Loạt phát minh để đời của đế chế Inca, hậu thế phải ngả mũ thán phục

Đế chế Inca đã có một số thành tựu để đời, góp phần làm thay đổi cuộc sống của con người. Trong số này, người Inca nổi tiếng với việc sáng tạo ra một mã nhị phân 7 bit để lưu trữ thông tin.

Trước khi suy tàn vào thế kỷ 16, đế chế Inca phát triển hưng thịnh với lãnh thổ trải dài trên một vùng rộng lớn gồm nhiều quốc gia của vùng Nam Mỹ hiện nay. Nền văn minh này để lại nhiều thành tựu quý giá, bao gồm những phát minh tuyệt vời. Đáng chú ý là việc người Inca phát minh ra một mã nhị phân 7 bit để lưu trữ thông tin.

Theo các nhà nghiên cứu, người Inca đã sáng tạo ra một mã nhị phân 7 bit để lưu trữ thông tin và thể hiện chúng bằng những chiếc khipu thắt nút.

Trong tiếng Quechua (ngôn ngữ chính thức của đế chế Inca), khipu có nghĩa là “nút”. Nó gồm một sợi dây chính, từ đó tỏa ra nhiều dây đối xứng nhau (có thể gắn theo các dây cấp hai hoặc cấp ba), trên có nhiều nút thắt hoặc các mấu.

Nghiên cứu của Gary Urton, giáo sư chuyên nghiên cứu thời kỳ tiền Columbus tại Đại học Harvard (Mỹ) chỉ ra mã nhị phân khipu có thể lưu giữ ít nhất 1.536 dữ liệu thông tin. Con số này là kết quả của phép tổ hợp từ 7 cách chọn lựa (như chất liệu, hướng quay, hướng thắt nút, màu sắc…) trong quá trình chế tạo khipu.

Một thành tựu để đời của đế chế Inca đó là nền văn minh cổ xưa này đã xây dựng một hệ thống đường với tổng chiều dài gần 23.000 km (hơn 1/2 chiều dài đường xích đạo).

Các con đường mòn đã được người Inca xây dựng hoàn toàn bằng sức người và dùng các công cụ thô sơ. Với trí tuệ phi thường và đôi bàn tay tài hoa, người Inca đã tạo ra hệ thống đường sá khổng lồ giúp việc đi lại giữa các vùng, hoạt động giao thương, buôn bán... trở nên thuận lợi.

UNESCO đã công nhận Đường mòn của người Inca ở Bolivia, Argentina, Chile, Colombia, Ecuador và Peru là Di sản văn hóa thế giới năm 2014.

Một thành tựu quan trọng khác của người Inca khiến hậu thế thán phục là cách xây Machu Picchu trên hai đường đứt gãy. Theo các chuyên gia, một số đường nứt chạy theo hướng tây bắc - đông nam trong khi vài đường nứt khác có hướng tây bắc - tây nam. Ở giữa, nơi hai đường nứt lớn giao nhau theo hình chữ X chính là thánh địa Machu Picchu.

Những đường đứt gãy này đã làm những tảng đá granite vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Nhờ đó, người Inca tiết kiệm được sức lực trong quá trình xây dựng khu định cư bằng đá ở Machu Picchu.

Người dân Inca dễ dàng tìm kiếm và ghép những khối đá khổng lồ mà không cần đục đẽo mài phẳng cũng như không cần dùng vữa hay chất kết dính nào để xây dựng nhà cửa và các công trình khác. Thêm nữa, mạng lưới vết nứt bên dưới Machu Picchu giúp thấm nước khiến các công trình này tồn tại suốt hàng trăm năm.

Mời độc giả xem video: Hé lộ nền văn minh đã mất tích qua tàn tích khảo cổ.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/loat-phat-minh-de-doi-cua-de-che-inca-hau-the-phai-nga-mu-than-phuc-1924679.html