Loạt tác phẩm giúp đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trở thành 'Ông Phần nông thôn'

Nhắc tới đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, khán giả sẽ không thể quên những tác phầm điện ảnh, truyền hình khai thác chủ đề cuộc sống của người nông dân ở nông thôn.

Ngày 22/5, con gái đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ với phóng viên VTC News ông qua đời ở tuổi 76. Thông tin này khiến những khán giả yêu mến đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và những tác phẩm của ông không khỏi tiếc nuối.

Từ giáo viên dạy văn đến đạo diễn

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ra trường làm giáo viên dạy văn. Khi còn sống, đạo diễn từng chia sẻ, một lần ông tới chơi với bạn thân đang công tác tại Xưởng phim truyện, ông bị hấp dẫn bởi công việc sản xuất phim.

Nguyễn Hữu Phần đã quyết định bỏ nghề giáo viên và bước sang lĩnh vực làm phim với vai trò thư kí cho các đạo diễn Phạm Văn Khoa, Bắc Xuyến, Nguyễn Ngọc Chung, Trần Vũ.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần xuất thân là nhà giáo.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần xuất thân là nhà giáo.

Năm 1979, Nguyễn Hữu Phần cùng Khải Hưng, Đỗ Minh Tuấn, Vũ Châu trở thành sinh viên khóa 1 của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Đến năm 1992, ông cùng Lưu Trọng Ninh, Hoàng Nhuận Cầm, Phi Tiến Sơn thành lập Trung tâm Điện ảnh Trẻ dưới sự bảo trợ của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Cũng trong năm 1992, ông sản xuất phim Em còn nhớ hay em đã quên và tự đưa phim đi quảng bá khắp các tỉnh thành trên cả nước. Bộ phim lấy cảm hứng từ nội dung 11 ca khúc do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác với nội dung xoay quanh người lính Quang Sơn và niềm đam mê âm nhạc của anh.

Các nhân vật chính trong phim đều được hư cấu, chỉ mượn hình tượng Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Diễm… Phim quy tụ dàn diễn viên đình đám thời bấy giờ: Lê Công Tuấn Anh (vai Quang Sơn), Trương Ngọc Ánh (vai Diễm), Hoàng Hồng Nhị (vai Huyền My)…

Cảnh trong phim "Em còn nhớ hay em đã quên".

Cảnh trong phim "Em còn nhớ hay em đã quên".

Bộ phim thành công lớn với 4 giải Bông sen bạc và giải dành cho Nam diễn viên chính, Âm nhạc và Biên kịch.

Đến năm 1994, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được đạo diễn Khải Hưng mời về Hãng phim truyện Đài Truyền hình Việt Nam. Lẽ nào anh lại quên là bộ phim đầu tiên của chương trình Văn nghệ Chủ nhật do Hữu Phần làm đạo diễn. Năm 1996 ông tiếp tục cho ra mắt bộ phim Những mảnh đời của Huệ gây được tiếng vang lớn với khán giả.

“Ông Phần nông thôn” và những tác phẩm kinh điển về làng quê

Kể từ năm 2000, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần làm nhiều phim về đề tài nông thôn: Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình, Làng ma 10 năm sau...

Trong số những tác phẩm về đề tài nông thôn do Nguyễn Hữu Phần làm đạo diễn, nhiều bộ phim ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Đặc biệt, phim Đất và Người, Ma Làng còn đem về cho ông giải Đạo diễn xuất sắc tại Lễ trao giải Cánh diều năm 2002 và năm 2007.

Ở Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 28 (năm 2009), bộ phim Gió làng Kình được vinh danh với giải Vàng của LHP.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đặc biệt nổi tiếng với những bộ phim về chủ đề nông thôn.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đặc biệt nổi tiếng với những bộ phim về chủ đề nông thôn.

Với những bộ phim xuất sắc về đề tài nông thôn, nam đạo diễn được nhiều người yêu mến gọi bằng danh xưng “ông Phần nông thôn”.

Chia sẻ trên Dân Việt, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tiết lộ, ông lựa chọn chủ đề nông thôn để khai thác vì nó có thể giúp ông phục vụ tới một bộ phận lớn khán giả: “Ở Việt Nam, nông thôn là một trong những nơi tập trung nhiều nhất mâu thuẫn về gia đình, dòng họ, đất đai, quyền lực… Nếu tìm hiểu nó và khai thác đúng về những hiện trạng như vậy ở nông thôn, chúng ta sẽ có một dòng phim phục vụ đến gần 70% dân số ở nông thôn, đồng thời phản ảnh được tâm trạng và suy nghĩ của họ”.

Hai trong số các tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần làm về nông thôn gây ấn tượng mạnh nhất với khán giả là Ma làng, Đất và Người. Nam đạo diễn từng chia sẻ, sau khi phim Ma làng lên sóng, có một vị đại gia sống ở miền Nam đã liên lạc với đoàn phim và tặng tiền cho mọi người để liên hoan. Vị đại gia này cho biết, bộ phim đã làm sống dậy những hồi ức của ông về nhiều năm tháng lang bạt, khô sở ở các vùng quê.

Trích đoạn phim "Đất và Người".

Trong khi đó, nhiều khán giả lại chia sẻ với đạo diễn rằng họ muốn cùng con cái họ xem Đất và người để các con thêm hiểu về cuộc sống nông thôn: “Có khán giả khác tâm sự với tôi, họ muốn cùng con mình ngồi xem Đất và người để chỉ cho nó cánh đồng thế nào, con trâu ra sao… Tôi nghĩ rằng, kể cả người thành phố bây giờ hầu như cũng đều có xuất thân từ nông thôn. Cho nên, tôi muốn làm ra bộ phim đánh đúng vào tâm lý, tình cảm của họ”.

Ngoài những phim về đề tài nông thôn, nam đạo diễn cũng là “cha đẻ” của nhiều bộ phim nổi tiếng: Ngọt ngào và man trá, Ông trẻ về ăn tết, Người năm ấy của mẹ, Cảnh sát hình sự (phần 3), Về quê ăn tết, Con đường gian khó, Đen trắng…

Năm 2015, với những đóng góp cho điện ảnh nước nhà, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được trao tặng danh hiệu NSND. Ngoài làm đạo diễn ông còn là giảng viên dạy lớp đạo diễn Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia.

An nguyên

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/loat-tac-pham-giup-dao-dien-nguyen-huu-phan-tro-thanh-ong-phan-nong-thon-ar872615.html