Lời hứa với cử tri

Nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, giải quyết các vấn đề cử tri kiến nghị là nhiệm vụ trọng tâm được HĐND tỉnh tập trung triển khai thực hiện. Nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được nhanh chóng giải quyết; nhiều thắc mắc, phản ánh của cử tri cũng đã được làm rõ...

Kỳ I:Lắng nghe dân nói

HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình Trường THPT Chuyên Hùng Vương.

Kiến nghị từ cơ sở

Chúng tôi đến thị trấn Hưng Hóa và các xã Bắc Sơn, Tề Lễ, Thọ Văn (huyện Tam Nông); Văn Bán, Tiên Lương, Minh Tân (huyện Cẩm Khê) để tìm hiểu những nội dung được cử tri phản ánh liên quan đến tình trạng nguồn điện thường xuyên bị yếu, không đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân đặc biệt là vào mùa nắng nóng.

Nhà của anh Nguyễn Văn Mậu là cơ sở sản xuất mộc dân dụng ở khu Tiêu Sơn - khu xa nhất, cách trung tâm xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê gần 6km. Anh Mậu cho biết: “Xa trung tâm xã, những năm trước, cuộc sống sinh hoạt của bà con trong khu chúng tôi bị ảnh nhiều bởi tình trạng điện yếu. Thường vào mùa nắng nóng nhưng trong nhà chỉ bật bóng đèn compact và duy nhất chiếc quạt cây, vì nguồn điện không đủ cung cấp cho các thiết bị khác. Điện yếu cũng khiến các thiết bị nhanh hỏng hóc. Đặc biệt cứ vào giờ cao điểm điện rất yếu, cơm không nấu xong nói gì đến việc sử dụng các máy móc thiết bị để làm mộc. Trước thực trạng đó, bà con trong khu chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết, đề nghị ngành điện vào cuộc xử lý. Đến nay, tình trạng điện trong khu đã được ổn định, không riêng gì gia đình tôi mà các hộ trong khu đều mua sắm thêm điều hòa, ti vi, tủ lạnh…, nhưng mừng nhất là việc sản xuất không bị gián đoạn do điện yếu như trước đây”.

Tìm hiểu tại Điện lực Cẩm Khê, chúng tôi được biết, Trạm biến áp Tiên Lương 3 được tiếp nhận từ lưới điện nông thôn năm 2006, sau khi tiếp nhận ngành điện đã đầu tư tối thiểu cải tạo thay công tơ, hòm công tơ và một số đường dây trần bằng dây bọc. Những năm tiếp theo, ngành điện kéo bổ sung dây dẫn từ cột 3.35 đến cột 3.52 cấp điện cho các hộ dân khu vực Tiêu Sơn. Tuy nhiên do các hộ dân sử dụng điện rải rác, dây dẫn tiết diện nhỏ cộng thêm việc phụ tải nông thôn tập trung vào giờ cao điểm dẫn đến tình trạng sụt áp. Trước thực trạng đó, để đảm bảo cấp điện cho nhân dân, Điện lực Cẩm Khê lắp thêm tụ đường dây, theo dõi cân đảo pha để cải thiện chất lượng điện áp cuối nguồn; đồng thời lập phương án cấp nguồn từ trạm biến áp Lương Sơn 8 sang cho phụ tải khu Tiêu Sơn và thực hiện chuyển điểm đấu công tơ, hòm công tơ của các hộ dân về vị trí cột điện gần các hộ. Đến nay, chất lượng điện áp được đảm bảo (từ 212V-222V) phục vụ sinh hoạt, sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định kinh tế - chính trị tại địa phương...

Thực hiện chỉ đạo của HĐND tỉnh, Công ty Điện lực Phú Thọ đã có phương án đầu tư, nâng cấp hạ tầng lưới điện đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Thời gian qua, bên cạnh nỗ lực đảm bảo cung ứng điện ổn định phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, Công ty Điện lực Phú Thọ (PC Phú Thọ) luôn quan tâm giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực hoạt động điện lực, đáp ứng yêu cầu của cử tri và khách hàng sử dụng điện trên địa bàn. Cầu thị, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ các cấp ở cơ sở, Công ty chủ động phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND các huyện, thành, thị cũng như chủ động làm việc với các khu dân cư ở các xã, phường để nắm bắt và giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong giai đoạn 2016 - 2021, PC Phú Thọ đã tiếp nhận 67 ý kiến, kiến nghị của cử tri về hoạt động điện lực, xoay quanh các vấn đề như: Công tác bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn; việc cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn; công tác đầu tư lưới điện phục vụ cho sinh hoạt và phát triển công nghiệp; chất lượng điện áp ở một số khu vực chưa được đảm bảo ổn định,... Tất cả các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được PC Phú Thọ giải quyết, trả lời một cách nghiêm túc, thấu đáo, đúng quy định. Chính vì vậy, Công ty đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ, cũng như sự ủng hộ của đông đảo cử tri và củng cố thêm niềm tin của khách hàng với ngành điện. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có một TBA 500kV (công suất 450MVA), hai TBA 220kV (tổng công suất 1.000MVA); 15 TBA 110kV (tổng công suất 1.090MVA), đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất công nghiệp dịch vụ và đời sống tiêu dùng của người dân với hệ số dự phòng cao. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có điện lưới với 99,7% số hộ có điện lưới.

