Loay hoay với tiêu chí nông thôn mới nâng cao số 13

Các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao đang gặp khó với tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí số 13).

Các địa phương đang chờ hướng dẫn của ngành nông nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung được cấp mã vùng trồng. Trong ảnh: Xã Thúc Kháng (Bình Giang) xây dựng vùng lúa nếp thuần, bảo đảm chất lượng

Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí số 13) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao là một tiêu chí khó. Không chỉ khó khăn trong thực hiện mà việc duy trì các chỉ tiêu sao cho hiệu quả, có chiều sâu cũng là "bài toán" không đơn giản. Nhiều xã đặt mục tiêu về đích NTM nâng cao trong năm nay đang loay hoay thực hiện tiêu chí này.

Khó khăn

Năm 2022, Đại Hợp là một trong 6 xã của huyện Tứ Kỳ phấn đấu về đích NTM nâng cao. Từ đầu năm, xã đã chủ động xây dựng NTM nâng cao dựa trên cơ sở những tiêu chí cũ. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, xã Đại Hợp đã hoàn thiện cơ sở vật chất, có nhiều giải pháp nâng thu nhập bình quân của người dân lên mức 61,8 triệu đồng/năm.

Cuối tháng 9.2022, tỉnh ban hành Bộ tiêu chí về xã xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Qua rà soát, Đại Hợp mới đạt 16 trong tổng số 19 tiêu chí. Khó khăn nhất của địa phương là thực hiện tiêu chí số 13. Ông Nguyễn Đình Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp chia sẻ: “Mặc dù có nhiều mô hình phát triển kinh tế nhưng Đại Hợp lại không có sản phẩm đặc trưng. Tiêu chí số 13 có 8 chỉ tiêu nhỏ thì có tới 4 chỉ tiêu địa phương chưa đạt. Khó khăn nhất là xây dựng sản phẩm OCOP và vùng nguyên liệu được cấp mã vùng trồng".

Xã Thúc Kháng (Bình Giang) có nhiều thuận lợi khi thực hiện tiêu chí số 13. Xã có làng nghề chế tác vàng bạc truyền thống và sản phẩm OCOP đã được công nhận từ năm 2019... Tuy nhiên, địa phương vẫn vướng trong xây dựng vùng nguyên liệu được cấp mã vùng trồng. Xã đang quy hoạch vùng lúa nếp rộng hơn 100ha thành vùng nông sản chủ lực. Tuy nhiên, để đủ điều kiện cấp mã vùng trồng, địa phương vẫn phải rà soát, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia sản xuất, xây dựng vùng lúa nếp thuần bảo đảm chất lượng.

Năm 2022, huyện Bình Giang có 2 xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao gồm Hồng Khê và Thúc Kháng. Cả 2 địa phương này đều đang vướng trong thực hiện tiêu chí số 13. Theo ông Vũ Quang Thái, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, việc thực hiện chỉ tiêu có sản phẩm OCOP được xếp hạng hoặc tương đương còn thời hạn và vùng nguyên liệu tập trung chủ lực được cấp mã vùng trồng rất khó thực hiện. Hiện cây trồng chủ lực của huyện vẫn là cây lúa, giá trị tương đối thấp. Việc cấp mã cho các vùng trồng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương đều loay hoay khi thực hiện.

Vẫn quyết tâm cao

Với nhiều khó khăn, vướng mắc, xã Đại Hợp xác định khó về đích NTM nâng cao đúng hạn. Dù vậy, địa phương vẫn quyết tâm cao để thực hiện tiêu chí số 13. Bởi đây là tiêu chí mang tính thúc đẩy các tiêu chí khác. Có nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả nên địa phương dự kiến xây dựng cơ sở nuôi chim bồ câu hoặc thỏ thương phẩm thành sản phẩm OCOP. Hội Nông dân được giao nghiên cứu, xây dựng vùng sản xuất rau màu tập trung của xã thành vùng nguyên liệu chủ lực. 2 chỉ tiêu quan trọng này sẽ là tiền đề để hoàn thiện các chỉ tiêu khác.

Ở Bình Giang, cùng với Thúc Kháng, xã Hồng Khê cũng quyết tâm về đích trong năm nay. Mặc dù chưa đạt tiêu chí số 13 nhưng những năm qua địa phương đã thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nâng cao giá trị sản xuất và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ông Vũ Đình Đắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hồng Khê cho biết ngay sau khi có Bộ tiêu chí mới, HTX được giao thực hiện tiêu chí số 13. Hiện xã đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng sản phẩm gạo bắc thơm số 7 thành sản phẩm OCOP, đồng thời duy trì sản xuất ở vùng lúa chất lượng cao rộng hơn 100 ha thành vùng nguyên liệu chủ lực được cấp mã vùng trồng.

Bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao cũ chỉ có 2 yêu cầu gồm: địa phương có ít nhất 1 HTX hoạt động hiệu quả, có ít nhất 1 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, an toàn… hoặc ứng dụng công nghệ cao được cấp chứng nhận VietGAP hoặc an toàn thực phẩm và thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị thì Bộ tiêu chí mới tăng thêm 8 chỉ tiêu mới. Một số chỉ tiêu mới như có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương; mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã; sản phẩm chủ lực được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử; vùng nguyên liệu tập trung được cấp mã vùng trồng; triển khai hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng mạng xã hội; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị. Đây đều là các yêu cầu mới, khó thực hiện. Những chỉ tiêu này giải quyết những yêu cầu thực tiễn, đưa khâu tổ chức sản xuất bắt nhịp với xu thế phát triển kinh tế hiện đại.

Nuôi thỏ thương phẩm đang là một trong những định hướng của xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) để xây dựng sản phẩm OCOP

Năm 2022, có 16 xã của 12 huyện, thành phố và thị xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao. Hiện các xã này đang tiến hành rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu theo bộ tiêu chí mới. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, hầu hết các xã đều gặp những khó khăn, vướng mắc do số lượng chỉ tiêu tăng và yêu cầu cao. Riêng với tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, không chỉ khó khăn trong thực hiện mà việc duy trì các chỉ tiêu sao cho hiệu quả, có chiều sâu cũng là "bài toán" khó.Thời gian từ nay tới cuối năm không còn nhiều, do vậy các xã phải có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, bảo đảm tính bền vững của tiêu chí. Các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị… Định hướng này sẽ góp phần giúp các xã dần tháo gỡ khó khăn, từng bước đạt các chỉ tiêu trong tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xay-dung-nong-thon-moi/loay-hoay-voi-tieu-chi-nong-thon-moi-nang-cao-so-13-217974