Lồng bàn 'màn tuyn' đất Việt vươn mình ra biển lớn

Với 1.200 sợi mây nhỏ đều tăm tắp, được kết tinh bằng 170 giờ lao động miệt mài, qua đôi bàn tay khéo léo của vợ chồng ông Trần Văn Khá (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tiến (72 tuổi) đã làm nên một sản phẩm thủ công mỹ nghệ đất Việt, vươn mình ra biển lớn.

Đều đặn mỗi ngày, hình ảnh ông kéo mây, bà đan lồng bàn “màn tuyn” đã quá quen thuộc với người dân ở làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội).

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” của làng nghề Phú Vinh có tuổi đời hơn 400 năm được coi là “độc nhất vô nhị”. Chiếc lồng bàn “màn tuyn” tinh xảo, trắng muốt, nặng 290 gram hiện có giá lên tới 30 triệu đồng/chiếc.

 Vợ chồng ông Trần Văn Khá và bà Nguyễn Thị Tiến cho ra đời chiếc lồng bàn thủ công độc đáo. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Vợ chồng ông Trần Văn Khá và bà Nguyễn Thị Tiến cho ra đời chiếc lồng bàn thủ công độc đáo. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Cha đẻ của lồng bàn “màn tuyn”

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hiệp hội mây tre đan Chương Mỹ, làng Phú Vinh hiện có khoảng 700 hộ làm nghề nhưng chỉ có hai nhà làm lồng bàn là gia đình ông Trần Văn Khá và ông Nguyễn Văn Tĩnh. Chiếc lồng bàn nhẹ tựa như mây, xuyên thấu như chiếc màn, có nhiều hoa văn độc đáo thì chỉ có nhà ông Khá mới làm ra được.

Năm 1969, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Khá nên duyên vợ chồng cùng bà Tiến. Cũng kể từ đây, hai vợ chồng gắn mình với nghề thủ công truyền thống của Phú Hoa Trang (làng Phú Vinh ngày nay).

 Chiếc lồng bàn "màn tuyn" được vợ chồng ông Khá sáng tạo từ những sợi mây dài và nhỏ như sợi chỉ với 1.200 sợi mây đều nhau tăm tắp. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Chiếc lồng bàn "màn tuyn" được vợ chồng ông Khá sáng tạo từ những sợi mây dài và nhỏ như sợi chỉ với 1.200 sợi mây đều nhau tăm tắp. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Ông Khá vẫn luôn tự hào vì mình là đời thứ 5 nối nghiệp gia đình, nhờ đó cuộc sống của gia đình cũng đủ đầy, nuôi lớn 5 người con ăn học và có nghề nghiệp ổn định.

“Làm những mặt hàng vật dụng đại trà cảm thấy bình thường nên tôi muốn tạo ra sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu Việt vươn tầm thế giới. Từ năm 2001, chiếc lồng bàn “màn tuyn” được ra đời”, ông Khá tâm sự.

Phải mất 5kg mây tươi, ông Khá mới có thể hoàn thành một chiếc lồng bàn “màn tuyn” vạn sợi như một, tất cả các sợi mây đều giống nhau 100%. Từng sợi mây được kéo mỏng như tờ giấy pơ luya, khi đến công đoạn đan, bà Tiến sẽ nhận ra ngay sợi nào chưa đạt yêu cầu, ông Khá sẽ tuốt lại. Sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý đó chính là bí quyết làm nên tay nghề “vạn sợi như một”.

 Lưỡi dao tuốt mây do ông Khá tự sáng tạo. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Lưỡi dao tuốt mây do ông Khá tự sáng tạo. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Ngay cả lưỡi dao để tuốt mây cũng là do ông Khá tự nghĩ ra. Con dao sắc được kẹp cùng với một thanh sắt lục giác dũa tròn, khi cho sợi mây đi qua sẽ được kéo từ dưới lên trên theo vòng xoáy.

Mây được chọn phải là mây dài, đều, không có nhánh quả. Sau đó, bà Tiến sẽ róc hết những mấu còn thừa, tiếp đó mây được chẻ đều rồi đem đi hun sấy và phơi khô. Ở khâu sấy sợi mây, ông Khá sử dụng lưu huỳnh nhằm tạo độ bền và tạo màu trắng tinh.

 Bà Tiến nổi tiếng trong làng với tốc độ đan nhanh gấp 2-3 lần người bình thường. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Bà Tiến nổi tiếng trong làng với tốc độ đan nhanh gấp 2-3 lần người bình thường. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Bà Nguyễn Thị Tiến cho hay, khi đan sẽ bắt đầu từ giữa và kết thúc ở chân của lồng bàn. Một vòng đan khoảng chừng 4cm kể từ núm sẽ đan một đường lông tôm, một tầng mang cá kết nối với vành, rồi thắt con ong… cứ thế cho đến vòng thứ 2, đan nong thưa cho đến hết. Do đó, thời gian làm chiếc núm mất 3 ngày, làm mâm mất 7 ngày và thêm 7 ngày đan khung, một tháng chỉ làm được hai chiếc.

 Bà Tiến đã làm nghề từ khi lên 6 tuổi, sản phẩm bà làm ra được công nhận đẹp nhất vùng nên thường được đặt làm hàng mẫu. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Bà Tiến đã làm nghề từ khi lên 6 tuổi, sản phẩm bà làm ra được công nhận đẹp nhất vùng nên thường được đặt làm hàng mẫu. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Trăn trở người kế nghiệp “độc nhất vô nhị”

Nhận thấy sự độc đáo, mới lạ về sản phẩm của làng nghề, năm 2010, chiếc lồng bàn “màn tuyn” đã được Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) mang đi triển lãm tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2012, vợ chồng ông Khá được mời đi giao lưu, biểu diễn tay nghề tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).

 Vợ chồng ông Khá (từ phải qua) đang giới thiệu về chiếc lồng bàn tại một sự kiện triển lãm làng nghề năm 2020. Ảnh do nhân vật cung cấp

Vợ chồng ông Khá (từ phải qua) đang giới thiệu về chiếc lồng bàn tại một sự kiện triển lãm làng nghề năm 2020. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, chiếc lồng “màn tuyn” đã xuất sắc vượt qua hàng trăm sản phẩm và giành giải Nhất. Đến nay, vợ chồng ông Khá đã cho ra thị trường hơn 400 chiếc, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận chiếc lồng bàn của ông Trần Văn Khá đoạt giải nhất Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận chiếc lồng bàn của ông Trần Văn Khá đoạt giải nhất Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020. Ảnh: NGUYỄN THÚY

Có đến 5 người con, 20 cháu, chắt nhưng chẳng một ai chịu nối nghiệp của ông bà. Anh Trần Văn Khen (con trai cả của ông Khá) luôn tự hào về sự tài hoa, yêu nghề của bố và mẹ. Nhưng đứng trước sự thay đổi của kinh tế thị trường, anh Khen cùng các anh em buộc phải lựa chọn một nghề khác phù hợp hơn.

Vợ chồng ông Khá suốt bao đêm trăn trở vì tuổi ngày một già, cùng lắm cũng chỉ duy trì nghề được vài năm nữa. “Ngay cả những người lành nghề trong làng đến học cũng chỉ được vài buổi là họ nản, làm lồng bàn kiểu này rất khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ và tay nghề cao”, bà Tiến bộc bạch.

VĂN HIỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/long-ban-man-tuyn-dat-viet-vuon-minh-ra-bien-lon-737117