Logistics Việt Nam đặt mục tiêu vào Top 40 thế giới

Dự thảo chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045 đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-7%.

Bộ Công Thương vừa tổ chức cuộc họp xin ý kiến với dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, việc xây dựng dự thảo chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045, nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics đồng bộ, toàn diện và tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo đó, giai đoạn 2025-2035, dự thảo chiến lược đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-7%; tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ logistics hằng năm đạt 12-15%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 70-80%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 12-15% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 40 trở lên (do WB công bố).

Giai đoạn đến năm 2045, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ logistics hằng năm đạt 10-12%. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 80-90%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12% GDP.

Dự thảo chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo các định hướng chung: tạo đột phá trong việc xây dựng thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics.; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại làm cơ sở để phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; phát triển thị trường logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng kinh tế, hành lang kinh tế, khu vực và quốc tế bảo đảm tăng trưởng bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng và xanh hóa các hoạt động dịch vụ logistics dựa trên nền tảng số.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho rằng cần bản thảo thêm các vấn đề về logistics tích hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, quy hoạch chuyên ngành của địa phương, từng địa phương liên kết với vùng, từng vùng liên kết quốc gia và quốc gia liên kết quốc tế.

So với quốc tế, hiện nay, thị phần các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực logistics đang chiếm tỷ trọng lớn. Do vậy, vấn đề cần đặt ra là làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước có thể chiếm lĩnh thị phần này từ đó nâng cao vị thế của ngành ngành logictics Việt Nam ngay tại sân nhà.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sau cuộc họp này sẽ tổng hợp và tiếp tục xin ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; đồng thời, sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ giải trình, tiếp thu và hoàn thiện, chỉnh sửa lại dự thảo chiến lược, dự thảo tờ trình Chính phủ, dự thảo quyết định phê duyệt chiến lược trên cơ sở các ý kiến tham gia.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/logistics-viet-nam-dat-muc-tieu-vao-top-40-the-gioi-post114237.html