Lòng thành dâng Vua Tổ

Với tấm lòng thành kính, vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm, nhân dân khắp các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị mâm cơm tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đây là nét văn hóa truyền thống thể hiện lòng tôn kính và biết ơn đối với các tiền nhân đã có công dựng nước.

Gia đình ông Nguyễn Lương Cần và bà Nguyễn Thị Khoa (khu 3, xã Hùng Lô, TP Việt Trì) cùng con cháu thành kính dâng mâm cơm ngày Giỗ Tổ

Trong dòng chảy sâu thẳm tâm linh của người Việt Nam, thờ cúng tổ tiên với những lễ vật và nghi lễ cụ thể, trong đó có việc làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên trong dịp lễ trọng là nét đẹp văn hóa đặc trưng của quá trình thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Vì vậy, hàng năm, vào ngày 10/3 âm lịch, gia đình ông Nguyễn Lương Cần và bà Nguyễn Thị Khoa (khu 3, xã Hùng Lô, TP Việt Trì) lại cùng con cháu thành kính dâng mâm cơm ngày Giỗ Tổ.

Ngày này, chủ hộ mặc áo the khăn xếp, phụ nữ mặc áo dài như ngày lễ trọng trong gia đình

Nét đẹp văn hóa làm mâm cơm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được gia đình ông Nguyễn Lương Cần và bà Nguyễn Thị Khoa (khu 3, xã Hùng Lô, TP Việt Trì) lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Dưới nếp nhà cổ có niên đại trên 200 năm, gia đình ông Cần sum vầy cùng con cháu, tất bật chuẩn bị mâm cỗ dâng Vua Hùng. Mâm cỗ gồm những món ăn truyền thống, mang hương vị quê hương như: Gà luộc, xôi, thịt lợn, giò chả...

Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp con cháu tề tựu, sum vầy bên ông bà, cha mẹ để nhắc nhớ về truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn

Cũng như gia đình ông Cần và nhiều gia đình khác ở xã Hùng Lô, ông Nguyễn Văn Hà và bà Đỗ Thị Xuân đã dậy từ rất sớm chuẩn bị mâm cơm thắp hương cac Vua Hùng ngày Giỗ Tổ.

Trên mâm cơm, hai thứ không thể thiếu là bánh chưng và bánh giầy. Hai thức bánh gắn với truyền thuyết Lang Liêu thời đại Hùng Vương

Dù ở đâu, tất cả đều thể hiện lòng thành dâng lên tổ tiên với mong muốn cầu cho mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở; gia đình, dòng tộc, anh em cùng đoàn kết, yêu thương nhau.

Từ năm 2019, thành phố Việt Trì triển khai, tuyên truyền để người dân trên địa bàn làm mâm cỗ tri ân vào ngày Giỗ Tổ. Việc khuyến khích, động viên các gia đình làm mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ đã phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tất cả những giá trị văn hóa tâm linh, những tư tưởng hướng về cội nguồn tổ tiên và văn hóa thờ cúng tổ tiên đã tạo nên giá trị cốt lõi, phẩm hạnh của người Việt, thắp lửa cho tín ngưỡng linh thiêng của dân tộc mãi trường tồn.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/long-thanh-dang-vua-to-210609.htm