Lựa chọn con đường tiến lên của 'đảo quốc sư tử'

Ngày 1/9, dưới sự giám sát của khoảng 36.000 nhân viên bầu cử, 1.264 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc đã mở cửa đón hơn 2,9 triệu cử tri Singapore đi bỏ phiếu để lựa chọn ra vị Tổng thống thứ 9 của 'đảo quốc sư tử' và cũng chính là lựa chọn con đường tiến lên của đất nước trong tương lai. Người dân Singapore bày tỏ kỳ vọng, tin tưởng tân tổng thống, dù là ai đắc cử, cũng sẽ nối tiếp trách nhiệm ổn định, củng cố vững chắc hệ thống mà Singapore đã kiên trì xây dựng trong nhiều thập niên qua.

Đây là cuộc bầu cử Tổng thống có cạnh tranh đầu tiên của Singapore trong 12 năm qua. Rút kinh nghiệm từ cuộc tổng tuyển cử năm 2020, trong cuộc bầu cử này, Ủy ban Bầu cử Singapore (ELD) đã triển khai thêm một số biện pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân như lập thêm nhiều điểm bỏ phiếu, phát hành một loại dấu mới, in mã QR trên thẻ bầu cử… để rút ngắn thời gian xếp hàng của cử tri, giúp cử tri dễ dàng đánh dấu lựa chọn của mình trên các lá phiếu và kiểm tra tình trạng xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu.

Ngoài ra, công tác an ninh cũng được tăng cường trong ngày bầu cử. Các phương tiện sẽ không được phép đỗ trong khuôn viên của các điểm bỏ phiếu cũng như dọc các con đường gần các điểm bỏ phiếu. Cử tri được khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng hoặc đi bộ đến điểm bỏ phiếu nếu có thể và rời khỏi điểm bỏ phiếu ngay sau khi bỏ phiếu xong.

Người dân Singapore đi bỏ phiếu để lựa chọn ra vị tổng thống thứ 9 của đảo quốc sư tử.

ELD bố trí các điểm trả khách đặc biệt tại tất cả các điểm bỏ phiếu cho các phương tiện vận chuyển cử tri ốm yếu hoặc khuyết tật. Cảnh sát Singapore cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và không ngần ngại có hành động chống lại bất kỳ ai cố gắng phá rối hoặc can thiệp vào quá trình bỏ phiếu. Nếu chênh lệch giữa số phiếu bầu cho ứng cử viên có nhiều phiếu nhất và số phiếu bầu cho ứng cử viên khác bằng hoặc nhỏ hơn 2% tổng số phiếu bầu (không bao gồm phiếu bị từ chối), nhân viên bầu cử phải tiến hành một - và chỉ một - cuộc kiểm phiếu lại. Sau khi hoàn thành việc kiểm phiếu, nếu tổng số cử tri ở nước ngoài đã đăng ký đi bỏ phiếu nhỏ hơn số chênh lệch giữa tỷ lệ phiếu bầu trong nước của hai ứng cử viên hàng đầu, ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ được công bố là người chiến thắng. Nếu không, số phiếu bầu ở trong nước cho mỗi ứng cử viên sẽ được công bố, nhưng việc công bố ai trúng cử sẽ được hoãn lại cho đến khi số phiếu ở nước ngoài được kiểm.

Ba ứng cử viên chính thức tham gia cuộc đua lần này gồm cựu Bộ trưởng cấp cao và Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ quốc gia (MAS)Tharman Shanmugaratnam (66 tuổi), cựu Giám đốc Đầu tư của Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) Ng Kok Song (75 tuổi) và cựu Giám đốc Tập đoàn bảo hiểm NTUC Income Tan Kin Lian (75 tuổi). Trong số này, ông Tan Kin Lian là người duy nhất quay lại tranh cử lần thứ hai trong khi ông Tharman Shanmugaratnam được đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất. Ông là một trong những chính trị gia uy tín tại Singapore trong lĩnh vực về điều hành kinh tế, tài chính khi từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính, giám đốc MAS và đứng đầu Ủy ban Cố vấn tiền tệ và tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)... Kinh nghiệm và bề dày thành tích trong và ngoài nước đem lại cho vị chính trị gia này những lợi thế đáng kể so với hai đối thủ còn lại.

