Lối đi mới trong ngành xuất bản

Những năm gần đây, thị trường sách - xuất bản sách ngày càng sôi động với nhiều loại hình phát triển mới. Trong đó có thể kể đến xu hướng tự lên ý tưởng làm và xuất bản sách.

Tự xuất bản sách đang là một trong những xu hướng phát triển nhanh trong ngành sách thế giới. Ảnh: Entrepreneur.

Tính từ năm 2010 cho tới nay, số lượng sách tự xuất bản đã tăng lên với cấp số nhân theo từng năm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019 nhu cầu đọc sách tăng đột biến do đại dịch Covid-19, các tác giả độc lập lại càng bung sức mạnh hơn để đáp ứng thị trường.

Theo thông tin từ trang Statista, số lượng sách tự xuất bản trong giai đoạn 2010-2018 đã tăng trưởng vượt bậc từ khoảng hơn 153.000 cuốn đến hơn 1,6 triệu cuốn mỗi năm.

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, số lượng sách tự xuất bản đã tăng 264%; doanh thu từ mảng này cũng đạt gần 1,25 tỷ USD mỗi năm (theo trang nghiên cứu số liệu Wordsrated). Trên Amazon, có hơn 1.000 tác giả (tự xuất bản) đã kiếm được hơn 100.000 USD nhuận bút chỉ tính riêng trong năm 2022; và nền tảng này đã phải trả hơn 250 triệu đôla tiền bản quyền cho các tác giả tự xuất bản mỗi năm.

Đối với họ, sự phát triển của công nghệ và mạng lưới phát hành (cả bản in lẫn sách điện tử) đã thay đổi đáng kể bộ mặt của ngành xuất bản trên thế giới. Thực tế, các tác giả ngày nay được lợi nhiều hơn khi kỹ thuật xuất bản có các bước tiến tăng vọt, nhất là trong mảng tự xuất bản. Trái với quy trình truyền thống, các tác giả có thể chủ động kết hợp với đơn vị xuất bản/phát hành để trực tiếp biên tập, thiết kế và phát hành sách.

Ở một số đơn vị đặc thù, họ sẵn sàng đồng hành cùng tác giả ngay từ khâu lên ý tưởng. Đó là những trường hợp mà tác giả không phải là tay viết chuyên nghiệp nhưng lại là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó và khát khao để lại “di sản” về mặt trí tuệ, tri thức của mình cho hậu thế.

Xu hướng tác giả tự xuất bản tại Việt Nam

Ở nước ta, thị trường xuất bản không nằm ngoài guồng quay của thế giới. Ngành xuất bản sách cũng luôn cập nhật những xu hướng mới nhất, từ các phiên bản sách giới hạn đắt giá, sách nói, sách điện tử cho tới sách tự xuất bản hay hình thức xuất bản thông qua gọi vốn… Tự xuất bản ở đây được hiểu là tác giả tự bỏ tiền túi ra làm sách, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty phát hành, nhà xuất bản để đưa tác phẩm, công trình của mình đến với bạn đọc.

Trong một buổi hội thảo mang tên Đi tìm tầm nhìn mới cho ngành xuất bản vào năm 2022, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books - đã chia sẻ quan điểm cá nhân về các xu hướng mới trong ngành xuất bản. Đối với sách tự xuất bản, ông cho rằng đó là trào lưu để phục vụ thêm những cá nhân có nhu cầu riêng và là cơ hội cho những tay viết không chuyên được làm sách.

Thật vậy, việc tự xuất bản sách không chỉ là hướng đi mới dành cho nhiều tác giả đã nổi danh mà nó còn là con đường rộng thênh thang, đầy tiềm năng đối với những tay viết không chuyên. Nhiều tác giả tay ngang đã tìm đến các công ty truyền thông xuất bản, các nhà xuất bản với tác phẩm của mình với mong muốn hiện thực hóa đứa con tinh thần ấy.

Bên cạnh đó, có rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu có chuyên môn cao, kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề nhưng lại không hề “biết viết”. Viết ở đây có thể hiểu là kỹ năng viết lách, từ việc lên ý tưởng, phác thảo nội dung chính, xây dựng dàn ý cho tới lựa chọn văn phong, cách tiếp cận cho bản thảo của mỗi người.

Họ không thể “cầm bút” một cách chuyên nghiệp nhưng tay nghề trong từng lĩnh vực cụ thể như giáo sư, bác sĩ, kỹ sư thì lại rất thành thục. Với hàng chục năm tuổi nghề, kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng của họ là điều không cần bàn cãi. Những chuyên gia này khao khát để lại di sản, lan tỏa tri thức của bản thân cho cộng đồng. Và đó là tiền đề cho sự ra đời của hàng loạt tác phẩm tự xuất bản được nhiều độc giả đón nhận.

Trên phương diện của một người viết sách tự xuất bản, bà Nguyễn Mến - CEO của Công ty Cổ phần Thời trang MC Việt Nam - đã có nhiều chia sẻ về lý do mình bắt tay vào thực hiện các tác phẩm Kinh doanh thời trang thành công từ A-Z, Nhất định phải kinh doanh cái gì đó (đều do Nhà xuất bản Thanh Niên thực hiện).

Cụ thể, tác giả Nguyễn Mến mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm của mình trong lĩnh vực kinh doanh (đặc biệt là ngành thời trang). Phần nào đó cuốn sách đã tạo ra được giá trị cộng đồng nhất định; đồng thời nâng cao thương hiệu cá nhân cũng như thương hiệu doanh nghiệp.

Hoặc có thể kể tới trường hợp của tác giả Julie Đặng với tác phẩm Sensory - Chạm cà phê từ mọi giác quan (kết hợp cùng RIO Publishing Agency, liên kết Nhà xuất bản Dân trí thực hiện và phát hành) đang được độc giả cả trong và ngoài giới cà phê đón nhận.

