Loay hoay xử lý nước thải đô thị

Là đô thị đông dân nhất nước, cùng hệ thống sông ngòi dày đặc, TPHCM đang chịu sức ép lớn về công tác thu gom, xử lý nước thải đô thị.

Chậm triển khai dự án, nhiều kênh rạch tại TPHCM vẫn ô nhiễm. Ảnh: Hồng Phúc.

Chậm triển khai dự án, nhiều kênh rạch tại TPHCM vẫn ô nhiễm. Ảnh: Hồng Phúc.

Trong số các dự án xử lý nước thải ở khu vực dân cư của TPHCM, dự án Trạm xử lý nước thải thuộc dự án khu tái định cư 38ha (khu 38ha) đang được UBND quận 12 (TPHCM) lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Ông Đậu An Phúc - Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, địa phương đã tổ chức các buổi đối thoại với hàng trăm hộ dân tại phường Tân Thới Nhất (quận 12) để thông tin và lấy ý kiến về chủ trương xây trạm xử lý nước thải.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến về dự án, nhiều người dân còn lo ngại dự án có thể gây ô nhiễm môi trường các khu vực dân cư xung quanh. Người dân quận 12 kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM (Đơn vị 4) vào cuộc giám sát, xem xét tính khả thi của các hạng mục của trạm xử lý nước thải nói trên, không để ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Không chỉ riêng địa bàn quận 12, nhiều năm qua hàng trăm hộ dân sống trên địa bàn quận Gò Vấp phản ánh, về tình trạng phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nhiều năm qua do chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đại chuẩn. Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát đã triển khai giai đoạn 1, với công suất dự kiến 131.000m3, mục tiêu xử lý nước thải cho lưu vực hơn 2.050ha, gồm quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và quận 12, là khu vực sinh sống của khoảng 700.000 dân. Thế nhưng, dự án dù đã vận hành giai đoạn 1 nhưng hiện nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng để tránh hư hỏng thiết bị với lượng nước xử lý mỗi ngày chỉ đạt khoảng 10% công suất.

Hiện TPHCM đang có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung và 4 trạm xử lý nước thải của khu dân cư, với tổng công suất thiết kế khoảng 644.200 m3/ngày và khả năng xử lý khoảng hơn 40% theo nhu cầu xử lý nước thải của thành phố. Dù TPHCM đang tiếp tục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè, với công suất 480.000m3/ngày, nhằm nâng khả năng xử lý nước thải của thành phố đạt khoảng 71,3% theo nhu cầu vào năm 2025. Tuy nhiên, với sức ép ngày càng lớn của một “siêu đô thị”, dự kiến TPHCM còn phải cần hơn 31.600 tỷ đồng để triển khai các Nhà máy xử lý nước thải.

Được biết, Sở Xây dựng TPHCM cũng đã đề xuất UBND thành phố huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới 6 nhà máy và nâng công suất 1 nhà máy xử lý nước thải, với tổng mức đầu tư lên đến 31.650 tỷ đồng, chưa bao gồm hệ thống thu gom, chuyển tải nước thải và trạm bơm chuyển tiếp tại một số lưu vực.

Vấn đề nan giải hiện nay là nguồn vốn thực hiện các dự án. Theo quy hoạch, Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khu vực Tây TPHCM dự kiến lựa chọn xây dựng tại phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), với tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 10.360 tỷ đồng. Các dự án cây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 2, tại phường An Phú Đông, quận 12) và với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng (chưa bao gồm hệ thống thu gom, chuyển tải nước thải, trạm bơm chuyển tiếp) và kế hoạch xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Nam Sài Gòn tại Xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, đều dự kiến mức vốn đầu tư từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng. TP Thủ Đức cũng dự kiến xây dựng 2 “siêu dự án” nước thải, trên 10.000 tỷ đồng.

Như vậy, nguồn vốn đầu tư vẫn là nút thắt trong việc xử lý nước thải tại TPHCM.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/loay-hoay-xu-ly-nuoc-thai-do-thi-10279558.html