Lời ru những cánh thư tình trong chiến tranh

Chiến tranh vệ quốc đã qua đi, đất nước thống nhất hòa bình được gần một nửa thế kỉ, song những vết thương mà bom đạn gây ra trên dải đất chữ S vẫn chưa hẳn chữa lành.

Ảnh minh họa.

Lời bình của Hà Thị Phi Phượng

Ngủ đi, những nỗi niềm xanh

bao nhiêu hi vọng mong manh đợi chờ

người còn hẹn tự ngày xưa

trái tim thơ dại đến giờ vẫn yêu

Ngủ đi, trời đã nghiêng chiều

người đi khuất núi khuất đèo vẫn đi

kẻ về nương bóng từ bi

kệ kinh ru dỗ một thì xuân tươi

Ngủ đi, mỏng mảnh kiếp người

ngày đi phơi phới hai mươi tuổi đầy

ngày về chống chếnh bàn tay

người thương ngã dưới luống cày quê hương

Ngủ đi, bom đạn chiến trường

đã không nát được mảnh gương giữa rằm

mà hồn đá vẫn lặng câm

bơ vơ một khúc ru thầm sau mưa…

Ngủ đi, mùa đã qua mùa

nhớ thương đã lỡ nhịp chờ sang sông

gửi hồn vào cõi mênh mông

tơ vương mấy kiếp bão bùng tìm nhau.

Đàm Chu Văn

(Biên Hòa, tháng 5/2011)

Cảm thức chiến tranh còn hiện hữu trong tâm trí nhiều người dân đất Việt, nhất là những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu. Bởi vậy mà thơ của người lính tạo nên những rung động đặc biệt nơi độc giả, trước hết, vì tính chân thực của góc nhìn, độ sâu đậm của tình cảm, cảm xúc.

Bài thơ của nhà thơ mặc áo lính Đàm Chu Văn được viết giữa thời bình, đã khiến độc giả rưng rưng xúc động khi cảm nhận về nỗi đau chiến tranh và tình yêu lứa đôi, tình đồng chí, đồng bào.

Bài thơ không phục dựng nỗi đau chiến tranh bằng tiếng đạn bom, cảnh thương vong nơi trận mạc mà bằng diện mạo khác. Đó là những cuộc chia ly, người ra đi “khuất núi khuất đèo” nối nhau lớp lớp, người ở lại ngóng trông đến khắc khoải. Và có ai đó phải “nương bóng từ bi” mượn lời kinh kệ để “ru dỗ một thì xuân tươi” dần trôi sang quãng muộn màng.

Đó là những điều tưởng như mâu thuẫn: “Ngày đi phơi phới hai mươi tuổi đầy” mà “ngày về chống chếnh bàn tay”, chứng kiến “người thương ngã dưới luống cày quê hương”. Hình ảnh này khiến tôi nhớ đến những câu thơ đầy ám ảnh trong bài “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan: “Nhưng không chết người trai khói lửa/mà chết người gái nhỏ hậu phương”.

Chiến tranh làm ra sinh ly, chiến tranh cũng gây nên tử biệt, khoét sâu nỗi đau đớn thầm lặng cho biết bao gia đình. Người mất đi là tổn thất, thiệt thòi lớn nhất, song người còn sống cũng mang bao vết thương lòng buốt nhói, xót xa: “Mà hồn đá vẫn lặng câm/bơ vơ một khúc ru thầm sau mưa…”.

Nhưng, từ trong khốc liệt chiến tranh đã hiện lên một chân dung khác: Chân dung của tình người. Đó là vẻ đẹp và sự cao quý của tình yêu tuổi trẻ ban sơ mà son sắt, tình đồng chí đồng bào chân chất mà đậm sâu.

Tình yêu trong thời chiến được biểu hiện qua những bức thư tình. Nó có thể trải chuyến đi lâu hàng tháng trời, có thể nhòe nước mưa, mồ hôi hay nước mắt. Từ lá thư cụ thể, nhà thơ Đàm Chu Văn đã nâng thành hình tượng tình yêu thời chiến. Đó là sự đợi chờ đến khắc khoải mà vẫn nguyên vẹn niềm yêu thuở ban sơ “Người còn hẹn tự ngày xưa/ trái tim thơ dại đến giờ vẫn yêu”.

Đó là sức mạnh vượt lên trên tàn khốc của đạn nổ bom rơi để giữ trọn tình yêu sáng trong, sắt son bền vững: “Ngủ đi, bom đạn chiến trường/ đã không nát được mảnh gương giữa rằm”. Và khi đất nước hòa bình thì những trái tim yêu vẫn không ngừng phát sóng tìm nhau, dù có thể đó là cuộc kiếm tìm trong muôn trùng vô định: “Gửi hồn vào cõi mênh mông/Tơ vương mấy kiếp bão bùng tìm nhau”.

Hai câu cuối của bài thơ cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi, gợi nhiều suy cảm:

“Gửi hồn vào cõi mênh mông/Tơ vương mấy kiếp bão bùng tìm nhau”.

Có lẽ, đó không chỉ là những tâm hồn của đôi lứa yêu nhau khát khao tan hòa vào trời đất để được trùng phùng ở một thế giới màu nhiệm. Đó còn là tiếng vọng tâm linh, là ước nguyện của người đang sống hôm nay hướng về người đã khuất.

Những bàn chân của người thân, của đồng chí đồng bào vẫn đang lội suối băng rừng lần hồi tìm dấu vết người ra đi mà chưa thể trở về! Bài thơ neo lại tâm trí tôi câu hỏi: Mỗi chúng ta có thể làm gì để những hi sinh mất mát quý giá của các thế hệ cha anh không vô nghĩa, để những giá trị cao đẹp của dân tộc được trao truyền tiếp nối mãi cho thế hệ mai sau?

Hà Thị Phi Phượng hiện là giáo viên Trường THCS Vũ Phúc, TP Thái Bình, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Bình. Công tác trong ngành Giáo dục từ năm 1993, cô Hà Thị Phi Phượng dạy các môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý. Bên cạnh công tác giảng dạy, cô còn sáng tác thơ, tản văn và được in ở các báo, tạp chí. Gần đây, tác giả Hà Thị Phi Phương tham gia cộng tác thường xuyên với Báo GD&TĐ, đóng góp tích cực cho chuyên mục “Đến với bài thơ hay”.

Hà Thị Phi Phượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loi-ru-nhung-canh-thu-tinh-trong-chien-tranh-post601826.html