Lợi nhuận 'phá đỉnh' nhưng cổ phiếu của FPT vẫn 'đỏ sàn'

Không 'chống' lại được xu hướng của thị trường chung, chốt phiên 17/10, thị giá cổ phiếu FPT của CTCP FPT giảm về mức 93.100 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt gần 2,5 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, CTCP FPT vừa báo cáo kết quả kinh doanh sau 3/4 chặng đường của năm 2023 rực rỡ, song cũng không tạo được “cú hích” cho giá cổ phiếu.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm, doanh thu của FPT đạt 37.927 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.768 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,4% và 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 4.742 tỷ đồng, tăng trưởng 20,3%.

Chốt phiên 17/10, thị giá cổ phiếu FPT giảm về mức 93.100 đồng/cp.

Ước tính trong quý III, FPT ghi nhận doanh thu đạt hơn 13.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục mà tập đoàn công nghệ này đạt được trong một quý.

Trong đó, khối công nghệ (bao gồm Dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và Dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 59% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế. 9 tháng đầu năm, doanh thu khối công nghệ đạt 22.517 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3.128 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 25,7% và 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Quý II/2023, lãi ròng của FPT đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng gần 19% so với quý II/2022. Đây cũng là mức lãi ròng theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn công nghệ này tính tại thời điểm đó.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu FPT liên tục phá đỉnh, leo lên vùng giá cao nhất lịch sử 16 năm niêm yết của cổ phiếu này trên sàn HoSE (đạt 98.900 đồng/cp trong phiên 12/9). Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu này có xu hướng điều chỉnh về vùng giá như hiện nay. So với thời điểm đầu năm, thị giá cổ phiếu FPT đã tăng gần 50%.

Về triển vọng kinh doanh những tháng cuối năm của Tập đoàn FPT, BSC Equity Research đánh giá thị trường Nhật và APAC được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao nhờ việc tập đoàn này đang nắm giữ nhiều lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, giải pháp công nghệ thông tin của FPT đang thấp hơn 50% so với việc khách hàng tự bảo trì và thấp hơn 20% so với các đối thủ (Trung Quốc, Ấn Độ…) trong khi vẫn đảm bảo chất lượng.

Trong trung và dài hạn, thị trường Mỹ là thị trường có dư địa tăng trưởng rất lớn đối với Tập đoàn FPT khi chi tiêu công nghệ thông tin hàng năm tại đây lên đến hơn 2.000 tỷ USD (năm 2022, theo dữ liệu của Statista). Do đó, Mỹ được xem là thị trường chiến lược, sẽ giúp Tập đoàn FPT duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn 2024 – 2025.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/loi-nhuan-apos-pha-dinh-apos-nhung-co-phieu-cua-fpt-van-do-san-1096007.html