân phát triển kinh tế, nhất là biết phát huy hiệu quả lợi thế vùng cây ăn quả có múi của địa phương.

Người dân trong xã khi được vận động thay vì trồng cây bạch đàn, keo đã chuyển sang trồng cây có múi với diện tích hơn 60 ha. Địa phương cũng thành lập HTX cây ăn quả và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này. Kinh tế ổn định, người dân hăng hái chung tay cùng địa phương thực hiện các tiêu chí góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết, để có cơ sở cho việc đánh giá cán bộ luân chuyển, hằng năm, Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với các đơn vị, địa phương nơi có cán bộ luân chuyển đi, luân chuyển đến để nắm bắt tình hình năng lực, hiệu quả công tác. Thông qua đó tạo hiệu quả hai chiều, vừa giúp tăng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, vừa tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện từ môi trường thực tiễn.

Qua đó, làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ luân chuyển để báo cáo Thường trực Huyện ủy, BTV Huyện ủy. Đội ngũ cán bộ luân chuyển sẽ là nguồn bổ sung cho vị trí lãnh đạo chủ chốt của các phòng, ban chuyên môn của huyện trong tương lai, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng giúp cấp ủy, nhất là đội ngũ cán bộ cấp xã có sự ổn định, bảo đảm chất lượng.

Bài, ảnh: Vân Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/415163/luan-chuyen-can-bo-khong-phai-nguoi-dia-phuong-giai-phap-ren-doi-ngu-tang-hieu-qua-cong-vu.html