Lối đi qua vườn rẫy có phải là lối đi chung, đường giao thông?

Trong thực tế, việc các hộ dân thỏa thuận việc mở lối đi chung qua vườn rẫy của nhau nhằm thuận tiện cho việc sản xuất, vận chuyển nông sản là chuyện thường gặp. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, các hộ dân có sự thay đổi, dẫn đến phát sinh rắc rối về tranh chấp lối đi chung.

Ông L.M.D. (phải) phản ảnh sự việc với phóng viên Báo Đồng Nai. Ảnh: Đ.PHÚ

* Có tồn tại lối đi chung?

Ông L.M.D. (ngụ ấp 3, xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) phản ảnh, lối đi chung (rộng 3,58m dài khoảng 40m) đi qua thửa đất của gia đình ông và 4 hộ dân khác (ngụ cùng địa phương) được thể hiện trên bản đồ địa chính của xã vào năm 2004. Tuy vậy, đến năm 2022, 2 hộ dân ở cuối lối đi chung là ông N.V.P. và ông N.V.Đ. tự ý rào chắn lối đi lại làm ảnh hưởng đến việc đi lại của ông và hộ bà N.T.A. (chị ruột của ông). Chính vì vậy, ông D. có đơn gửi UBND xã Bình Lợi ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất công của hộ ông N.V.P. và ông N.V.Đ.

Theo UBND xã Bình Lợi, việc ông L.M.D. yêu cầu UBND xã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu 2 ông N.V.P. và N.V.Đ trả lại lối đi chung là chưa đủ cơ sở, bởi lối đi này có nguồn gốc và quá trình hình thành từ việc các chủ sử dụng đất tự thỏa thuận mở lối đi chung, không phải do UBND xã vận động mở và quản lý. Đồng thời, tất cả phần diện tích mà ông L.M.D. cho rằng 2 ông N.V.P. và N.V.Đ. chiếm dụng đất công đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho ông N.V.P. và ông N.V.Đ. vào năm 1996.

Còn Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai chi nhánh H.Vĩnh Cửu cho rằng, diện tích đất cấp cho 2 ông N.V.P. và N.V.Đ. không gồm diện tích con đường tiếp giáp với các thửa đất của 2 ông.

Theo 2 ông N.V.P. và N.V.Đ., lối đi chung này trước đây được một số hộ dân thỏa thuận miệng mở ra để tạo điều kiện cho cha ông L.M.D. vận chuyển đồ đạc về đây sinh sống và đi lại. Đến năm 1981, khi địa phương hình thành tuyến đường ven sông thì các hộ dân ít sử dụng lối đi này. Vì vậy, vào năm 1996, khi cơ quan chức năng lập bản đồ địa chính thì không có lối đi chung này trên bản đồ, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông N.V.P. và ông N.V.Đ. vào thời điểm đó đúng với hiện trạng sử dụng đất của các bên.

Cũng theo 2 ông N.V.P. và N.V.Đ., vào năm 2004, khi địa phương tổ chức đo đạc lại đất đai thì lối đi chung này mới xuất hiện trên bản đồ địa chính xã, nhưng hiện tại lối đi này nằm ở đâu trong phần tiếp giáp diện tích đất mà cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho 2 ông cần sớm được làm rõ để trả lại lẽ phải cho 2 ông.

* Lối đi chung và lối đi qua

Việc ông L.M.D. phản ảnh 2 ông N.V.P. và N.V.Đ. chiếm đất giao thông, đất công là tranh chấp lối đi chung sẽ tiếp tục được chính quyền xã Bình Lợi và các cơ quan có thẩm quyền làm rõ theo yêu cầu giữa các bên. Tuy nhiên, qua vụ việc trên cho thấy, trong quá trình sử dụng đất vẫn còn nhiều người dân chưa phân biệt đâu là lối đi chung và quyền về lối đi qua bất động sản liền kề dẫn tới khi phát sinh mâu thuẫn lại gặp khó khăn trong hướng giải quyết.

Theo luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh), một khi lối đi chung được đo vẽ, thể hiện trên bản đồ địa chính thì trở thành đường giao thông, đất công do địa phương quản lý, ai xâm phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật về đất đai. Còn khi chưa thể hiện là đất giao thông thì đó là tranh chấp dân sự giữa các bên về lối đi chung, quyền về lối đi qua. Người dân có thể gửi đơn yêu cầu địa phượng nơi có đất tranh chấp để hòa giải, nếu hòa giải không thành thì các bên có quyền làm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án nơi có đất tranh chấp để được giải quyết theo thẩm quyền.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, pháp luật hiện nay không quy định hay giải thích thế nào là lối đi chung. Tuy nhiên, qua thực tế cuộc sống, tập quán thì có thể hiểu: lối đi chung được hình thành từ lối mòn, sử dụng lâu năm. Lối đi chung được người sử dụng đất phía ngoài tự dành ra hoặc theo thỏa thuận hoặc chuyển nhượng cho người phía trong để có lối ra đường công cộng.

“Lối đi chung do các chủ sử dụng đất cắt một phần đất của mình tạo nên, đồng thời lối đi chung tạo thành ranh giới sử dụng đất giữa các thửa đất liền kề (thường gọi là đường đi chung hoặc ngõ đi chung). Một khi các bên thừa nhận, ghi nhận đó là lối đi chung thì các bên được quyền sử dụng chung và không ai có quyền chiếm dụng làm của riêng” - luật sư Ngô Văn Định cho hay.

Còn lối đi qua bất động sản liền kề được Điều 254, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, đó là quyền của chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

“Lối đi qua bất động sản liền kề theo Điểm l, Khoản 4, Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 phải đăng ký với cơ quan đăng ký đất đai để ghi vào sổ địa chính nên nó được thể hiện rõ trên bản đồ và thửa đất. Còn lối đi chung không bắt buộc phải đăng ký, trừ trường hợp sử dụng nhiều năm mà tạo thành đường đi chung, được đo vẽ và thể hiện trong bản đồ địa chính” - luật sư Ngô Văn Định bày tỏ.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202312/loi-di-qua-vuon-ray-co-phai-la-loi-di-chung-duong-giao-thong-82f6121/