Lớp học ở bến Khói Tàn

Thị trấn trung du mỗi chiều cuốn lên một quầng bụi đỏ. Con đường chạy dài xa lắc phía chân đồi. Những mái nhà trên phố nép vào nhau im lặng trong hoàng hôn. Cuối thị trấn có một bến sông luôn mờ ảo khói sương. Người ta gọi là bến Khói Tàn. Tương truyền xưa kia, nơi đây là một vùng bờ bãi mênh mông trù phú, cuối thu người ta đốt cỏ làm đồng khói bay mơ màng suốt ngày.

Đám khói thường cuộn lên cao hàng chục mét, hộn lại chỗ bến sông rồi dần dần tan đi. Vì thế mà có tên Khói Tàn. Rồi không rõ vì sao, thời gian đã làm đồng ruộng biến mất, nhường chỗ cho một con sông dài dằng dặc. Người già nhìn nhau hiểu rằng thế gian đâu rồi cũng trải qua cuộc thương hải tang điền kỳ lạ cả, nên người ta chấp nhận dòng sông, dù vẫn mộng ảo xa xăm về một vùng ruộng đồng đâu đó theo lời kể của tổ tiên.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trên bến có miếu Nữ thần nổi tiếng linh thiêng. Vùng đất nhô cao còn lại nối với đất liền chính là thị trấn này. Từ nửa năm nay, ở bến Khói Tàn xuất hiện một lớp học kỳ lạ của bà giáo Nguyệt. Lớp được đặt ngay trong miếu Nữ thần gồm ba dãy bàn, chứa được chừng 15 đứa học trò tiểu học. Bà giáo cũng mới chuyển về thị trấn được khoảng hai năm nay. Nghe nói ngày xưa, bà dạy ở miền núi.

- “Con chào bà! Con chào cô!”

Lũ trẻ đến lớp vẫn chào như thế. Đứa thì đựng sách trong túi ni lông, đứa đựng trong túi may bằng bao dứa, đứa sang hơn có cái cặp nhựa. Bố mẹ bọn trẻ ở thị trấn chủ yếu làm công nhân, làm thợ và buôn bán nhỏ. Chắc chừng hơn hai mươi gia đình có các con chỉ ở với ông bà, học hành chểnh mảng, bỏ ngang bỏ tắt. Bà giáo Nguyệt mở lớp phụ đạo miễn phí cho những em không có điều kiện học thêm.

Bà giáo dáng người thanh tú, khuôn mặt nhỏ, trán cao, mắt sáng nhưng ánh nhìn thì đượm buồn. Lúc mới đến thị trấn, người ta chỉ thấy bà và một cô gái dọn đồ. Căn nhà bà giáo mua vốn của một người chuyên bán vàng mã, họ đã lên thành phố. Ngôi nhà cách miếu Nữ thần vài trăm mét, quanh năm có giàn hoa giấy tím rủ lòa xòa. Hồi trước, mỗi mùa giêng hai, người ta thấy la liệt cờ xí, ngựa voi bằng giấy xanh đỏ bày khắp trong sân ngoài ngõ lộng lẫy chào hàng. Đi qua cứ cảm giác rờn rợn.

Trăng hạ huyền trong veo như dát châu sa, ký ức cuộn chảy như dòng sông trong lòng bà giáo. Một ý nghĩ vụt lóe lên, có lẽ sẽ như thế, đời người rồi như khói mỏng trần gian tan đi mà thôi. Khói nào thơm thì nhiều người thương nhớ. Hóa ra cái tên của bến sông này thật đã giác ngộ cho bà giáo.

Bà giáo về ở, mảnh đất nhỏ trước nhà hồi xưa để chứa vàng mã giờ được dọn dẹp thành vườn rau nhỏ xinh xắn. Cây hoa giấy được tỉa và đan lại gọn gàng. Không có bóng dáng đàn ông. Các cụ già bảo rằng, chồng bà giáo mất từ lâu. Bà giáo nhập vào cuộc sống của cư dân thị trấn thật nhẹ nhàng. Tối ấy, bà giáo trải chiếu giữa nhà mời cả phố đến uống nước chè xanh, ăn kẹo. Riêng các em nhỏ, mỗi bé được tặng một cuốn sách xinh xinh.

