Lựa chọn trên hành trình trưởng thành

'Thế giới đại đồng', 'thời kỳ đồng nhất' là những khái niệm quen thuộc trong các tiểu thuyết phản địa đàng. Ở đó câu hỏi 'nên ở yên hay là vùng thoát' luôn đặt ra những trăn trở.

Kể về Ryo cũng như cuộc sống trong thế giới quả trứng, cuốn tiểu thuyết Thế giới trong quả trứng khắc họa bài học về sự lựa chọn trên hành trình tìm kiếm bản thân. Ở vùng đất ấy có một luật lệ là năm 13 tuổi, những đứa trẻ sẽ chọn rời đi hay là ở lại quả trứng mãi mãi. Và liệu Ryo sẽ chọn đến một xã hội mình chưa từng biết, hay sẽ chôn chân với sự “đơn sắc”, “hoàn hảo” mình đã quen thân?

Thế giới màu xám

Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Lois Lowry - Người truyền ký ức, xã hội đại đồng là nơi cư dân sinh sống mà không nhìn ra những sự khác biệt. Họ sống trong những ký ức vui tươi được chia sẻ chung và tránh thật xa những nỗi đau đớn cả về thể chất cũng như tinh thần.

Cũng tương tự thế, thế giới quả trứng mà nhà văn Mutsumi Ishii khắc họa có chung những đặc trưng đó. Có đường chân trời là lớp vỏ trứng, cư dân và những đứa trẻ định cư ở trong đó cảm thấy an toàn cũng như luôn được bảo vệ khỏi những nỗi đau.

Tuy vậy, điều gì khiến họ trở nên khác biệt? Đó chính là những lựa chọn ở ngưỡng trưởng thành. Liệu đây có giống trò chơi của những “nữ thần số mệnh” mà Jonas đã được truyền cho khả năng nhìn ra những điều khác biệt như táo thì có màu đỏ, khi chín thì nó sẽ rơi… để rồi trở thành người duy nhất mang theo “gánh nặng” là những ký ức?

Thế nhưng ký ức giữ một vai trò quan trọng trong cuốn sách này. Tính người luôn là vũ khí chống lại xã hội đồng nhất. Và Mitsui Ishii hay cả Lois Lowry đều thông qua các câu chuyện của mình để cho thấy được vai trò của chúng, bởi nhẽ con người chính là tổng hòa của những ký ức.

Gia tài ký ức

Trong cuốn tiểu thuyết của Lois Lowry, ký ức luôn được nắm giữ bởi những cá nhân “đặc biệt” qua từng thế hệ. Đó là những người nắm giữ buồn đau, mất mát… và chịu gánh nặng của cả thế gian, giống như Prometheus hàng ngày phải chịu nỗi đau hay Sisyphus lăn mãi tảng đá lên đồi.

Ký ức chính là dấu hiệu cho thấy con người vẫn chính là mình sau bao vật đổi sao dời. Do đó, ở Thế giới trong quả trứng, khi đến độ tuổi 13, mỗi người đều phải viết lại ký ức của mình trong những cuốn sổ được đặt ở thư viện ký ức.

Ở đó, những cuốn sách của mỗi đứa trẻ chỉ có một bản duy nhất được lưu trữ. Đó là câu chuyện của những người đã thoát ly khỏi thế giới quả trứng. Những câu chuyện ấy là những ký ức đã bị bỏ lại, bởi khi ra khỏi “lồng ấp ấu thời”, họ sẽ không thể mang theo bất cứ điều gì ngoài một “dấu hiệu”.

Nó như thử thách đầu tiên bởi những kỷ niệm càng vui bao nhiêu thì khi nhớ lại càng buồn bấy nhiêu. Và khi trở thành người được chọn, bọn trẻ sẽ phải đối mặt với những mất mát, với sự rời xa gia đình, với sự đơn độc… mà mình chưa từng biết đến.

Với Ryo, đó là phong cảnh tươi đẹp của núi Nắm Cơm, của sông Phát Sáng và cũng là của những chuyến tàu chạy quanh thế giới quả trứng. Đó còn là những bờ biển với nước màu xanh ngọc bích tuyệt đẹp, cũng như những trò đuổi bắt sóng biển và nhặt vỏ sò vào mỗi mùa hè.

Thế nhưng, khác với thế giới của Jason khi mỗi cá thể đều được quy định trở thành một ai đó khác mà không được lựa chọn, thì với thế giới quả trứng, mỗi đứa trẻ đều được tự mình quyết định bản thân là ai. Đó là một sự chuyển mình của việc lớn lên, có đủ nhận thức cũng như gánh chịu trách nhiệm cho những quyết định mà mình đưa ra.

Nhà văn Mutsumi Ishii. Ảnh: Kodoro.

Cái giá của việc được chọn luôn là cô độc và không chỉ riêng Jason, Ryo nếu chọn thoát ra cũng phải đối mặt với những mất mát cậu đang tới gần. Đó là hình bóng mờ dần của những người bạn, của cha mẹ mình… để từ đó cậu biết thế giới mà mình đang sống vẫn đang vận hành bằng cách chấp nhận.

Ở thế giới mới, Ryo có thể nhìn lại nơi mình vẫn sống bằng nhãn quan khác. Nếu trước đó nó tuyệt vời, yên ổn bao nhiêu thì giờ đây nó rất có thể tuyệt vọng cũng như tràn ngập dối trá bấy nhiêu.

Bởi nhẽ trong một thế giới không có nỗi đau thật sự thì làm gì có niềm vui thật sự? Và cũng như dòng nước Sinh Mệnh đặt ra nghi vấn, liệu những kẻ không biết đau đớn cũng như hận thù, trong khi cuộc sống vẫn luôn êm đềm và đầy thư thái thì liệu có coi là sống không đây?

Dẫu biết “tổ kén” một khi phá vỡ có thể gieo xuống hận thù, con người mất đi những sự bảo vệ và sẽ bất toàn trong đời sống mới. Thế nhưng trải nghiệm là thứ cần thiết cho việc trưởng thành. Vậy thì cho đến cuối cùng Ryo có đủ mạnh mẽ để tìm thấy mình và sống trọn vẹn?

Với Thế giới trong quả trứng, Mutsumi Ishii đã tạo ra một phản đề của Người truyền ký ức khi khai thác được sức mạnh của việc lựa chọn cũng như tự mình nắm giữ vận mệnh. Thế giới bất toàn có thật đáng sợ khi nó chính là thử thách cho sự trưởng thành? Câu trả lời sẽ có ở đây, qua tác phẩm ý nghĩa dành cho hành trình tìm kiếm bản thân.

Mutsumi Ishii (1957) là tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi và đã giành được rất nhiều giải thưởng. Các tác phẩm của cô thường nhuốm màu sắc siêu thực, dễ gợi nhớ đến Haruki Murakami. Tiếp cận được nhiều đối tượng từ các trẻ nhỏ cho đến lớp thanh thiếu niên, những tác phẩm nổi tiếng nhất có thể kể ra như Buổi sáng Chủ Nhật đầu tháng Năm, Tình yêu của Pascal, Chiếc đĩa và máy bay giấy

Minh Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lua-chon-tren-hanh-trinh-truong-thanh-post1357320.html