Những vấn đề làm “nóng” nghị trường

Cùng với ngành điện, qua mỗi kỳ tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND tỉnh, nhiều ý kiến, kiến nghị về các lĩnh vực của cử tri trên địa bàn tỉnh đã được tổng hợp, gửi tới các đại biểu HĐND, nhiều vướng mắc đã được giải trình, làm rõ tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Cử tri và nhân dân mong muốn lãnh đạo các ngành, thủ trưởng các đơn vị, người đứng đầu chính quyền các địa phương tiếp tục đề cao trách nhiệm, sớm giải quyết dứt điểm những kiến nghị, đề xuất chính đáng của cử tri. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ Hai, thứ Ba HĐND tỉnh khóa XIX, những vấn đề đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; tăng cường quản lý đất công ích tại các địa phương… đã được các đại biểu đưa ra chất vấn tại kỳ họp.

Dự án cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ là một trong 19 dự án trọng điểm của tỉnh có vốn đầu tư công đang gấp rút hoàn thiện đảm bảo tiến độ.

Theo đó, trong năm 2021, Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh đã lựa chọn 19 dự án, là các dự án đầu tư công và đầu tư tư nhân để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó có bốn dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp; năm dự án du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng; ba dự án đầu tư công. Đến nay đã có 6/19 dự án đảm bảo tiến độ. Để có kết quả đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được chú trọng, huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị- xã hội; các cơ quan, đoàn thể, các sở, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc; thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc và xây dựng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể; phân công trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cá nhân phụ trách từng dự án đúng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các sở, ngành đã chủ động tham gia phối hợp, cung cấp thông tin để triển khai các bước của dự án; đồng thời phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện…

Việc giải ngân vốn đầu tư công cũng được đông đảo cử tri quan tâm, bởi liên quan trực tiếp đến nhiều công trình quan trọng như giao thông, y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạ tầng kỹ thuật... Trong đó có dự án Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL. 70B, QL. 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ, Trường THPT Chuyên Hùng Vương… Hết năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 87,6%; sáu tháng đầu năm 2022 ước đạt 52% kế hoạch (là địa phương có tỉ lệ giải ngân trong nhóm 20/63 các tỉnh, thành cao nhất cả nước).

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân ở tất cả các tuyến y tế, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nội dung mà thời gian qua cử tri quan tâm cũng được ngành y tế giải trình trước HĐND. Theo đó, ngành y tế tăng cường kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường. Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện… để từng bước giảm sự chênh lệch khám chữa bệnh giữa các tuyến, vùng trong tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành Y tế tìm giải pháp đảm bảo tỉ lệ tham gia BHYT đạt mục tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; tăng cường năng lực chuyên môn phát triển dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, kết hợp y học cổ truyền và phục hồi chức năng với y học hiện đại trong khám chữa bệnh và tăng cường công tác dược lâm sàng nhằm đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả…

Nội dung được các đại biểu đưa ra chất vấn làm “nóng” nghị trường còn có các vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp có nguồn xả thải lớn đó là: Ô nhiễm môi trường (tiếng ồn, khói bụi) của khu công nghiệp Thụy Vân và tình trạng xả thải chưa qua xử lý của Công ty CP KPC Phú Thọ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường công tác chỉ đạo đẩy tiến độ lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động của doanh nghiệp đảm bảo thời gian quy định của Chính phủ; thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong xả thải của các doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp.

Việc tổ chức hiệu quả, chất lượng các phiên chất vấn trực tiếp tại nghị trường đã tạo ấn tượng, dư âm tốt đẹp, góp phần củng cố thêm niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử. Với việc lựa chọn đúng vấn đề “nóng”, có tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội nhất là đất đai, môi trường… các đại biểu HĐND, “tư lệnh” ngành đã nghiêm túc, thẳng thắn, công khai trách nhiệm để giải quyết triệt để các vấn đề tạo niềm tin trong dân.

Thúy Hằng - Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//quoc-hoi-hoi-dong-nhan-dan/loi-hua-voi-cu-tri/186603.htm