'Lộc Xuân' ở thủ phủ sầu riêng, cà phê

Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn, có mặt ở Đắk Lắk - 'thủ phủ' của cà phê, của sầu riêng, của các loại cây ăn trái trên vùng đất Tây Nguyên, mới cảm nhận hết được cái không khí xuân đang rạo rực nơi này. Hòa quyện trong cái nắng, cái gió, không khí xuân nơi đang bừng dậy, cộng hưởng, tỏ rõ trên mỗi nụ cười ánh mắt của cộng đồng 49/54 dân tộc anh em đang hội tụ làm ăn, sinh sống bấy lâu khi họ được đón nhận 'Lộc Xuân', một vụ sầu riêng ngọt ngào, một vụ cà phê được mùa, được giá.

Ảnh minh họa

Mùa sầu riêng ngọt ngào

Đầu vụ sầu riêng ở Đắk Lắk, có dịp về công tác, tôi ghé thăm bà con ở thị xã Buôn Hồ. Xuống bến xe phía Nam, đón xe trung chuyển về nhà người quen, chưa kịp nhận dạng địa chỉ, số nhà do lâu rồi chưa đến, anh tài xế xe con đã đưa tôi đến thẳng đại lý thu mua sầu riêng gần trạm thu phí cũ. Giật mình hỏi lại vì nghĩ anh này nhầm tưởng mình là thương lái từ TP. Hồ Chí Minh đến mua sầu riêng.

Xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch hơn 4 tỷ USD

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, kết thúc niên vụ 2022 - 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60 kg/bao), kim ngạch thu về tăng 3,4% lên mức 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao kỷ lục từ trước đến nay, giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.

Quả thực, có mặt ở Đắk Lắk những ngày này tôi mới thật tin về lời đồn chuyện có hộ dân thu nhập từ vườn sầu riêng trên 5 tỷ đồng. Ông Lê Văn Toản ở huyện Krông Pắk, nơi "thủ phủ" sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk cho biết, gia đình trồng 6 ha sầu riêng, sản lượng năm nay ước đạt trên 100 tấn. Đầu vụ, các thương lái đã đặt cọc bao mua cả vườn. “Vụ này gia đình tôi thu hơn 6 tỷ đồng” - ông Toản chia sẻ.

Theo ông Toản, sau hơn 10 năm trồng loại cây đặc sản sầu riêng, đây là năm loại cây này giúp gia đình ông Toản trúng đậm nhất. Trước đó, có năm ông thua lỗ vì giá rẻ. Năm nào có lãi cũng chỉ vài trăm triệu, hoặc trên dưới 1 tỷ đồng.

Ông Hàn Ngọc Cẩn - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ thương mại Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, hợp tác xã có 84 thành viên tham gia, diện tích 120 ha, sản lượng sầu riêng năm nay đạt khoảng 2.000 tấn, bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha. Ngay đầu vụ dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, thu về hàng tỷ đồng trừ chi phí khiến bà con rất phấn khởi.

Tại nhiều nơi như huyện Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ, huyện Cư Mga, Krông Năng… những nơi được xem là “thủ phủ sầu riêng” của tỉnh Đắk Lắk, thời điểm thu hoạch rộ sầu riêng, nườm nượp xe container, xe tải ra vào vận chuyển, thu mua sầu riêng. Các dịch vụ ăn uống, chỗ ở, cho thuê mặt bằng, cho thuê sân bãi... cũng sôi động hẳn lên, kéo theo nguồn thu nhập tăng thêm cho nhiều hộ dân.

Thời điểm cuối vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, ở Đắk Lắk có hàng ngàn hộ dân trúng đậm từ sầu riêng, trong đó có không ít hộ dân là đồng bào dân tộc tôn giáo (DTTS). Tổng kết lại mùa thu hoạch, nhiều hộ “đút túi" tiền tỷ. Số hộ thu trên 5 tỷ đồng không chỉ đếm trên đầu ngón tay như ngày trước. Tiềm năng, lợi thế riêng biệt ở đây đang được bà con khai thác rất hiệu quả, để hướng tới phát triển ngành hàng sầu riêng thành một trong những nông sản chủ lực của địa phương này.

Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 28.625,2 ha sầu riêng, trong đó, diện tích cho thu hoạch hơn 10.000 ha. Sản lượng sầu riêng năm 2023 ước đạt 200.000 tấn, giá trị từ loại trái cây này ước đạt trên 15.000 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, liên tiếp sau mùa sầu riêng, bà con lại hưởng trọn niềm vui khó tả khi cà phê được mùa, được giá.

Niềm vui nhân đôi

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hàng chục năm nay, niên vụ 2023 - 2024 cũng được xem là mùa vụ mà nông dân ở “thủ phủ” cà phê này có niềm vui trọn vẹn nhất khi sản phẩm làm ra vừa được mùa, vừa được giá. Niềm vui ấy sẽ giúp bà con có điều kiện mua sắm, chuẩn bị đón cái tết đủ đầy, là động lực để người nông dân nâng cao chất lượng cà phê từ khâu chọn giống, chăm sóc và thu hoạch, chế biến…

Gia đình anh Y Yuin Niê ở buôn Đing, xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M'Gar trồng hơn 1 ha cà phê. Thu nhập chính của gia đình từ vườn cà phê. Trước đây nhiều năm, thu nhập của gia đình bấp bênh, có khi được mùa - mất giá. Năm nay, giá cà phê tăng cao, gia đình anh rất vui. Anh Y Yuin Niê chia sẻ, chưa bao giờ được thu hoạch, bán cà phê cao gấp 1,5 lần so với những năm trước. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng, để có tiền trang trải cuộc sống và tiếp tục đầu tư vào vườn cà phê.

Gia đình chị Trần Thị Thảo ở xã Ea Tóh, huyện Krông Năng năm nay cũng được mùa, được giá cà phê. Với 1 ha cà phê, gia đình chị dự kiến thu được 4 - 5 tấn cà phê nhân. Theo chị Thảo, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, cây cà phê được chăm sóc tốt, với giá cả như hiện nay, bà con nông dân rất vui, sẽ yên tâm gắn bó với cây cà phê, có điều kiện để tái đầu tư cho vụ sau.

Thu hái, tuyển chọn sầu riêng trước khi xuất khẩu tại Cần Thơ. Ảnh: TL

Ông Lê Tấn Dũng - Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (huyện Krông Pắc) cho hay, đơn vị có trên 300 ha cà phê. Năm nay bà con rất vui vì giá sầu riêng, cà phê đều tăng cao. Mặc dù diện tích cà phê của HTX thu hoạch muộn hơn những vùng khác vì trồng giống chín muộn (khoảng cuối tháng 12 dương lịch mới chín rộ), nhưng năng suất ước đạt cao, từ 4,5 - 5 tấn/ha (tăng từ 10 - 20% so với vụ trước). Ước tính, với sản lượng tăng, giá bán cao, bình quân mỗi hộ thu về 200 - 300 triệu đồng lợi nhuận từ cà phê.

Niên vụ cà phê năm 2023, người trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng được chứng kiến và đón nhận mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay. Giá cà phê nhân xô bình quân trên địa bàn tỉnh được thu mua dao động ở mức cao, từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 của Đắk Lắk có thể đạt từ 570.000 - 585.000 tấn, tăng từ 5 - 7% so với niên vụ trước.

Niềm vui của bà con còn được nhân lên, khi mà sau đại dịch Covid-19, cùng nhiều địa phương khác, tỉnh Đắk Lắk cũng có số lượng lớn người dân làm việc ở các tỉnh, thành phố phía Nam về sinh sống, ở lại địa phương. Năm nay, giá nhân công thu hái cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk dao động khoảng 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày, cao hơn các năm trước. Do vậy, năm nay người trồng có thu nhập cao từ tiền bán cà phê, người hái cũng có việc làm để có thu nhập ổn định cuộc sống với cao điểm 300 nghìn đồng/công.

Tết đến – xuân về, hàng vạn hộ dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk không gì vui hơn, hạnh phúc hơn khi công sức lao động của chính mình được bù đắp xứng đáng, thành quả lao động được đón nhận bằng một mùa sầu riêng “ngọt”, vụ cà phê có niềm vui nhân đôi, được mùa, được giá, công thu hái cao để tăng thu nhập, cùng nhau đón nhận một cái Tết đủ đầy, ấm no./.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/loc-xuan-o-thu-phu-sau-rieng-ca-phe-144525.html