Các ứng cử viên có cương lĩnh chính trị khác nhau nhưng những nhận thức của họ đều có thể bổ sung cho nhau vào tầm nhìn và giải pháp để đưa Singapore tiến lên trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới hiện nay. Những “cơn gió ngược” trong lĩnh vực kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, cạnh tranh địa chính trị và các cuộc khủng hoảng đan xen đặt ra nhiều thách thức với Singapore. Trong nước, lạm phát là vấn đề nổi lên khi các hộ gia đình và doanh nghiệp đang cảm thấy khó khăn. Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, vấn đề nhà ở, già hóa dân số, việc làm và tái đào tạo lao động... đặt ra những bài toán nan giải cho các nhà quản lý của Singapore. Niềm tin xã hội luôn có vai trò quan trọng ở Singapore để đảm bảo sự đoàn kết chặt chẽ của xã hội đa dạng sắc tộc. Trong bài phát biểu chào mừng Quốc khánh Singapore hôm 8/8 vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long một lần nữa nhấn mạnh vai trò của niềm tin “cho phép các nhà lãnh đạo chính trị hợp tác chặt chẽ với người dân Singapore để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, giúp Singapore tiến về phía trước một cách an toàn trong một thế giới đầy khó khăn...”.

Trong cuộc vận động tranh cử, các ứng cử viên đều thể hiện quyết tâm củng cố hơn nữa niềm tin của người dân vào sự phát triển của đất nước dựa trên các chính sách pháp luật minh bạch, chính sách tiên phong trên nhiều lĩnh vực và duy trì quốc đảo trở thành nơi đáng sống hàng đầu châu lục. Phát biểu sau ngày đề cử (22/8), ông Tharman Shanmugaratnam bày tỏ mong muốn một cuộc tranh cử “công bằng, nghiêm túc và trọng danh dự, tập trung vào những gì mỗi người chúng ta mang lại cho người dân Singapore”, dù tương lai sẽ có khó khăn và thách thức hơn. Trong khi đó, ông Ng Kok Song cũng kêu gọi người dân không phân biệt đảng phái trong vấn đề bỏ phiếu mà “hãy bỏ phiếu cho điều tích cực, sự thay đổi tốt đẹp hơn” với Singapore. Người dân Singapore bày tỏ kỳ vọng, tin tưởng tân tổng thống, dù là ai đắc cử, cũng sẽ nối tiếp trách nhiệm ổn định, củng cố vững chắc hệ thống mà Singapore đã kiên trì xây dựng trong nhiều thập niên qua. Do đó, tân tổng thống Singapore sẽ phải thực hiện trách nhiệm gắn kết người dân cùng chính phủ thực hiện các tầm nhìn lâu dài, những mục tiêu mới đầy tham vọng trong phát triển đất nước.

Với chiến dịch tranh cử công khai, minh bạch, các ứng cử viên đã thể hiện rõ quan điểm chính trị của mình. Đáng chú ý, họ đã có buổi đối thoại thẳng thắn về cương lĩnh tranh cử, trong đó vấn đề thực thi quyền lực của tổng thống là một chủ đề nổi bật.

Theo Hiến pháp và pháp luật Singapore, tổng thống có nhiều quyền quan trọng trong việc bổ nhiệm và bãi miễn nhân sự của chính phủ, tòa án; có quyền ân xá; sử dụng dự trữ quốc gia và một số nguồn dự trữ khác theo luật định, vốn liên quan mật thiết tới ngân sách quốc gia, các khoản hỗ trợ cho người dân, các chi phí và nhiều tập đoàn, cơ quan nhà nước...

Một chủ đề quan trọng trong các cương lĩnh tranh cử và các cuộc thảo luận sôi nổi là nguyên tắc tổng thống Singapore không là thành viên của bất kỳ đảng phái nào. Nguyên tắc này được dư luận quan tâm vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề tính độc lập, giám sát của tổng thống đối với chính phủ.

Sau khi Singapore có tổng thống mới, dư luận trong nước tiếp tục quan tâm tới nhân sự cho Hội đồng Cố vấn tổng thống (CPA). Đây là cơ quan quan trọng tư vấn cho tổng thống về việc thực hiện quyền hạn của mình. CPA có 8 thành viên với 3 người được bổ nhiệm theo quyết định của tổng thống, 3 người do thủ tướng bổ nhiệm và một người do chánh án Tòa án tối cao và chủ tịch Ủy ban Dịch vụ công bổ nhiệm. Các quyết định nhân sự này đều cần được tổng thống thông qua.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/lua-chon-con-duong-tien-len-cua-dao-quoc-su-tu-i705785/