Lừa đảo trực tuyến vẫn diễn biến phức tạp

Từ đầu năm đến nay, tình trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều chiêu trò tinh vi. Dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, hướng dẫn cách nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến, nhưng không ít người dân vẫn bị mắc lừa.

Nhiều thủ đoạn mới

Dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, bên cạnh những tác động tích cực tới sự phát triển chung của xã hội, tội phạm công nghệ cao cũng không ngừng gia tăng mạnh mẽ. Ở Việt Nam, tội phạm mạng nổi lên ngày càng nhiều như tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng... Đặc biệt tội phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài sản cũng như tinh thần cho người dân đang không ngừng biến tướng và trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng trong xã hội.

Bộ Công an khuyến cáo người dân không nên tin tưởng vào các trang web, Fanpage hoặc tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ như “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ khôi phục tiền bị treo”. Ảnh: Bộ Công an

Mới đây, Công an Hà Nội thông tin đã bắt giữ ổ nhóm lừa đảo mua bán xe không giấy tờ. Điều đáng nói là, các đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn đăng thông tin giả, giao bán xe máy không có giấy tờ với giá rẻ trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút người mua. Khi có người đến mua xe, các đối tượng yêu cầu chuyển khoản thanh toán trước, sau đó sẽ lợi dụng sơ hở để bỏ trốn, chiếm đoạt tiền.

Trước đó, qua tin báo của quần chúng nhân dân, Công an phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) phát hiện nhóm đối tượng có nghi vấn sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn. Thủ đoạn của các đối tượng là đăng thông tin giả, giao bán xe máy không có giấy tờ với giá rẻ trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút người mua. Khi có người đến mua xe, các đối tượng yêu cầu chuyển khoản thanh toán trước, sau đó sẽ lợi dụng sơ hở để bỏ trốn, chiếm đoạt tiền. Với thủ đoạn này, ngày 21/2/2024, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của một bị hại số tiền là 6 triệu đồng. Ngày 25/3/2024, đối tượng Đỗ Văn Tạo còn dùng dao đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt của bị hại khác 1 xe máy Honda Wave. Theo hồ sơ, Đỗ Văn Tạo đã có 4 tiền án (3 tiền án về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; 1 tiền án về hành vi trộm cắp tài sản), Vũ Đức Linh đã có 1 tiền án và Đặng Khánh có 2 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện Công an quận Ba Đình đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý các đối tượng theo quy định.

Tiếp tục nâng cao cảnh giác

Vừa qua, Bộ Công an cũng đã phát đi thông tin cảnh báo, thời gian gần đây, các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên Internet vẫn tiếp tục tăng cao và phức tạp, dẫn đến nhiều trường hợp người dân mất tiền do rơi vào các chiêu trò như hưởng hoa hồng từ việc tham gia hoạt động, đầu tư tài chính, hoặc bị lừa trong các mối quan hệ tình cảm. Các đối tượng này dùng thủ đoạn là lập ra các tài khoản, fanpage, website trên không gian mạng mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ như: “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”, “thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử”, “thu hồi tiền treo không cần cọc”... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.

Qua đây, các đối tượng tiếp cận người dân đang là nạn nhân bị lừa đảo, lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai đối với họ. Các đối tượng thường sử dụng hình ảnh, thông tin của các đơn vị công an, công ty luật, văn phòng luật sư… và đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung: Cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cắt ghép các phát biểu của một số luật sư, cán bộ công an; đưa hình ảnh hoạt động của các công ty luật và nội dung đã được Bộ Công an, Viện Kiểm sát ủy quyền “thu hồi vốn treo”, “đòi lại tiền bị lừa đảo” để tạo sự tin tưởng cho người dân.

Chúng còn sử dụng tính năng chạy quảng cáo để các video, bài viết này thường xuyên xuất hiện khi người dân truy cập mạng xã hội nhằm thu hút người theo dõi, tương tác. Thậm chí, chúng sử dụng nhiều tài khoản giả mạo để bình luận, tương tác với các bài viết; thường xuyên tham gia bình luận vào các bài viết trên các trang thông tin uy tín, có số lượng lớn người quan tâm tương tác (ví dụ: Trang Thông tin Bộ Công an trên nền tảng Facebook) để tăng cường độ tin tưởng, thu hút sự quan tâm của người dân về việc sẽ lấy lại được tiền.

Bộ Công an và các cơ quan liên quan khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trên internet, không nên tin tưởng vào các trang web, fanpage hoặc tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ như “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ khôi phục tiền bị treo”, “thu hồi tiền bị lừa đảo”... và không nên chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào nhằm được hướng dẫn hoặc hoàn thiện hồ sơ. Bộ Công an cũng lưu ý, hiện tại, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cũng không phối hợp,ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.

Mạng xã hội là nơi mà những thông tin thiếu kiểm chứng, nhiều người vì sự chủ quan, thiếu hiểu biết, đã để các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện các hành vi phạm tội. Cùng với các giải pháp của lực lượng công an, thì chính mỗi người sử dụng mạng xã hội cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không truy cập đường link lạ, không tự ý cài đặt phần mềm, tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để tránh trở thành nạn nhân.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang dần trở nên phổ biến với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hiện nay, có những chiêu trò lừa đảo tuy không mới nhưng nhiều người vì tâm lý hoang mang, lo lắng, nhẹ dạ cả tin vẫn trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo với thiệt hại lên đến hàng triệu, hàng tỷ đồng. Sở dĩ tội phạm có thể lừa đảo được là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin, bị mê hoặc bởi lời dụ dỗ của tội phạm. Một lý do quan trọng nữa là khả năng, trình độ chống tin tặc của các tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ thông tin ở nước ta còn hạn chế, thiếu sự liên kết chặt chẽ để hỗ trợ nhau, góp sức cùng cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên lãnh thổ.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lua-dao-truc-tuyen-van-dien-bien-phuc-tap-169239.html