Việc đọc sách ở thị trấn cần lao này nó hơi xa lạ. Lũ học trò chỉ quen dùng sách giáo khoa. Thư viện thị trấn cũ kỹ mãi quả đồi nhỏ chỉ lác đác vài cụ già về hưu tìm đến. Nhưng có thư viện đã là quá tuyệt rồi. Lũ nhóc có vẻ thích mấy cuốn sách bà Nguyệt tặng. Đọc xong, chúng chạy đến nhà hỏi bà giáo là có tập tiếp không, rồi câu chuyện thế nào. Lâu lâu bà giáo lại lấy một thùng sách mới về, lũ trẻ đến nhà bà ngày một đông hơn. Bà còn huy động ở đâu mang về thư viện mấy xe ô tô sách.

Hàng phố đổ ra xem. Có người thì thào: “Ôi dào, của nả của thầy cô giáo chỉ thế thôi”. Bà Nguyệt không lấy đó làm buồn, đúng là tài sản quý nhất của bà suốt bao năm nay chỉ là sách. Con gái đi học đại học, bà giáo một mình lọ mọ cả ngày với đám cây và rau, rồi tiếp chuyện bọn trẻ con hoặc đọc sách. Lâu dần, bà nhận ra, trẻ em nơi này rất khỏe mạnh, chăm chỉ lao động, nhưng rất thiếu thốn về đời sống tinh thần. Bà ngỏ ý muốn lập lớp phụ đạo Toán và Tiếng Việt cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Biết không mất phí, cả thị trấn giơ tay nhiệt liệt.

Có người bận đi làm còn để con ở lại nhà bà giáo cả ngày, gửi theo nửa bò gạo suông. Bà giáo vui vẻ nấu cơm, rán cá, luộc rau mời cả lũ trẻ ăn cơm, tuần vài bữa. Nhà bà trở thành nơi đông vui nhất thị trấn. Dần dà, các ông bà, bố mẹ tự động mang đến góp cho bà mớ rau, chục trứng phòng những hôm mưa gió lũ trẻ ở lại. Lãnh đạo thị trấn và nhà trường cũng đến thăm bà giáo, nhờ bà mà nhiều học sinh đã ngoan hơn, giỏi hơn.

Ông lão Hải choắt người vùng khác chuyên thả rọ tôm ở bến Khói Tàn cứ cuối tuần là mang đến lớp bà Nguyệt vài cân tôm cá, nói là cho các em học sinh. Bà giáo muốn chối từ cũng khó. Vậy là tuần vài bữa, cả lớp ở lại ăn cơm nhà bà giáo. Tiếng cười đùa vang cả bến sông. Nhiều bố mẹ đã trào nước mắt khi đứa con bé bỏng của mình về nhà nhắc nhở: “Mẹ không được chửi bậy”, “Bố uống ít rượu thôi”, “Mỗi nhà trồng mấy cái cây cho sau này nó tốt thành rừng”…

Từ ngày có lớp học bà giáo Nguyệt, thị trấn bỗng thay đổi hẳn. Người ta không còn thấy vẻ u buồn, chậm chạp trong nhịp sống nơi đây. Chỗ này chỗ kia đã có những thảm hoa; thư viện được sơn sửa đẹp hơn, đông người đến hơn. Cụ Bảo công an nghỉ hưu nhận làm chân thủ thư, ngày nào cũng ra mở cửa cho mọi người đến đọc sách rồi quét dọn xung quanh.

Các ông bố bà mẹ trẻ dường như cũng nhận thấy có gì đó tươi mới trong cuộc sống của mình. Sau một ngày đi chợ hay làm lụng mệt nhoài, thằng con nằm bên kể cho nghe một câu chuyện nào đó nó đọc trong sách. Hóa ra là thế, cuộc sống ở thế giới rộng lớn ngoài kia khác nhỉ. “Trong sách có hết mẹ ạ”- nghe đứa con nói thế, lòng bố mẹ nào cũng nhen nhóm ngọn lửa hy vọng cho ngày mai. Có thể đám trẻ này sẽ không phải đi phụ hồ, đánh cá, khuân vác thuê nữa. Nếu thế, bà giáo Nguyệt là người có công đầu.

