Loay hoay mở trường, mở lớp đón 'trâu vàng' vào lớp 10

Năm 2024, Nghệ An tăng hơn 7.000 học sinh thi tuyển vào lớp 10. Câu chuyện thiếu trường, lớp được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua nhưng chưa có một giải pháp để 'trị' dứt điểm.

Áp lực học sinh tăng

Năm học 2024, Nghệ An tăng hơn 7.000 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10, đặc biệt là tại TP. Vinh, khi địa phương này chỉ có 3 trường THPT công lập. Các phương án mở trường, tăng lớp đang gặp vướng mắc, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến tăng chỉ tiêu lớp 10 để giảm áp lực tuyển sinh trường công.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP. Vinh dự kiến "căng" hơn kỳ thi tuyển sinh vào đại học.

Theo số liệu thống kê từ Sở GD&ĐT Nghệ An, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, số học sinh lớp 9 trên toàn tỉnh tăng 7.226 em. Trong đó, nhiều địa phương số lượng học sinh tăng vượt bậc như thành phố Vinh 796 em, Yên Thành 722 em, Quỳnh Lưu 673 em, Diễn Châu 737 em, Thanh Chương 610 em, Nghi Lộc 585 em. Các địa phương còn lại, số học sinh cũng tăng từ 150 – hơn 300 em.

Số liệu trên cho thấy, mức tăng học sinh của các địa phương tương đương với chỉ tiêu tuyển sinh của một trường THPT công lập.

Việc tăng thí sinh một cách đột biến sẽ khiến việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập gặp nhiều khó khăn. Trong đó "nóng" nhất là TP. Vinh, hiện trên địa bàn thành phố chỉ có 3 trường công lập là Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT Lê Viết Thuật, với chỉ tiêu trung bình mỗi năm là 630 học sinh (14 lớp). Ngoài ra, có hơn 400 học sinh sẽ có cơ hội đậu vào trường chuyên.

Học sinh Nghệ An thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023.

Với tổng số 6.218 thí sinh dự thi lớp 10 trong năm nay tại TP. Vinh, trong khi chỉ tiêu công lập chưa đến 2.500 học sinh, dự kiến tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 công lập chưa đến 50%.

Loay hoay tìm phương án mở trường mở lớp

Tại cuộc gặp gỡ các cơ quan báo chí vào chiều 29/1 vừa qua, Sở GD&ĐT Nghệ An nhận được nhiều chất vấn của các cơ quan thông tấn báo chí về việc mở thêm lớp hoặc thành lập thêm trường THPT công lập để giảm áp lực vào lớp 10 cho học sinh trên địa bàn TP.Vinh.

Thông tin về vấn đề này, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, việc mở thêm, thành lập mới trường công lập hiện không triển khai được. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", phương án khả thi được đưa ra là sáp nhập hoặc lập cơ sở mới của các trường công lập hiện có.

Năm 2024, Nghệ An tăng hơn 7.000 học sinh lớp 9, tạo áp lực tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho các trường công.

Để giải tỏa áp lực tuyển sinh lớp 10, cũng như đảm bảo quyền lợi cho học sinh trên địa bàn TP. Vinh, Sở GD&ĐT xin chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An đồng ý mở phân hiệu 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đặt tại xã Nghi Ân, TP. Vinh. Phân hiệu 2 dự kiến sẽ tuyển sinh 6 lớp, dành cho học sinh vùng ven đô như xã Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Phú, Nghi Liên…

Về phía chính quyền xã Nghi Ân rất ủng hộ chủ trương này và dành quỹ đất cho giáo dục. Đến nay, việc giải phóng mặt bằng cơ bản đảm bảo để mở phân hiệu 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Một phương án khác được đề xuất với UBND TP. Vinh là chuyển Trường THCS Đặng Thai Mai thành trường liên cấp THCS và THPT Đặng Thai Mai. Theo đó, Dự án Trường THPT chuyên Phan Bội Châu mới đang trong giai đoạn khẩn trương xây dựng. Sau khi hoàn thành, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu sẽ chuyển sang cơ sở vật chất mới tại xã Nghi Ân và dành cơ sở vật chất cũ cho Trường THCS Đặng Thai Mai (phường Hưng Phúc).

Vướng mắc lớn nhất hiện nay là công tác bố trí kinh phí, ngân sách xây dựng trường.

Trường THCS Đặng Thai Mai đang triển khai mô hình tiên tiến, đây là tiền đề thuận lợi để chuyển thành mô hình trường liên cấp đảm bảo sự thống nhất trong chương trình giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó cũng góp phần giảm áp lực trường lớp cho cấp THPT của TP. Vinh. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang phải chờ ý kiến của chính quyền thành phố.

Nói như một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị thì, tốc độ đầu tư cho giáo dục đã không chạy kịp tốc độ phát triển "chóng mặt" của nhà cao tầng và gia tăng dân số. Bởi trên thực tế, những gì mang lại lợi nhuận rõ nhất là xây nhà để bán, còn trường học, và những thiết chế đi kèm thường chỉ là những "chiếc bánh vẽ".

Giải pháp nào?

Với những khó khăn trên, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, trước thực trạng sĩ số học sinh tăng cao, tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng cách tăng sĩ số học sinh/lớp. Hiện Bộ GD&ĐT cũng chỉ quy định về số lớp tối đa/trường THPT công lập chứ không khống chế sĩ số/lớp. Đây là giải pháp khả thi để giảm áp lực tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Đồng thời ngành sẽ tiếp tục tham mưu, kiến nghị để thực hiện các phương án mở thêm phân hiệu trường THPT công lập trên địa bàn TP. Vinh.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loay-hoay-mo-truong-mo-lop-don-trau-vang-vao-lop-10-16924020109024865.htm