Long An có trên 48.658ha lúa ứng dụng công nghệ cao

Sáng 31/10, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) 60.000ha, giai đoạn 2021-2025. Đến dự có Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, hợp tác xã và nông dân thực hiện đề án.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao 60.000ha, giai đoạn 2021-2025

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao 60.000ha, giai đoạn 2021-2025

Đề án xây dựng vùng sản xuất lúa ƯDCNC 60.000ha, giai đoạn 2021-2025 được triển khai tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường. Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được trên 48.658ha lúa ƯDCNC, đạt 81,1% kế hoạch.

Qua 3 năm triển khai, đề án đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lúa của nông dân, nhất là giảm mật độ gieo sạ và sử dụng cân đối phân bón, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp cải tạo độ phì cho đất canh tác, giảm thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Trong đó, nhiều mô hình canh tác lúa ƯDCNC sử dụng giống lúa cấp xác nhận và áp dụng giải pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học, lúa phát triển tốt, ít sâu, bệnh, chi phí sản xuất giảm từ 0,5-4,3 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng từ 1-4,8 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Tuy nhiên, bên cạnh những nông dân mạnh dạn áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất thì trong mô hình vẫn còn một số người dân sản xuất theo lối canh tác cũ, chưa áp dụng đúng quy trình sản xuất, nông dần còn e ngại trong việc giảm lượng giống gieo sạ theo định mức 100 kg/ha; chưa bón hết lượng phân hữu cơ theo khuyến cáo và chưa sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa an toàn và hiệu quả;…

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, đưa ra những đề xuất, kiến nghị và giải pháp để thực hiện đề án hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan phát biểu tại hội nghị

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan đề nghị, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân tiếp tục duy trì áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong chương trình lúa ƯDCNC sau khi thực hiện mô hình. Đồng thời, các địa phương vận động nông dân từng bước thay đổi thói quen từ sản xuất độc lập, truyền thống sang sản xuất trên cơ sở kiến thức khoa học, quy trình kỹ thuật, quy chuẩn chất lượng, liên kết chuỗi, ghi chép,... và sản xuất có trách nhiệm.

Ngoài ra, bà nhấn mạnh, nhu cầu thị trường là yếu tố quyết định, các địa phương cần có giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, từng bước sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/long-an-co-tren-48-658ha-lua-ung-dung-cong-nghe-cao-a165577.html