Sensory - Chạm cà phê từ mọi giác quan là tác phẩm điển hình có một tác giả có chuyên môn cao và muốn lan tỏa những kiến thức của mình cho cộng đồng. Ảnh: BaristaSchool.

Cá nhân Julie Đặng không phải là tác giả chuyên nghiệp nhưng lại là một trong những chuyên gia về cà phê. Cô là Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các trường đào tạo về cà phê (Global Coffee School, GCS) nhiệm kỳ 2019-2022; là giảng viên của Hiệp hội Cà phê Đặc sản Thế giới; là cố vấn chuyên môn tại Vietnam Barista School và từng là giám khảo tại nhiều cuộc thi quốc tế về cà phê.

Julie Đặng có đam mê lớn với cà phê và sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, cô có khát khao cháy bỏng là làm sao có thể lan tỏa cà phê cũng như những ý nghĩa, thông điệp đằng sau đến với rộng rãi cộng đồng. Cách tốt nhất để làm được điều đó là “đóng gói kiến thức" của mình thông qua những trang sách để nó có thể tới tay nhiều người hơn.

Và Rio là đơn vị đã đồng hành cùng tác giả tay ngang này trong hành trình phát hành Chạm cà phê bằng mọi giác quan. Mong muốn của tác giả Julie Đặng là lan tỏa văn hóa cà phê rộng rãi nhất nên cuốn sách cũng được lựa chọn văn phong phù hợp nhất, sao cho các kiến thức chuyên môn được truyền tải một cách mềm mại, dễ hiểu và dễ tiếp cận đối với độc giả.

Sau gần hai tháng phát hành, tác phẩm có 2.000 bản được bán và tái bản. Một thành công khác không thể không kể đến nữa là tác phẩm này đang trong quá trình được đặt mua bản quyền từ hai nước Hàn Quốc và Thái Lan. Qua đây, chúng ta có thể thấy được giá trị tác phẩm cũng như tâm huyết của tác giả dành cho cuốn sách tự xuất bản này.

Sách tự xuất bản và những thách thức

Theo nhận định của nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - người có gần 10 năm kinh nghiệm trong việc viết sách cho các nhân vật nổi tiếng - trong chương trình Không gian văn hóa nghệ thuật (VTV1), tỷ lệ sách của các tác giả không chuyên trong mấy năm gần đây tương đối cao. Số lượng đó giúp cho thị trường sách trong nước sôi động hơn, đa dạng hơn rất nhiều.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh trong chương trình Không gian văn hóa nghệ thuật. Ảnh: VTV1.

Cũng theo quan điểm của ông Nguyễn Tuấn Anh, mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của các tác phẩm tự xuất bản là chúng đóng góp được gì cho xã hội; nội dung cuốn sách có thể giúp cho cộng đồng giải quyết được vấn đề gì. Chỉ khi thực sự giải quyết được điều đó, cuốn sách mới thực sự thành công. Và tiếp sau, sự tăng trưởng của thương hiệu cá nhân và yếu tố tài chính cũng sẽ lớn dần theo.

Khi được hỏi về thị trường sách nói chung và sách tự xuất bản nói riêng, ông Trần Quang Tùng - Founder của RIO Publishing Agency - đã chia sẻ một góc nhìn khác về vấn đề này. Theo ông, số lượng sách mua bản quyền, sách của tác giả nước ngoài vẫn đang chiếm thị phần lớn, đặc biệt đối với các dòng sách kiến thức, non-fic…

Bởi vậy, với xu hướng tự làm sách, tự xuất bản sách hiện nay, chúng ta sẽ có cơ hội để giúp nhiều chuyên gia tại mọi lĩnh vực của Việt Nam có thể "đóng gói kiến thức" Việt và lan tỏa cho độc giả Việt.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới những khó khăn khi các tác giả tay ngang quyết định tự xuất bản sách. Thay vì làm sách một cách truyền thống, họ sẽ phải tự lên kế hoạch và chuẩn bị từ A đến Z. Đầu tiên, đối với những người chưa từng ra sách, khâu phức tạp nhất với họ sẽ là về quy trình, thủ tục pháp lý, xin giấy phép xuất bản…

Tiếp theo đó, khó khăn còn đến từ nội dung của tác phẩm. Bởi không phải tác giả chuyên nghiệp cho nên việc xuất hiện nhiều lỗi chính tả, lỗi liên kết hay thậm chí bố cục có vấn đề, văn phong không đồng nhất là rất khó tránh khỏi. Cuối cùng, một trong những khó khăn lớn nhất là việc tìm đầu ra - kênh phát hành - cho đứa con tinh thần của các tác giả không chuyên.

Tuy nhiên với xu hướng xuất bản mới này, những đơn vị cung cấp dịch vụ tự làm sách như Thái Hà Books, Alpha Books, RIO Publishing Agency… các tác giả tay ngang sẽ bớt đi được nhiều gánh nặng khi có đơn vị đồng hành ngay từ khâu lên ý tưởng, xây dựng bố cục, dàn trang, thiết kế bìa sách cho tới truyền thông, phát hành và cả các đầu mối phân phối.

Có thể nói, ngày nay để có thể tự xuất bản một cuốn sách không còn là điều quá khó khăn với nhiều rào cản như trong quá khứ. Các tác giả được hỗ trợ và đồng hành tại mọi khâu trong quy trình tự xuất bản. Từ đó, các kiến thức Việt của chuyên gia Việt có thể lan tỏa rộng rãi hơn đến bạn đọc.

Hứa Mộc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-di-moi-day-tiem-nang-trong-nganh-xuat-ban-post1420871.html