Lợi ích và nguy cơ của việc bơi trong nước lạnh

Nhìn một người ngâm mình trong dòng nước lạnh, xung quanh là tuyết rơi trắng xóa, chúng ta không khỏi rùng mình.

Các chuyên gia khuyên nên đội mũ ấm khi tắm nước lạnh. Ảnh: Christa Rymal

Một số người cho rằng nó có thể mang lại điều kỳ diệu cho huyết áp, quá trình trao đổi chất và sức khỏe tinh thần của bạn, song các chuyên gia đã đưa ra đánh giá về lợi ích, sự nguy hiểm cũng như lời khuyên để có thể tắm nước lạnh an toàn hơn.

Tắm nước lạnh có lịch sử lâu đời ở Scandinavia, nơi mọi người đã ca ngợi lợi ích chữa bệnh của hoạt động này trong nhiều thế kỷ. Bơi lội trong thời tiết lạnh cũng diễn ra trên toàn cầu trong đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19. Susan Ringwood và chồng thường xuyên bơi lội ở Bắc Đại Tây Dương.

Ringwood coi đây là sở thích của mình. Một số người khác lại coi hoạt động này như cách chữa bệnh, từ trầm cảm đến tiểu đường. Nhà sinh lý học James Mercer tại Đại học Tromsø ở Na Uy cho biết đối với nhiều người, đó là hoạt động xã hội.

Tuy việc nhảy xuống nước lạnh có lịch sử lâu đời, các nhà sinh lý học nói rằng không có nhiều bằng chứng ủng hộ những tuyên bố về lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.

Nhà sinh lý học François Haman - Đại học Ottawa ở Canada cho biết, sự thay đổi quá mạnh về nhiệt độ và căng thẳng đối với hệ thống tim mạch có thể gây ra các cơn đau tim, thậm chí tử vong. Đó là cú sốc lớn nhất mà con người có thể trải qua giống như một tia sét và bạn có thể bị ngừng tim.

Nước lạnh ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Cơ thể có thể bị sốc khi gặp nước lạnh. Các nhà sinh lý học gọi đây là phản ứng “sốc lạnh”. Các cơ quan thụ cảm nhiệt độ trên da cảm nhận được nước lạnh, kích hoạt sự co thắt của các mạch máu ở tứ chi để duy trì nhiệt trong cơ thể. Điều này khiến nhịp tim tăng vọt.

Cựu huấn luyện viên bơi lội và nhà sinh lý học Lee Hill tại Đại học McMaster ở Hamilton (Ontario, Canada) cho biết, những giây phút đầu tiên sau khi bạn xuống nước lạnh có lẽ là thời điểm nguy hiểm nhất, đặc biệt là khi cơ thể bạn chưa sẵn sàng.

Phản ứng ban đầu dẫn đến tăng nhịp tim và huyết áp. Những thay đổi đó sẽ đảo ngược sau vài phút. Được biết đến là phản ứng lặn của động vật có vú, nhịp thở và huyết áp bắt đầu chậm lại xuống dưới mức bình thường.

Đó là một phản ứng tiến hóa cổ xưa và thể hiện rõ ở các loài động vật có vú ở biển có thể lặn ở độ sâu đáng kinh ngạc. Các nhà sinh lý học tin rằng phản ứng này giúp bảo tồn lượng oxy vốn rất quan trọng khi bạn nín thở trong thời gian dài. Phản ứng lặn trên cũng giúp bảo tồn nhiệt bằng cách tiếp tục đẩy máu đến các cơ quan quan trọng và tránh xa các chi.

Theo các chuyên gia, ở trong nước lạnh còn nguy hiểm hơn không khí lạnh. Ông James Mercer cho biết, nước dẫn nhiệt hiệu quả hơn nhiều so với không khí, nghĩa là nó có thể hút nhiệt từ cơ thể bạn nhanh chóng hơn.