***

Hôm nay, lớp học của bà giáo tổ chức ngoại khóa. Lớp diễn vở kịch chú bé người gỗ Pinocchio. Cả lớp kỳ công chuẩn bị hóa trang làm hình nộm cây cối, con thú. Người vào vai ông già nghèo, bố của cậu bé người gỗ Pinocchio, người vào vai nàng Tiên Xanh, cả nhóm phân nhau làm rạp xiếc nói cười tíu tít. Riêng Pinocchio mũi dài ra sau mỗi lần nói dối thì ai là người đóng nhỉ.

Cậu bé Dưa nhận vai. Khuôn mặt rám nắng, đôi mắt trong ngơ ngác buồn có vẻ hợp nhân vật này… Suốt cả vở kịch, bà giáo Nguyệt đứng quan sát lũ trẻ và nhủ thầm “Chúng rất thông minh, nếu không được học thì phí quá”… Từ “được học” xới lên trong óc bà giáo những ký ức. Trời nhá nhem tối, cả lớp ăn liên hoan ngọt rồi lục tục chào về, mỗi cậu bé Dưa ngồi tần ngần trong góc lớp.

- Sao vậy cậu bé can đảm Pinocchio?

Dưa mắt ngấn nước, tần ngần vê vạt áo. Bà giáo kéo Dưa vào lòng. Cậu bé khóc nức nở. “Con sắp phải đi ở với mợ rồi”. “Mợ con ở đâu”. “Xa lắm, ở tận chỗ mỏ than Quảng Ninh cơ ạ”. “Con thích đi không?”. “Không ạ, con thích đi học hơn”. “Giờ con ở với bố mẹ hay với ai?”. “Với bà ngoại ạ”. “Được rồi, cô sẽ đưa con về, nói chuyện với bà xem sao nhé”. Bà giáo đạp xe đèo cậu bé Dưa lên dốc cao đi về đầu thị trấn.

Ngôi nhà ba gian lợp ngói cũ ở giữa dãy nhà cao tầng. Trước nhà là cái sân nhỏ bày la liệt những cái nia nhỏ. Bà làm thuốc Nam chữa mấy bệnh cảm mạo, sẩn ngứa. Bà ngoại Dưa chừng ngoài 70 tuổi, tóc bạc trắng, mời bà giáo cốc nước lá mát rồi bảo: “Tôi già rồi, chắc không thọ được lâu, lắm bệnh lắm, thằng con út đang tính đón hai bà cháu đi nơi khác. Khổ, nó mồ côi bố mẹ từ bé tí, nuôi đến hôm nay là mừng lắm rồi cô giáo ạ”. “Xin lỗi cụ, bố mẹ cháu bị sao vậy ạ?”. “Tai nạn xe máy cô ơi... Lúc ấy thằng Dưa mới ba tuổi”.

Từng lời, từng lời của bà lão chất chứa bao nỗi đau thầm kín bỗng vỡ ra, loang vào bóng tối. Cô giáo cũng thấy lồng ngực mình như bị ai bóp nghẹt, bức bối và đau đớn. Cô hỏi bà lão: “Dưa về với cậu mợ có được đi học không cụ”? Bà ngoại Dưa không trả lời mà kể một câu chuyện khác. Vợ chồng người con trai duy nhất của bà rời thị trấn xuống làm mỏ than dưới Quảng Ninh đã gần hai mươi năm nhưng cuộc sống còn nhiều cơ cực, nếu cậu bé Dưa có về, không chắc được đến trường.

Trao gói bánh vào tay cụ, bà giáo Nguyệt thì thầm gì đó với cụ rất lâu. Mãi khuya, bà giáo mới đạp xe về bến Khói Tàn. Trăng hạ huyền trong veo như dát châu sa, ký ức cuộn chảy như dòng sông trong lòng bà giáo. Một ý nghĩ vụt lóe lên, có lẽ sẽ như thế, đời người rồi như khói mỏng trần gian tan đi mà thôi. Khói nào thơm thì nhiều người thương nhớ. Hóa ra cái tên của bến sông này thật đã giác ngộ cho bà giáo.

Nhớ hồi ấy, làm cô giáo dạy vùng cao, kết duyên với một anh trinh sát công an nằm vùng trong vai ông chủ nhà trọ nhìn khá “ngầu”. Cả vùng cứ ngơ ngác, thắc mắc sao cô Nguyệt dịu dàng, xinh đẹp lại lấy một người cao lớn mà có vẻ “dân xã hội”. Hạnh phúc luôn tràn ngập căn nhà nhỏ. Một thời gian sau, người ta đồn ông chủ nhà trọ vướng vòng lao lý phải bán xới đi nơi khác, cô Nguyệt dọn về tập thể trường ở lánh nạn.

