Loay hoay tìm tiêm kích thay thế F-35, Thổ Nhĩ Kỳ mua đâu cũng khó

Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm nhiều lựa chọn thay thế tiêm kích F-35, song lựa chọn nào cũng gặp khó, dù là phát triển máy bay nội địa hay mua từ Nga, Trung Quốc.

Theo trang Asia Times, Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét các lựa chọn thay thế tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 do Mỹ sản xuất sau khi bị Washington áp trừng phạt và loại khỏi chương trình phát triển dòng tiêm kích hiện đại này.

Phát triển tiêm kích bản địa

Thổ Nhĩ Kỳ trước đó thông báo kế hoạch mua 100 chiếc F-35, nhưng đã bị Mỹ loại khỏi chương trình phát triển F-35 năm 2019 sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 từ Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ sau đó quay sang Nga sau khi không đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc mua hệ thống tên lửa Patriot.

Tiêm kích F-16 đã được trang bị vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP / Andalou Agency

Tiêm kích F-16 đã được trang bị vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP / Andalou Agency

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hệ thống S-400 không gây rủi ro cho F-35 nhưng giới chức Mỹ cảnh báo rằng việc vận hành S-400 gần F-35 có thể cho phép lực lượng tình báo Nga tìm hiểu về khả năng của dòng tiêm kích hiện đại này, giúp Nga và các nhà vận hành S-400 phát triển các biện pháp đối phó tiêm kích Mỹ.

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đề nghị Mỹ cung cấp 40 tiêm kích F-16 và 80 bộ thiết bị để hiện đại hóa loại máy bay này. Nếu Mỹ chọn đồng ý đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ thì động thái này có thể khôi phục mối quan hệ rạn nứt giữa hai nước. Tuy nhiên, Mỹ đã tỏ ra e dè trong việc đồng ý đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động chương trình phát triển một máy bay chiến đấu bản địa với kế hoạch đến năm 2025 sẽ sản xuất máy bay này và đến năm 2029 sẽ đưa vào triển khai. Chương trình máy tiêm kích TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ khởi động năm 2016, nhằm thay thế phi đội F-16 cũ kỹ của nước này.

TF-X được hình dung là một máy bay đa năng hai động cơ, tập trung vào khả năng không đối không, nhưng cũng sẽ có vai trò không đối đất.

TF-X sẽ có cả công nghệ của Mỹ lẫn của Nga. Dự kiến máy bay sẽ được trang bị động cơ phản lực General Electric F110 đã được cấp phép sản xuất. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lựa chọn này khá mong manh vì Quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ chặn việc chuyển giao công nghệ động cơ phản lực cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm sang Nga như một nguồn thay thế công nghệ máy bay chiến đấu quan trọng, chẳng hạn như động cơ phản lực, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống đẩy, radar, cảm biến, ghế phóng và hệ thống liên kết dữ liệu.

Cùng với việc phát triển máy bay chiến đấu cho riêng nước này, Thổ Nhĩ Kỳ đang sản xuất máy bay huấn luyện chiến đấu hạng nhẹ. Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này đang bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay huấn luyện siêu thanh hạng nhẹ TAI Hürjet.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cung cấp loại máy bay huấn luyện này cho chương trình máy bay chiến đấu hạng nhẹ của Malaysia.

Các lựa chọn thay thế từ Nga, Trung Quốc

Một lựa chọn khác mà Thổ Nhĩ Kỳ nhắm đến là mua các máy bay chiến đấu của Nga.

Sau khi Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, Ankara đã tính đường mua tiêm kích Su-35 và khả năng là mua tiêm kích tàng hình Su-57 phiên bản mới hơn từ Nga.

Tiêm kích Su-35 của Nga. Ảnh: WikiCommons

Tiêm kích Su-35 của Nga. Ảnh: WikiCommons

Đáp lại, Nga tuyên bố sẵn sàng bán tiêm kích Su-35 nếu Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua loại máy bay này.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt với những lo ngại về khả năng tương tác và chi phí nếu quyết định mua các tiêm kích của Nga. Lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ được phát triển trên cơ sở tiêm kích F-16 và nếu chuyển sang một loại máy bay khác thì đòi hỏi sẽ phải thay thế toàn bộ chương trình huấn luyện, chuỗi cung ứng và hậu cần cũng như cả chế độ bảo trì.

Thêm vào đó, viễn cảnh hứng lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn của Mỹ, làm phật lòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng với tình trạng tồi tệ của nền kinh tế có thể ngăn Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các kế hoạch như vậy. Chưa kể chi phí cho sự thay đổi lớn này có thể rất cao.

Bên cạnh việc mua các tiêm kích từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng xem xét mua các máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhắm mua tiêm kích J-10C Firebird của Trung Quốc, loại máy bay mà Pakistan đã đặt hàng trước đó.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc có mối quan hệ quốc phòng đáng kể, với việc Thổ Nhĩ Kỳ phát triển tên lửa Bora của nước này dựa trên tên lửa đạn đạo B-611 của Trung Quốc.

Dù thế, việc mua máy bay chiến đấu từ Trung Quốc cũng đặt ra mối lo ngại tương tự, về khả năng tương tác, về chi phí và lệnh trừng phạt giống như với máy bay Nga, cho dù J-10C sẽ có giá thấp hơn đáng kể so với máy bay của Nga.

Nhà phân tích Paul Iddon tháng trước viết trên tạp chí Forbes rằng: “Tiêm kích J-10C là máy bay phản lực thế hệ 4.5 có thể cho là hiện đại hơn và rẻ hơn đáng kể so với chiếc Su-35 của Nga vì nó có radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA)”.

“Su-35 vẫn sẽ dựa vào radar quét mảng pha điện tử thụ động (PESA) kém hiện đại hơn. J-10C cũng tương thích với tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn PL-15 của Trung Quốc” – ông Paul nói tiếp.

Sự liên kết của Trung Quốc

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay Trung Quốc thì sẽ khiến nước này càng lấn sâu hơn vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Xem xét mối quan hệ chính trị và quân sự đang rạn nứt của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, Trung Quốc đã sẵn sàng xác định nước này là một đối tác thay thế xét về các lợi ích địa chính trị của nước này.

Tiêm kích J-10C của Trung Quốc có thể là một lựa chọn dành cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: WIKIPEDIA

Tiêm kích J-10C của Trung Quốc có thể là một lựa chọn dành cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: WIKIPEDIA

Theo Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc, sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc bao phủ trong nhiều lĩnh vực, từ giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông cho tới tình báo và chiến tranh mạng.

Cũng giống như việc tiền Trung Quốc giúp củng cố nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thì việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tiêm kích J-10C của Trung Quốc có thể cung cấp một lựa chọn thay thế cho tiêm kích nội địa hoặc tiêm kích Nga. J-10C của Trung Quốc còn có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ quốc phòng vốn đã bền chặt giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Pakistan.

Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng bốn tàu hộ vệ MILGEM cho Pakistan và đã hiện đại hóa tàu ngầm Agosta 90B của Pakistan.

Những chiếc J-10C có thể tạo điều kiện cho các chương trình huấn luyện và hiện đại hóa hơn nữa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.

Với việc thận trọng xem xét các lựa chọn máy bay chiến đấu giữa các bên cạnh tranh và phát triển chương trình tiêm kích của riêng mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy nước này muốn đóng vai trò độc lập trong các vấn đề chiến lược.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/quan-su/loay-hoay-tim-tiem-kich-thay-the-f35-tho-nhi-ky-mua-dau-cung-kho-1044295.html