Lợi nhuận của hàng loạt ngân hàng 'bay' trăm tỷ sau kiểm toán

Các ngân hàng đã bắt đầu công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Lãi tăng mạnh là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu đi lên. Nhưng sau kiểm toán, lợi nhuận lại 'bốc hơi' sẽ khiến không ít nhà đầu tư 'trở tay không nổi'.

Một trường hợp báo cáo tự lập với kiểm toán “vênh” là Ngân hàng TMCP Phương Đông – OCB (mã: OCB). Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tại báo cáo tự lập đạt 4.178 tỷ đồng. Nhưng hậu kiểm toán, khoản lãi này chỉ còn 3.303 tỷ đồng, giảm 875 tỷ đồng, tương ứng 20,9%.

Tại báo cáo kiểm toán, tổng thu nhập hoạt động được điều chỉnh, giảm 587 tỷ đồng so với tự lập. Trong đó, chủ yếu giảm phần thu nhập lãi thuần với 525 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng được trích lập cao vọt lên, từ 1.126 tỷ đồng lên 1.627 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 45%.

Lý giải cho sự chênh lệch trước và sau kiểm toán, OCB cho biết, nguyên nhân đến từ việc điều chỉnh giảm một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 chuyển sang hạch toán trong năm 2024 và tăng chi phí dự phòng. Đồng thời, ngân hàng cũng phân loại lại phần lớn giá trị khoản mục "tài sản gán nợ đang chờ xử lý" thuộc mục "tài sản có khác" sang khoản mục "các khoản nợ chờ xử lý khác đã có tài sản xiết nợ, gán nợ". Việc phân loại này kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được trích bổ sung tăng 44,4% (lên hơn 1.627 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau kiểm toán của OCB giảm 875 tỷ đồng, tương ứng 20,9% so với báo cáo tài chính tự lập.

Thống kê cho thấy cổ phiếu OCB cũng có 3 phiên "đỏ" liên tiếp, thị giá về vùng 14.800 đồng/co, sau khi từng leo lên mốc 16.000 đồng.

Còn với Ngân hàng TMCP Việt Á – VietABank (mã: VAB), trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, lợi nhuận sau thuế đạt 744 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2022. Trong khi đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 tự lập, lãi sau thuế năm 2023 đạt tới 758,3 tỷ đồng. Như vậy, sau kiểm toán, lợi nhuận của VietABank "bốc hơi" hơn 14 tỷ đồng.

Theo nhà băng này, số liệu thay đổi đến từ biến động trong trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, sau kiểm toán, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng thêm 12 tỷ đồng, lên gần 687 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng bị giảm tương ứng.

Theo báo cáo tài chính, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tại VietABank duy trì dưới 2%, tăng nhẹ từ 1,53% hồi đầu năm lên 1,59%.

Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gấp 40 lần so với đầu năm, từ 14 tỷ đồng lên 574 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) có xu hướng giảm đáng kể.

Cụ thể, nợ nhóm 4 giảm 28% còn hơn 21 tỷ và nợ nhóm 5 giảm tới 42% còn hơn 530 tỷ.

Theo đó, lãi dự thu (lãi và phí phải thu) đến cuối năm 2023 của VietABank tăng tới 35% so với đầu năm, từ hơn 5.874 tỷ đồng lên hơn 7.928 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay). Trong đó, chủ yếu lãi phải thu đến từ cho vay với hơn 7.706 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm và thu từ các công cụ tài chính phái sinh tăng gấp 15 lần so với đầu năm, đạt hơn 6 tỷ đồng. Ngược lại, lãi phải thu từ tiền gửi giảm từ 29,4 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 9,6 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, cổ phiếu VAB trong 4 phiên giao dịch gần đây có 2 phiên giảm giá. Hiện, thị giá VAB về vùng 8.200 đồng/cp.

Cũng nằm trong nhóm nhà băng có lợi nhuận “bốc hơi” sau kiểm toán là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (mã: VPB). Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VPBank bị điều chỉnh giảm 183 tỷ đồng (từ 10.987 tỷ đồng xuống còn 10.804 tỷ đồng), tương đương giảm 1,67%. Lợi nhuận sau thuế cũng bị giảm 146 tỷ đồng từ 8.640 tỷ đồng xuống còn 8.494 tỷ đồng sau kiểm toán.

Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của VPBank “bay” trăm tỷ do trích lập dự phòng của ngân hàng này đã bị tăng thêm 150 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch từ ngày 1 - 3/4, cổ phiếu VPB ngập trong sắc đỏ. Hiện, thị giá VPB về vùng 19.350 đồng/cp.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/loi-nhuan-cua-hang-loat-ngan-hang-bay-tram-ty-sau-kiem-toan-1099117.html