Loay hoay giữ mảng xanh đô thị

Hài hòa lợi ích giữa phát triển hạ tầng đô thị và giữ gìn những mảng cây xanh luôn là một bài toán khó khiến TPHCM vẫn loay hoay.

Một cây xanh lâu năm vừa bị đốn hạ để mở rộng đường vào sân bay. Ảnh: Đoàn Xá.

Nhiều cây xanh bị đốn hạ

Người dân TPHCM hiện rất quan tâm tới thông tin quá trình thi công dự án tuyến đường sắt metro số 2 Bến Thành - Tham Lương sẽ phải đốn hạ, di dời hơn 400 cây xanh ở nhiều tuyến đường trung tâm thành phố. Cùng với nhiều dự án hạ tầng đô thị khác, các cây xanh, cây cổ thụ lâu năm ở TPHCM cứ dần dần bị đốn hạ, di dời. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, giao thông của người dân khi mất đi “mảng xanh” tự nhiên vô cùng quan trọng, đặc biệt là giai đoạn nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, hàng trăm cây xanh có tuổi đời lâu năm đã bị đốn hạ, di dời để nhường chỗ cho việc mở rộng, xây mới các công trình hạ tầng đô thị. Có thể kể đến những hàng cây cổ thụ ở đường Tôn Đức Thắng, Cộng Hòa, Trường Chinh… ra đi trong sự tiếc nuối của nhiều người. Vẫn biết ưu tiên của TPHCM là các dự án này nhằm phục vụ nhu cầu người dân, phát triển kinh tế - xã hội nhưng làm sao có thể giữ lại càng nhiều càng tốt các mảng xanh tự nhiên này là vô cùng cần thiết.

Còn nhớ một năm trước, TPHCM đã loay hoay tìm phương án tạo bóng mát ở hai bên lề đường Lê Lợi (Quận 1) sau khi mở rộng. Nếu trồng cây xanh thì sẽ phải mất nhiều năm trong khi nhu cầu bóng mát lại hiện hữu hàng ngày. Vì vậy, có một số ý kiến cho rằng lắp mái che để tạo bóng mát cho người đi bộ dù gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Nói vậy để thấy được tầm quan trọng của hệ thống cây xanh ven đường là rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh TPHCM đẩy mạnh thu hút, giữ chân khách du lịch thập phương. Bởi nếu những con đường được mở rộng nhưng không có hàng cây ven đường thì những khách du lịch đi bộ sẽ gặp khó khăn, bất lợi. Tất nhiên, việc cân bằng lợi ích và làm hài hòa cả hạ tầng đô thị lẫn cây xanh là vấn đề nan giải, không thể một sớm một chiều.

Thực tế, những công trình đang và chuẩn bị thi công như tuyến metro số 2, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý… đã chấp nhận đốn hạ rất nhiều cây xanh. Đây là điều không thể tránh khỏi vì tầm quan trọng của những công trình nêu trên và các cây xanh hầu hết đều nằm trong phạm vi dự án, không có phương án nào khác.

Ít ngày trước, khi giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Hoàng Hoa Thám nối vào sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), nhiều cây xanh cổ thụ có gốc lớn tới 2-3 người ôm đã bị đốn hạ khiến nhiều người dân tiếc nuối. Đây là một tuyến đường nhỏ, có nhiều trường học và những hàng cây là nơi tạo bóng mát cho người dân, học sinh ở khu vực nhiều năm qua. Vẫn biết cuối năm 2024 sẽ có tuyến đường mới rộng lớn, khang trang nhưng mất đi hàng cây lâu năm khiến nhiều người ngậm ngùi. Ngay cả việc lập tức trồng thay thế thì cũng phải mất nhiều năm nữa mới có được những hàng cây như vậy.

Tìm cách giữ mảng xanh đô thị

Nói về việc giữ gìn mảng xanh cho đô thị, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, việc chặt cây xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan đô thị, môi trường... nhưng đây là việc buộc phải thực hiện, không có cách nào khác để xây dựng tuyến đường sắt đô thị metro số 2. Tuy nhiên, ông Cương cũng góp ý, TPHCM cần tìm cách bù đắp, có thể trồng lại những vị trí bị ảnh hưởng sau khi làm xong tuyến metro số 2 hoặc tại khu vực lân cận. Bởi hiện nay cây xanh tại thành phố đang rất thiếu nên cần phải trồng lại sau khi chặt hạ. "Khi làm công trình lớn, việc ảnh hưởng đến cây xanh là không thể tránh khỏi. Vào thời điểm tuyến metro số 2 hoàn thành cũng có thể sẽ tạo ra một cảnh quan khác đẹp hơn, tốt hơn. Vì vậy không nên e ngại ảnh hưởng về mặt cảnh quan đô thị. Sự phát triển của đô thị giống như sự phát triển của con người vậy, cần phải lớn lên, thay đổi. Sự thay đổi đó có thể đẹp hơn hoặc xấu hơn nhưng vẫn phải thay đổi chứ không có cách nào khác" - TS Võ Kim Cương chia sẻ quan điểm.

Trong khi đó, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch và kiến trúc đô thị, việc phát triển hạ tầng đô thị là quan trọng và được đặt ưu tiên hơn. Tuy nhiên, kế hoạch trồng cây xanh là rất cần thiết sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng. Thậm chí ông Sơn cho rằng, TPHCM phải trồng gấp 2 lần số cây đã đốn hạ, di dời để đảm bảo hài hòa việc phát triển và giữ mảng xanh đô thị.

Với một đô thị đang phát triển mạnh mẽ đi kèm nhiều dự án hạ tầng và môi trường khí hậu nắng nóng bất thường vài năm trở lại đây, TPHCM cần tính toán hài hòa lợi ích, phát triển với việc giữ vững các mảng xanh, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu, mỹ quan và đời sống xã hội của người dân.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/loay-hoay-giu-mang-xanh-do-thi-10278624.html