Loạt doanh nhân, giám đốc buôn kim cương giả, rửa 64 triệu USD

Bốn doanh nhân, giám đốc của 5 công ty bị cáo buộc liên quan đến hoạt động rửa tiền đã bị bắt tại Hong Kong vào ngày 18/12. Chính quyền Ấn Độ đã bắt giữ bốn người khác liên quan đến vụ án hồi đầu năm nay.

Một quan chức hải quan cấp cao cho biết, chính quyền Hong Kong và Ấn Độ đã bắt giữ 8 người trong một chiến dịch chung chưa từng có nhằm trấn áp một tập đoàn tội phạm làm giả hoạt động giao dịch kim cương xuyên biên giới để rửa 500 triệu HKD (tương đương 64 triệu USD).

Giám đốc Ben Yeung (đứng giữa) thuộc Cục điều tra tài chính hải quan Hong Kong tại cuộc họp báo hôm 28/12. (Nguồn: Elson Li)

Giám đốc Ben Yeung Yuk-man của Cục điều tra tài chính hải quan Hong Kong hôm qua (28/12) cho biết đây là lần đầu tiên một kế hoạch rửa tiền dựa trên thương mại như vậy được phát hiện tại thành phố.

Các nhân viên hải quan đã bắt giữ bốn doanh nhân, tuổi từ 30 đến 56, tại Hong Kong trong một chiến dịch có mật danh “Máy nghiền đá quý” vào ngày 19-20/12.

Những người đàn ông này bị bắt vì nghi ngờ xử lý tài sản được biết hoặc được cho là đại diện cho số tiền thu được từ một hành vi phạm tội có thể bị truy tố, thường được gọi là rửa tiền, theo Pháp lệnh về tội phạm có tổ chức và nghiêm trọng.

Những viên kim cương bị thu giữ làm tang vật trong vụ án. (Nguồn: Elson Li)

Yeung cho biết họ là giám đốc của 5 công ty trong thành phố có liên quan đến các hoạt động rửa tiền, trong đó có 2 người bị cáo buộc là kẻ cầm đầu tổ chức này.

Trong các cuộc đột kích vào văn phòng của các công ty, cảnh sát đã thu giữ 1 triệu HKD bằng ngoại tệ, kim cương tự nhiên nặng khoảng 290 carat và trị giá 8 triệu HKD, hơn 1.000 viên kim cương tổng hợp và các tài liệu liên quan.

Hải quan cho biết 8 cơ sở, gồm 4 căn hộ và 4 bất động sản thương mại, đã được khám xét.

Tập đoàn này đã gửi kim cương tổng hợp đến Ấn Độ thay vì kim cương tự nhiên để chuẩn bị cho các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên của chính quyền Ấn Độ.

Theo các nguồn tin, một viên kim cương tổng hợp thường có giá khoảng 1% giá trị của một viên kim cương tự nhiên có trọng lượng tương đương.

Hơn 1.000 viên kim cương tổng hợp bị tịch thu trong các cuộc đột kích. (Nguồn: Elson Li)

Cảnh sát đã phong tỏa 5,7 triệu HKD trong tài khoản ngân hàng cá nhân và doanh nghiệp của 4 nghi phạm, đồng thời thu giữ một tài sản thương mại ở Tsim Sha Tsui trị giá 2,5 triệu HKD, được cho là được mua bằng tiền thu được từ phạm tội.

Cơ quan hải quan đang xem xét việc xin lệnh của tòa án để tịch thu tổng tài sản trị giá 8,2 triệu HKD sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp.

Chan King-wai, chỉ huy trưởng tại phòng điều tra tài chính hải quan, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm qua rằng, hai kẻ cầm đầu bị nghi ngờ, 28 và 36 tuổi, đều không phải là người Trung Quốc.

Chan nói: “Cả hai đều chịu trách nhiệm xuất khẩu kim cương tổng hợp và khai báo sai cũng như nhận số tiền thu được từ tội phạm tại Ấn Độ”.

Một thành viên cốt lõi khác bị bắt là một người đàn ông không phải người Trung Quốc, 30 tuổi, làm quản lý một trong các công ty. Chan cho biết anh ta đã thiết lập các tài khoản gián điệp và xử lý số tiền thu được từ tội phạm.

Ba kẻ cầm đầu này đều sống ở Hong Kong và có chứng minh nhân dân địa phương.

Chan cho biết người đàn ông thứ tư bị bắt là một cư dân 56 tuổi, làm trợ lý văn phòng và chịu trách nhiệm thành lập các công ty ma và rửa tiền thu được từ tội phạm.

