Loay hoay phát triển quà tặng du lịch

Ở các nước phát triển, quà lưu niệm du lịch không những mang lại nguồn lợi nhuận mà còn góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, điểm đến... Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường này dường như bị bỏ ngỏ, bởi thiếu đầu ra cho sản phẩm

Chưa tận dụng hết tiềm năng

Du khách mỗi khi đến thăm quan Văn Miếu đều ngạc nhiên khi tiếp cận sản phẩm lưu niệm là những bức tranh miêu tả Khuê Văn Các được làm bằng những hạt gạo. Tương tự, di tích Nhà tù Hỏa Lò cho ra mắt những sản phẩm độc đáo đó là những chiếc lá bàng sấy khô khắc hình di tích, bài thơ của chiến sĩ cách mạng; bát ăn cơm bằng vỏ dừa... Những món quà lưu niệm này đã để lại dấu ấn khó quên về lịch sử cách mạng Thủ đô.

Tuy nhiên, Văn Miếu và Nhà tù Hỏa Lò chỉ là những đại diện ít ỏi trong việc đưa ra sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch có sự đầu tư nghiêm túc, tâm huyết. Thực tế cho thấy, phần lớn các điểm tham quan trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tình trạng thiếu vắng sản phẩm lưu niệm có tính đặc trưng, độc đáo, đủ sức níu chân du khách.

Người tiêu dùng và du khách tiếp cận sản phẩm quà tặng du lịch tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023. Ảnh: Hoài Nam

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng chia sẻ, Hà Nội được biết đến là vùng đất trăm nghề với 1.350 làng nghề và có nghề nhưng hiện nay các sản phẩm quà lưu niệm vẫn na ná nhau, không có điểm nhấn. “Ở đâu người ta cũng thấy những áo phông, cốc chén, nón lá, đồ trang sức, móc khóa, bưu thiếp... với hình ảnh cô gái mặc áo dài, xích lô, gánh hàng rong hay các hoa văn, họa tiết thổ cẩm. Có vẻ khả dĩ hơn là các sản phẩm gốm, sứ, nhiều du khách dù rất thích vẫn đành “bỏ cuộc” vì kích thước quá lớn và nặng”- ông Thắng thông tin.

Thực tế dù nhu cầu mua đồ lưu niệm khi đến Hà Nội của du khách rất lớn, nhưng các làng nghề chủ yếu sản xuất phục vụ xuất khẩu chưa chú trọng khai thác thị trường ngách trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.

Người tiêu dùng tham quan mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất bằng nghệ thuật móc len, vải của cơ sở “ULan handmade” . Ảnh: Hoài Nam

Theo Giám đốc Công ty CP thương mại và du lịch Ngọc Châu Á Tiến Thành Định, nhiều năm qua, các công ty du lịch không có nhiều lựa chọn khi tìm mua quà tặng cho khách nước ngoài. Nguyên nhân là bởi các làng nghề, điểm đến vẫn loay hoay trong phát triển sản phẩm quà tặng do chưa có định hướng về nhận diện thương hiệu nên khó tạo được chú ý cho du khách.

Đồng tình với phản ánh này, Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề - Làng cổ - Làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) Nguyễn Văn Sử thừa nhận, mặc dù các làng nghề đã có sự liên kết với những điểm đến du lịch trên địa bàn Hà Nội để giới thiệu và bán sản phẩm cho khách du lịch nhưng sức tiêu thụ rất thấp. Đồng thời phải đối mặt trước sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc bầy bán trên thị trường. “Ngay cả làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) nhiều gia đình có truyền thống dệt lụa cũng phải bỏ nghề vì không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc bày bán tại khu vực phố cổ”-ông Sử nêu ví dụ.

Cách nào để phát triển bền vững?

Lý giải lý do khiến sức tiêu thụ sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của làng nghề không được như mong muốn, các chuyên gia du lịch có chung ý kiến, hệ thống cơ sở, cửa hàng bán các sản phẩm du lịch còn rất thiếu. Một số cơ sở tư nhân phát triển tự phát tại các điểm du lịch thì đặt nặng tính thương mại, chất lượng sản phẩm thấp, vẫn tồn tại tình trạng hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó các cơ sở sản xuất địa phương lại không đủ vốn và năng lực để đầu tư cửa hàng trưng bày đón khách trực tiếp đến trải nghiệm sản xuất, mua sản phẩm.

Các em nhỏ tiếp cận sản phẩm tò he của làng nghề Xuân La (xã Phượng Dực- huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hoài Nam

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị sự kiện (Đại học KHXH&NV) TS Trịnh Lê Anh cho rằng, để các món quà tặng Hà Nội lưu giữ trong tâm trí du khách thì nhà sản xuất phải có những câu chuyện văn hóa gắn với sản phẩm. Từ đó, chạm vào cảm xúc của du khách, kích thích nhu cầu mua sắm của khách. Ngoài ra, các làng nghề, nghệ nhân cần tổ chức “không gian sáng tạo” để du khách trải nghiệm sản xuất sản phẩm tại chỗ.

Để sản phẩm quà tặng từ các làng nghề, điểm du lịch đến được tay du khách, tới đây, Sở Du lịch tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tuyên truyền cho các làng nghề để các sản phẩm truyền tải được thông điệp văn hóa, lịch sử. Đồng thời đáp ứng số lượng, bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã, thân thiện với môi trường, giá cả hợp lý, có tính ứng dụng cao - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang

Chia sẻ từ thực tế của làng cổ Đường Lâm về xây dựng và phát triển quà tặng cho du khách, Trưởng Ban quản lý làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đường Thạo cho biết, mặc dù là điểm đến thu hút khách quốc tế, nhưng sức tiêu thụ sản phẩm lưu niệm rất hạn chế, nhất là những đặc sản bánh kẹo.

Để khắc phục yếu điểm này, trong thời gian qua, Đường Lâm đã phối hợp với một số nghệ nhân, tạo các lớp trải nghiệm mỹ thuật truyền thống như nghệ thuật sơn mài, làm gốm… Tạo điều kiện cho du khách trực tiếp tham gia trải nghiệm vẽ mỹ thuật trên ngói cổ, cánh cửa cũ... và mang những sản phẩm đó về làm kỷ niệm.

Người tiêu dùng tham quan mua sắm sản phẩm gốm Bát Tràng tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam.

Hiến kế để sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của Hà Nội phát triển, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) Lê Bá Ngọc đề xuất, Hà Nội muốn phát triển lĩnh vực quà tặng du lịch thì phải xác định được sản phẩm nào bán cho đối tượng nào để có sản phẩm phù hợp mang thông điệp của Hà Nội. Bên cạnh việc xây dựng kênh tiêu thụ trực tiếp tại các tuyến phố trung tâm, làng nghề nên tận dụng thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, địa chỉ sản xuất tới du khách quốc tế.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/loay-hoay-phat-trien-qua-tang-du-lich.html