Loạt nguyên nhân khiến tranh chấp chung cư tại Hà Nội ngày càng phức tạp

Thời gian qua, nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được lãnh đạo các quận chỉ rõ là do chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng; chưa bàn giao quỹ bảo trì; chậm thành lập Ban quản trị…

1 quận có hơn 30 chung cư chưa bàn giao hết quỹ bảo trì

Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân, hiện trên địa bàn có 108 tòa chung cư đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ có 90 tòa chung cư thành lập Ban quản trị; 83/90 tòa bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng; 54/90 tòa được chủ đầu tư bàn giao hết quỹ bảo trì.

Thời gian qua, một số tòa chung cư còn xảy ra vướng mắc, tranh chấp giữa Ban quản trị và các chủ đầu tư. Đặc biệt, tại chung cư The Legacy (106 Ngụy Như Kon Tum), cư dân lấy lý do công trình chưa được nghiệm thu hoàn thành toàn bộ nên chưa đảm bảo về các tiện ích theo hợp đồng mua bán nên không đóng phí dịch vụ, không phối hợp tổ chức hội nghị nhà chung cư, đấu tranh đòi quyền lợi…

Chung cư Sông Đà - Việt Đức (ngõ 164 Khuất Duy Tiến), chủ đầu tư thực hiện cải tạo, sử dụng sai mục đích tại tầng kỹ thuật KT1, KT2. Do đó ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận cho các chủ sở hữu căn hộ tại chung cư, dẫn đến việc kiến nghị, đấu tranh đòi quyền lợi.

Chủ đầu tư chung cư Việt Đức Complex dùng “vũ khí” cắt điện để ép cư dân. Ảnh: VOV.

Chủ đầu tư chung cư Việt Đức Complex dùng “vũ khí” cắt điện để ép cư dân. Ảnh: VOV.

Chung cư King Palace (108 Nguyễn Trãi), do điều chỉnh quy hoạch chi tiết dẫn đến phát sinh tiền sử dụng đất cần nộp ngân sách nhà nước. Chủ đầu tư đã nộp hồ sơ xin xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung từ năm 2017, đến nay, Hội đồng xác định giá đất cụ thể thành phố, tổ giúp việc đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, nhưng vẫn chưa ban hành được Quyết định phê duyệt nghĩa vụ tài chính bổ sung cho dự án để làm cơ sở cho việc thực hiện các thủ tục tiếp theo. Đến nay, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiền sử dụng đất bổ sung, Công ty Cổ phần BĐS Hoa Anh Đào chưa có cơ sở để nộp tiền vào ngân sách thành phố nên không thể thực hiện việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại dự án. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chủ đầu tư chưa hoàn thiện được thủ tục để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho cư dân của dự án.

Tại quận Hà Đông, Ban Đô thị - TP. Hà Nội ghi nhận tòa nhà ở thu nhập thấp 19T1, tòa 19T4 tổ 22, phường Kiến Hưng, cho thấy, chủ đầu tư và Ban quản trị đều chưa thống nhất phân định diện tích sở hữu chung riêng. Với tòa 19T1, chủ đầu tư và Ban quản trị chưa thống nhất được công tác kiểm đếm bàn giao các hạng mục như PCCC, diện tích sở hữu chung riêng.

Về công tác bàn giao quỹ bảo trì 2%, do chủ đầu tư và Ban quản trị chưa thống nhất quyết toán được số liệu kinh phí bảo trì, ký biên bản bàn giao phần diện tích sở hữu chung riêng nên chủ đầu tư mới chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị.

Có tình trạng cố tình chây ì không thành lập Ban quản trị

Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm thông tin, hiện trên địa bàn có 159 chung cư đã đưa vào sử dụng, tổng số khoảng 36.400 căn hộ. Trong đó, chung cư thương mại, chung cư tự quản, nhà ở công vụ do quân đội quản lý là 134 tòa; chung cư tái định cư là 7 tòa và 18 tòa nhà ở xã hội. Các chung cư hoàn thành đưa vào sử dụng sau khi Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực có 140 tòa với trên 35.500 căn hộ, tổng diện tích sàn sử dụng khoảng 3 triệu m2. Đến nay, đã có 113/140 chung cư có Ban Quản trị (chiếm 80,7%), còn lại 27 tòa.

Về kết quả bàn giao diện tích sở hữu chung, có 93/113 tòa đã tổ chức bàn giao (chiếm 81%), còn lại 20 tòa, trong đó, 12 tòa có tranh chấp về sở hữu, quản lý, sử dụng diện tích để xe ô tô mà chủ đầu tư giữ lại không bán... UBND quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo UBND các phường thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư, Ban Quản trị tổ chức hội nghị nhà chung cư. Thực hiện phân định diện tích chung riêng, bàn giao kinh phí bảo trì để công tác quản lý, vận hành nhà chung cư được đảm bảo theo quy định.

Hình ảnh chung cư mọc dày đặc dọc đường Lê Văn Lương.

Hình ảnh chung cư mọc dày đặc dọc đường Lê Văn Lương.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, việc quản lý nhà chung cư trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm hiện nay còn một số tồn tại, bất cập, vướng mắc như: Việc tổ chức hội nghị nhà chung cư thành lập Ban quản trị vẫn khó do chủ đầu tư chưa quan tâm, một phần cũng do khó triệu tập các hộ dân để đề xuất tham gia thành viên Ban quản trị; khi tổ chức không đủ số người tham gia, khi tổ chức cụm nhà chung cư không đủ chỗ để họp; chủ đầu tư lo ngại khi thành lập Ban Quản trị sẽ không được ký hợp đồng quản lý vận hành trong nhà chung cư…

Báo cáo của UBND quận Hoàng Mai nêu rõ, trên địa bàn hiện có 164 nhà chung cư đưa vào sử dụng từ năm 2005 (từ khi có Luật Nhà ở năm 2005), trong đó, có 125 nhà chung cư thương mại, 8 chung cư nhà ở xã hội, 9/31 nhà chung cư tái định cư. Đến nay, đã có 119 chung cư thành lập Ban Quản trị; có 121 chung cư bố trí, bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng; có 91 chung cư bàn giao quỹ bảo trì... Hiện, trên địa bàn quận có 31 tòa nhà chung cư, đưa vào sử dụng từ năm 2005, đang xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, theo lãnh đạo quận Hoàng Mai, việc quản lý nhà chung cư trên địa bàn quận vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong nghiệm thu, bàn giao nhà chung cư hồ sơ pháp lý không rõ ràng, không thống nhất làm phát sinh các tranh chấp, mẫu thuật trong việc phân định diện tích sở hữu chung, riêng và công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, gây khó khăn cho chính quyền trong việc giải quyết.

Bật báo động đỏ cứu bệnh nhi xoắn ruột, sốc trên bàn mổ

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loat-nguyen-nhan-khien-tranh-chap-chung-cu-tai-ha-noi-ngay-cang-phuc-tap-169230811151135904.htm