Tiền mặt bị tịch thu được hải quan trưng bày tại cuộc họp báo. (Nguồn: Elson Li)

Các quan chức hải quan ở Ấn Độ cũng đã bắt giữ 4 người liên quan đến vụ việc hồi đầu năm nay.

Cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt của Hong Kong cho biết họ đã trao đổi thông tin tình báo với các đối tác ở Ấn Độ như một phần của kế hoạch.

Theo hải quan Hong Kong, tổ chức này đã sử dụng một kế hoạch liên quan đến việc buôn bán giả kim cương tự nhiên có giá trị cao giữa 5 công ty trong thành phố và một công ty khác ở Ấn Độ. Tất cả năm công ty được cho là do tổ chức này thành lập.

Trong các giao dịch này, các công ty Hong Kong đã bán nhầm kim cương tổng hợp dưới dạng kim cương tự nhiên có giá trị cao cho công ty ở Ấn Độ. “Người mua” ở Ấn Độ đã chuyển số tiền bị nghi ngờ phạm tội vào 13 tài khoản ngân hàng thuộc 5 công ty ở Hong Kong.

Chan cho biết: “Tổ chức này nhận thấy rằng kim cương có thể được vận chuyển dễ dàng với chi phí thấp trong khi có giá trị cao”.

Yeung cho biết số tiền bất hợp pháp sau đó đã được chuyển ra khỏi tài khoản và rửa thông qua tài khoản kinh doanh của bên thứ ba, đồng thời cho biết thêm các quan chức đang điều tra điểm đến cuối cùng của số tiền và các loại hoạt động tạo ra tiền bất hợp pháp.

Ông cho biết những viên kim cương tổng hợp được sử dụng trong các chuyến hàng dường như giống thật như kim cương tự nhiên và cần sự trợ giúp của chuyên gia để phân biệt chúng.

Yeung nói: “Các giao dịch được sử dụng như một vỏ bọc cho việc rửa tiền bất hợp pháp, liên quan đến việc phân lớp tiền thông qua các giao dịch và khu vực pháp lý, nhằm che giấu dấu vết tiền”.

Ông cho biết 5 công ty ở Hong Kong đã thực hiện khoảng 130 giao dịch với công ty ở Ấn Độ vào năm 2021, rửa 500 triệu USD trong lượng tiền bị nghi ngờ là kiếm được nhờ phạm tội.

Yeung nói thêm rằng các cuộc điều tra cho thấy 13 tài khoản ngân hàng của 5 công ty trong thành phố đã xử lý hơn 2.000 giao dịch đáng ngờ, trong đó có một giao dịch liên quan tới 7 triệu HKD.

Ông cho biết các công ty liên quan đã tạm dừng các giao dịch bất hợp pháp trong hai năm qua, trong bối cảnh chính quyền Ấn Độ đang điều tra công ty này.

Hải quan Hong Kong đã mở một cuộc điều tra về tổ chức rửa tiền khoảng sáu tháng trước sau khi trao đổi thông tin tình báo với các đối tác Ấn Độ.

Sau khi thu thập bằng chứng, nhân viên hải quan đã bắt giữ bốn người đàn ông này trong cuộc đột kích vào tuần trước. Họ đã được tại ngoại chờ điều tra thêm.

Ở Hong Kong, rửa tiền là hành vi phạm tội có thể bị phạt tới 14 năm tù và phạt tiền 5 triệu HKD.

Năm 2012, thành phố này ghi nhận vụ rửa tiền lớn nhất liên quan tới 13,1 tỷ HKD khi một người đàn ông 22 tuổi đến từ Trung Quốc đại lục bị bắt vì hoạt động buôn lậu tiền mặt số lượng lớn bằng đường hàng không.

Đơn vị Tình báo Tài chính chung, bao gồm cảnh sát và nhân viên hải quan, đã báo cáo sự gia tăng các vụ hoạt động tài chính đáng ngờ từ 51.588 vụ vào năm 2019 lên 68.538 vụ vào năm 2022. Các quan chức đã xử lý 87.385 báo cáo trong 11 tháng đầu năm nay.

Các thực thể bao gồm ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm, chuyên gia pháp lý và kế toán, đại lý kim loại quý và đá, nhà điều hành dịch vụ tiền tệ, người cho vay tiền và đại lý tài sản phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ.

Hồng Vân (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/loat-doanh-nhan-giam-doc-buon-kim-cuong-gia-rua-64-trieu-usd-post278995.html