Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản vẫn 'hụt hơi'

Lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bất động sản trong quý I/2024 cho thấy sự 'hụt hơi', dù thị trường đang được nhìn nhận có sự phục hồi.

Doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa cải thiện được doanh thu. Ảnh: Bảo Chương

Doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa cải thiện được doanh thu. Ảnh: Bảo Chương

Theo thống kê đến thời điểm cuối tháng 4.2024, lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của 60/130 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán giảm mạnh 82% do Vinhomes (VHM) không còn ghi nhận thu nhập từ bán buôn dự án như cùng kỳ.

Nếu không tính đến VHM, lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản còn lại giảm 15,1% do ảnh hưởng của nhóm bất động sản nhà ở. Trong đó, đáng chú ý có nhiều "ông lớn" trong ngành đã phải nhận mức lỗ kỷ lục.

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) báo lỗ ròng kỷ lục trong quý I/2024 khi ghi nhận doanh thu thuần hơn 697 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Dù chi phí lãi vay giảm 52%, nhưng chi phí tài chính chỉ giảm 6% do tăng lỗ chênh lệch tỷ giá. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, NVL lỗ 600 tỷ đồng trong quý đầu năm, đây là mức lỗ lớn nhất của công ty này tính theo quý trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 410 tỷ đồng.

Tương tự, trong quý I/2024, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 186,4 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản đạt 111,8 tỷ đồng chiếm 60% tổng doanh thu. Nhưng đáng chú ý, trong quý này, DIG ghi nhận khoản hàng bán bị trả lại lên đến gần 185,7 tỷ đồng, do đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp này chỉ đạt 489 triệu đồng, giảm 99,8% so với cùng kỳ năm 2023. DIC Corp báo lỗ 121,23 tỷ đồng trong quý I/2024 - mức lỗ kỷ lục của DIG.

Trong quý I/2024, sau khi trừ đi các chi phí thuế, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long cũng báo lỗ 65 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 16 tỷ đồng. Năm 2024, Nam Long đặt mục tiêu doanh thuần và lãi ròng lần lượt là 6.657 tỷ đồng và 506 tỷ đồng, gấp 2 lần về doanh thu nhưng chỉ tăng 5% về lợi nhuận.

Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long - nhìn nhận, trong năm nay, các công ty bất động sản sẽ đối mặt với 3 thách thức chính là xử lý hàng tồn kho, nợ quá hạn và tình trạng khách hàng thanh lý hợp đồng.

Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân, mặt bằng lãi vay còn duy trì ở mức thấp và việc gỡ vướng cho các doanh nghiệp, dự án tiếp tục được thúc đẩy… sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực.

Bên cạnh đó, quyết tâm của Chính phủ trong việc vực dậy thị trường bất động sản đang mang lại kết quả tích cực, thị trường đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, bắt đầu bước vào chu kỳ hồi phục. Theo đó, chu kỳ mới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý I/2024, nguồn cung nhà ở sơ cấp đạt 20.500 sản phẩm, trong đó 4.300 sản phẩm là hoàn toàn mới.

Ngoài ra, tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung sơ cấp đạt gần 31%, tương đương 6.200 giao dịch, tăng 8% so với quý trước đó và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Các dự án mới mở bán từ sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ... đều có mức độ quan tâm, giao dịch, giá bán tốt ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.

Vì thế, khi đánh giá về mức độ “sẵn sàng tái nhập cuộc” của các chủ thể tham gia thị trường, VARS cho rằng, nhờ sự chuyển biến trên thị trường bất động sản cùng việc tự nhìn lại mình để có sự điều chỉnh phù hợp mà cả cá nhân, doanh nghiệp làm môi giới đều thấy “khỏe” hơn.

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản nói chung và doanh nghiệp môi giới nói riêng đều thể hiện tâm lý lạc quan khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng cao so với kết quả đạt được năm 2023.

Bảo Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/loi-nhuan-doanh-nghiep-bat-dong-san-van-hut-hoi.html