Bạn có thể bị hạ thân nhiệt khi bơi ở bất kỳ vùng nước nào có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ tự nhiên của cơ thể. Kích thước, sự trao đổi chất và tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể của một người đều đóng vai trò quyết định thời gian một người có thể ở trong nước lạnh an toàn.

Một số người cho rằng ngâm mình dưới nước lạnh mang lại lợi ích về sức khỏe. Ảnh: Wayspa

Có mang lại lợi ích sức khỏe không?

Theo những người ủng hộ, nhảy xuống nước lạnh có thể cải thiện huyết áp và độ nhạy insulin, cũng như giảm viêm, cải thiện khả năng miễn dịch và mang lại lợi ích cho quá trình trao đổi chất, và giúp giảm đau viêm khớp.

Tuy có những nghiên cứu khoa học ủng hộ những tuyên bố trên, song nhà sinh lý học nhiệt Denis Blondin tại Đại học Sherbrooke (Quebec, Canada) nói rằng đa phần các nghiên cứu trên chỉ gồm một số ít người tham gia, phần lớn là nam thanh niên gốc châu Âu.

Ngoài ra còn có rất nhiều sự khác biệt về nhiệt độ của nước, thời gian ngâm nước. Tất cả những khác biệt này khiến việc so sánh các nghiên cứu khác nhau trở nên khó khăn, ông Blondin chỉ ra. Ringwood nói rằng việc đi bơi giúp cô xua tan những lo lắng về mặt tinh thần.

Nhà sinh lý học Haman đồng ý về điều này. Ông cũng thấy trải nghiệm này ở các thành viên lực lượng vũ trang mà ông đã huấn luyện. Khi bơi nước lạnh, họ phải tập trung vào hơi thở và những cảm giác khác ở thời điểm hiện tại, một thói quen mà các nhà tâm lý học gọi là chánh niệm.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các hoạt động như lao xuống nước vùng cực và tắm nước lạnh có thể giúp giảm trầm cảm. Ngay cả một cốc nước lạnh cũng có đặc tính cải thiện tâm trạng. Ông Haman cho rằng, lợi ích này không chỉ nhờ chánh niệm, mà còn do sự tăng lên các chất hóa học giúp “cảm thấy dễ chịu” trong não như dopamine mà não tạo ra khi ngâm mình trong nước lạnh.

Những điều cần cân nhắc

Các chuyên gia nói rằng bạn nên đội một chiếc mũ ấm, chuẩn bị sẵn quần áo khô và khăn tắm khi lên khỏi mặt nước. Đối với những người mới tham gia môn thể thao này, ông Haman khuyên nên bắt đầu từ từ, làm quen với nước lạnh hơn vào mùa Thu thay vì nhảy xuống nước khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa Đông. Mỗi người phản ứng với cái lạnh một cách khác nhau và không phải ai cũng có thể tiếp xúc với cái lạnh theo một cách.

Bàn tay và bàn chân của bạn có khả năng chịu lạnh tốt hơn cơ thể, nhờ đó, các chi có thể làm mát rõ rệt mà không ảnh hưởng đến nhiệt độ cốt lõi của cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng có giới hạn, nếu nhiệt độ trong cơ thể bắt đầu giảm thì đã đến lúc phải ra khỏi nước và làm nóng cơ thể nhanh chóng.

Cách tốt nhất để xác định xem bạn đã đạt đến giới hạn này hay chưa là xem hiện tượng run rẩy. Run rẩy nhẹ ở tứ chi là cách hiệu quả để cơ thể tạo ra nhiệt. Run rẩy từ các nhóm cơ trung tâm sẽ mạnh hơn và khó chịu hơn nhiều. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang quá lạnh và điều quan trọng là bạn phải làm ấm cơ thể khi mất kiểm soát cơ.

Theo NatGeo

Cẩm Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loi-ich-va-nguy-co-cua-viec-boi-trong-nuoc-lanh-post675524.html