Lúa chết không phải từ Khu công nghiệp

Ngày 13/3, trên một tờ báo lớn đã đăng tải bài viết 'Hơn 40 mẫu ruộng của nông dân Thái Bình bị úng, lúa chết khi vừa gieo cấy' tại địa chỉ tổ dân phố Bao Trình thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy-Thái Bình, và đổ tại là do việc san lấp, xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái.

Đáng tiếc là người viết bài báo đó không làm việc với chính quyền địa phương, cũng như Ban quản lý Khu Công nghiệp Liên Hà Thái.

Vậy sự thật là thế nào?

Bài báo có dẫn lời một nông dân cho là người dân vốn canh tác trồng lúa một năm hai vụ tại khu vực cánh đồng xứ Đông Biên và Nam Biên, ở phía Đông của dự án tuyến đường bộ ven biển chạy qua và dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái.

Từ vụ chiêm xuân năm 2023, quá trình san lấp xây dựng KCN, nước mặn xả ra từ cát san lấp khiến dòng chảy qua miệng cống trước đây làm nhiệm vụ tiêu thoát nước buộc phải be, đắp lại dẫn đến không còn điểm tiêu thoát nước từ nội đồng. Bài báo cũng dẫn chứng với 3 trường hợp các hộ dân: ông Tô Văn Hợi (8 sào ruộng), bà Tô Thị Hương (5 sào ruộng) và ông Vũ Công Thanh (27 mẫu). Theo phóng viên phản ánh, việc cày cấy và hoạt động tưới tiêu của cả 3 hộ dân này đều bị xáo trộn khi dòng chảy bị ảnh hưởng bởi việc san lấp, xây dựng KCN Liên Hà Thái.

Đối với thông tin phóng viên phản ánh, đại diện Lãnh đạo Công ty Cổ phần Green i-Park (Chủ đầu tư KCN) đã phối hợp cùng với đại diện của phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thái Thụy đã tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường để tìm hiểu và xác minh thông tin.

Trên thực tế, ranh giới của Cánh đồng Mai Diêm (có diện tích khoảng 22 ha) và KCN Liên Hà Thái được ngăn cách bởi tuyến đường ven biển (Cao độ thiết kế +2.5m) như bức thành ngăn hai khu vực riêng biệt. Phạm vi lúa bị ảnh hưởng thực tế được xác định khoảng 10 sào Bắc bộ (tương đương khoảng 0,36ha), tức diện tích đất lúa bị ảnh hưởng chiếm 0,36 ha / 22ha = 1,6%.

Phối cảnh KCN Liên Hà Thái theo quy hoạch

Thời gian vừa qua khí hậu ôn hòa, thời tiết không mưa, nước trong khu vực cánh đồng chủ yếu là nước do chi cục thủy lợi đã bơm đổ ải để phục vụ cho công tác gieo cấy vụ lúa chiêm xuân 2023-2024 cho khu vực đồng Mai Diêm. Do khu vực này là vùng trũng, nên cánh đồng Mai Diêm bị ngập không phải do Khu công nghiệp Liên Hà Thái gây ra!

Qua kiểm tra thực tế và thông tin từ cán bộ xã, diện tích ảnh hưởng thuộc nhà ông Tô Văn Hợi là 817m2 lúa và nhà bà Tô Thị Hương là 1.199m2 lúa, riêng nhà ông Vũ Công Thanh không có đất cấy tại khu vực này. Các hộ này tận dụng ruộng không canh tác của hộ khác để cấy xạ (rải thóc), không cấy mạ, do cấy không đúng kỹ thuật nên tỷ lệ mạ chết nhiều, chưa kể thời gian vừa qua, nhiều thời điểm thời tiết cực đoan có lạnh sương muối.

Bên cạnh đó, dịch ốc bươu vàng sinh trưởng và sinh sản rất nhanh, gây thiệt hại không nhỏ đến việc canh tác lúa chiêm của bà con nông dân của toàn vùng chứ không chỉ có riêng khu vực đồng Mai Diêm.

Về vấn đề thoát nước cho khu vực này, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì phương án thoát nước bao gồm 2 hướng chính:

Thứ nhất là thoát nước ra sông Ngoại Trình (ngoài ranh KCN)

Thứ hai là thoát về kênh hiện trạng sau lô B2 (Lô đất mà Nhà đầu tư Nam Tài đang xây dựng) và đổ ra kênh T4. Đối với tuyến kênh này, Công ty cổ phần Green i-Park đã xây dựng tuyến mương thoát nước mưa song song với đường ven biển, đấu nối vào tuyến cống thoát nước mưa 36-1 của đường tuyến đường nội khu và đấu thẳng vào kênh T4. Dựa trên đánh giá qua mùa mưa năm 2023 thì hệ thống thoát nước trên hoạt động ổn định.

Công ty cổ phần Green i-Park khẳng định, việc hơn 40 mẫu ruộng của nông dân Thái Bình bị úng, lúa chết khi vừa gieo cấy hoàn toàn không bắt nguồn từ hoạt động san lấp, xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Từ khi được trao Quyết định chủ trương đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái năm 2021, Công ty Green i-Park luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, điện, nhà máy xử lý nước thải tập trung...

KCN Liên Hà Thái là KCN đi tiên phong trong trong Khu kinh tế Thái Bình được lãnh đạo tỉnh giám sát quá trình thực hiện chặt chẽ. Đây là KCN được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm. Thủ tướng đã về thăm KCN Liên Hà Thái 2 lần và mong muốn đây sẽ là khu công nghiệp kiểu mẫu không chỉ với Thái Bình mà còn cho các địa phương khác. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như chọn nhà đầu tư luôn được Công ty Green i-Park tiến hành cực kỳ thận trọng.

Dù chỉ mới thành lập được khoảng 3 năm, nhưng KCN Liên Hà Thái đã giải phóng mặt bằng hơn 99% diện tích trong tổ số 588 héc ta được giao. Hiện nay Khu Công nghiệp Liên Hà Thái đã thu hút được 16 dự án đầu tư với tổng mức hơn 1,3 tỷ USD mà chủ yếu là cá dự án công nghiệp điện tử, không gây hại môi trường, sử dụng quỹ đất tiết kiệm…Thành công của Khu Công nghiệp Liên Hà Thái đã góp phần quan trọng đưa Thái Bình vươn lên thứ 5 trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2023. Sự phát triển của KCN Liên Hà Thái đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch nền kinh tế từ thuần nông sang dịch vụ công nghiệp ở tỉnh Thái Bình và huyện Diêm Điền.

Chính vì thế, những thông tin được phóng viên phản ánh là một chiều, thiếu khách quan và gây ảnh hưởng không tốt tới hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lua-chet-khong-phai-tu-khu-cong-nghiep-707418.html