Chỉ cô mới biết chồng mình đã tham gia phá thành công vụ trọng án, kết thúc nhiệm vụ, nhận công tác ở mặt trận khác. Mất mấy năm sống trong những dư luận chẳng hay ho, cô Nguyệt mới có thể khoe với đồng nghiệp về chồng khi anh nhận bằng khen trên ti vi. Mãi không có con, cô Nguyệt cũng buồn. Khám chữa khắp nơi mới biết cô không thể sinh con, cô giục chồng đi lấy người khác, nhưng anh nhất định không từ bỏ cuộc hôn nhân mà anh thấy mình hạnh phúc.

Cô Nguyệt chuyển về thành phố sau 10 năm ở vùng cao, bế theo một bé gái. Mọi người chúc phúc cho vợ chồng cô giáo. Cô Nguyệt cũng không ngờ sau đêm mưa gió cho hai mẹ con người đàn bà xa lạ trú mưa nhờ, người mẹ đó đã để lại em bé cho cô mà đi đâu không rõ. Mảnh giấy chỉ nguệch ngoạc vài dòng “nhờ cô nuôi giúp, tôi không còn cách nào khác, tôi sẽ không đòi gặp lại con”…

Chao ơi, lẽ nào đứa bé khát sữa khóc ngằn ngặt kia từ giờ không bao giờ biết mẹ ruột là ai? Khóc theo em bé một hồi, rồi cô Nguyệt đi báo cáo chính quyền đoàn thể, nhận con nuôi. Nhiều người nhủ thầm, đúng là trời thương cô Nguyệt. Lúc về xuôi em bé đã ba tuổi, hầu như ở thành phố và quê hương, ai cũng nghĩ cô Nguyệt chỉ sinh mỗi đứa con gái, dù hai vợ chồng đều có điều kiện.

***

Chuyển đến thị trấn này có lẽ cũng là một cơ duyên. Bà giáo Nguyệt đã nghỉ hưu cần một nơi yên tĩnh làm những việc mình mong muốn. Bà muốn trẻ con nghèo, yếu thế phải được học, phải có giáo dục để sau này cuộc đời đỡ khổ. Con gái đã vào đại học, cũng cần một nơi có không gian sống cho con hiểu những giá trị thực của đời sống. Nếu mục đích học hành chỉ để kiếm tiền thì có lẽ là thiếu sót. Bố mẹ đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, bố mẹ đã yêu thương con gái nhất trên đời này.

Không ai có thể nói rằng, con gái không phải là con của bố mẹ… Về bến Khói Tàn, bà giáo cũng nguôi đi nỗi mất mát khi chồng mình ra đi sớm. Cơn đột quỵ đã cướp khỏi bà một người bạn, người tình, người chồng hoàn hảo. Bà giáo nhớ mãi câu chồng mình đã nói, sống với nhau không phải là mình đẻ cho nhau mấy đứa con, mà là chúng ta có cảm thấy cần có nhau trong đời này không mà thôi. Bây giờ, lúc này, bà thấy mình cần lũ trẻ nơi đây, lũ trẻ cũng cần mình.

Bà giáo dậy sớm khi sương còn tụ thành đám trên mặt sông. Nhìn xa xa, bà lại hình dung vóc dáng của chồng mình tươi cười trở về sau mỗi lần lập được chiến công… Bà chuẩn bị mọi thứ để đón một vị khách đặc biệt. Sáng nay, sẽ có tiệc ở nhà bà giáo. Cậu bé Dưa chính thức về ở với bà giáo Nguyệt, bà ngoại Dưa tuần tới sẽ về ở với con trai. Bà giáo nhận nuôi Dưa đến 18 tuổi.

Tiếng chuông gió bên miếu Nữ thần bất giác rung lên khác lạ. Trong trẻo và ngân vang. Cả thị trấn cũng dậy sớm, ùa nhau đi về phía nhà bà giáo trên bến Khói Tàn.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/412500/lop-hoc-o-ben-khoi-tan.html