Lối thoát hiểm cho Pfizer

Cổ phiếu giảm hơn 40% trong năm 2023, khiến giá trị vốn hóa thị trường của Pfizer 'bốc hơi' hơn 100 tỷ USD. Điều đó thúc đẩy Pfizer tìm kiếm một lối thoát hiểm.

Pfizer đang đặt cược vào thuốc điều trị bệnh ung thư trong nỗ lực giúp công ty lấy lại chỗ đứng sau một năm đầy khó khăn.
Pfizer đang tích cực quảng bá nhiều hơn về lĩnh vực ung thư trong một sự kiện dành cho nhà đầu tư mới đây. Sự thay đổi này đến vào thời điểm quan trọng đối với Pfizer. “Gã khổng lồ” dược phẩm này đang cố gắng trấn an tâm lý nhà đầu tư sau khi cổ phiếu của công ty giảm hơn 40% trong năm 2023, khiến giá trị vốn hóa thị trường của Pfizer “bốc hơi” hơn 100 tỷ USD.

Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhu cầu sụt giảm đối với các sản phẩm liên quan đến COVID-19 là một trong những yếu tố khiến Pfizer rơi vào tình cảnh trên, đồng thời thúc đẩy công ty này triển khai các chương trình cắt giảm chi phí trị giá 4 tỷ USD, sa thải hàng trăm nhân viên và cắt giảm chi tiêu nghiên cứu và phát triển, cũng như dự báo năm 2024 không đạt kỳ vọng.
Trong bối cảnh đó, Pfizer đã đặt ra các ưu tiên mới sau khi mua lại Công ty Công nghệ sinh học Seagen, chuyên nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa các phương pháp điều trị ung thư, với giá 43 tỷ USD. Việc mua lại Seagen đã giúp nhân đôi danh mục thuốc điều trị ung thư của Pfizer lên 60 chương trình thử nghiệm khác nhau.
Với sự hỗ trợ của Seagen, Pfizer cho biết hệ thống dược phẩm của công ty có thể sản xuất ít nhất 8 loại thuốc “bom tấn” (có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên) vào năm 2030, tăng so với chỉ 5 loại hiện nay.
Theo một số nhà phân tích, có thể mất vài năm để một số thuốc điều trị ung thư đang trong giai đoạn thử nghiệm của Pfizer có được dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cần thiết và trở nên ít rủi ro hơn.

Danh mục sản phẩm chống ung thư hiện có của Pfizer hiện đang chịu sức ép cạnh tranh. Chẳng hạn như doanh thu thuốc điều trị ung thư vú Ibrance và thuốc trị ung thư tuyến tiền liệt Xtandi đã giảm trong năm qua. Dự báo cả hai loại thuốc này sẽ mất vị thế độc quyền vào năm 2027.Dù vậy, nhiều nhà phân tích và đầu tư cảm thấy an tâm với triển vọng tương lai của Pfizer. Hãng này đã giới thiệu một bộ phận kinh doanh mới chuyên nghiên cứu về bệnh ung thư, sở hữu hàng loạt các sản phẩm thí nghiệm mà Pfizer và Seagen phát minh cũng như mua lại từ các nơi khác, cùng với các sản phẩm cả hai công ty đã bán ra thị trường.Theo ông Chris Boshoff, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ung thư của Pfizer, mục tiêu vào cuối thập niên này là 2/3 doanh thu từ thuốc điều trị ung thư sẽ đến từ các loại thuốc mới hoặc công dụng điều trị mới của thuốc sẵn có. Bộ phận nghiên cứu ung thư cũng có kế hoạch tăng tỷ lệ thuốc sinh học từ 6% hiện nay lên 65% vào năm 2030. Thuốc sinh học là các phương pháp điều trị dựa trên vắc-xin, tế bào gốc và liệu pháp gen.Quyết định chuyển sang các sản phẩm sinh học của Pfizer cũng là để bảo vệ tốt hơn trước sự cạnh tranh từ những sản phẩm nhái rẻ hơn. Pfizer có kế hoạch tập trung vào bốn loại ung thư chính là ung thư vú, ung thư đường sinh sản mà ảnh hưởng đến các cơ quan hoặc chức năng tiết niệu và sinh dục, ung thư vùng ngực chẳng hạn như ung thư phổi, đầu và cổ và ung thư máu, chẳng hạn như đa u tủy và u lympho.Đáng chú ý, Padcev, một loại thuốc ADC mà Pfizer chia sẻ với hãng Astellas Pharma, kết hợp với liệu pháp miễn dịch Keytruda của Merck, sẽ trở thành tiêu chuẩn chăm sóc hàng đầu cho bệnh ung thư bàng quang. Các giám đốc điều hành của Pfizer cho biết Padcev có tiềm năng “siêu bom tấn”, mà công ty xác định là sẽ thu về doanh thu hàng năm hơn 3 tỷ USD.Một lĩnh vực khác mà các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu là thuốc chống bệnh béo phì, một thị trường đang có nhu cầu ngày càng tăng. Pfizer dự kiến sẽ công bố dữ liệu thử nghiệm giai đoạn đầu của thuốc giảm cân danugliron trong nửa đầu năm nay. Công ty cũng đang nghiên cứu loại thuốc thứ hai dành cho bệnh béo phì nhưng chưa tiết lộ nó sẽ hoạt động như thế nào.Cách đây không lâu, Pfizer là một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất, một công ty đã cung cấp một loại vaccine có thể giúp thế giới chống lại dịch bệnh COVID-19 trong thời gian kỷ lục và sau đó là một loại thuốc chống lại các bệnh nhiễm trùng nặng. Các sản phẩm này đã mang lại doanh thu tới hơn 100 tỷ USD cho Pfizer.Tuy nhiên, sự kết hợp giữa những bước đi sai lầm và hiểu sai về hành vi của công chúng Mỹ đã khiến nhà sản xuất thuốc này sa sút nhanh chóng. Pfizer đã đánh giá quá cao nhu cầu trong tương lai đối với các sản phẩm dành cho đại dịch của mình. Sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 lắng xuống, doanh số bán hàng sụt giảm nhanh hơn dự kiến của công ty. Và các sản phẩm khác của Pfizer, dù hứa hẹn đến đâu, cũng không thể thu hẹp khoảng cách.Pfizer là một tập đoàn đa quốc gia về dược phẩm và công nghệ sinh học của Mỹ, ra đời năm 1849. Với 175 năm kinh nghiệm trong ngành, hiện nay công ty bán sản phẩm tại hơn 125 quốc gia và có 39 nhà máy sản xuất trên khắp thế giới. Pfizer phát triển và sản xuất thuốc cũng như vắc-xin về miễn dịch học, ung thư, tim mạch, nội tiết và thần kinh học.

Minh Hằng (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/loi-thoat-hiem-cho-pfizer/330545.html