Loài cá mập sống hơn 400 năm và câu hỏi về lão hóa

Cá mập Greenland có thể sống hơn 400 năm và dường như chúng vẫn rất khỏe mạnh, sinh sản tốt đến cuối đời.

Cá mập Greenland. Ảnh: Dive Magazine.

Hãy xem xét điều này: cá mập Greenland có thể sống hơn 400 năm và dường như chúng vẫn rất khỏe mạnh và sinh sản tốt đến cuối đời. Hoặc điều này: các cá thể của một loài sứa trôi nổi ở khu vực Địa Trung Hải và các vùng biển xung quanh Nhật Bản có khả năng quay về trạng thái ấu trùng và phát triển trở lại thành con trưởng thành vô số lần. Nói cách khác, chúng bất tử về mặt sinh học.

Một ví dụ khác cho hiện tượng này là loài thủy tức, vốn rất quen thuộc với chúng ta từ những bài học sinh vật đầu tiên khi chúng ta quan sát những giọt nước hồ qua kính hiển vi: cơ thể của chúng được cấu tạo hoàn toàn từ các tế bào gốc bất tử, và một con thủy tức hoàn toàn mới có thể tái sinh từ bất kỳ mảnh vụn cơ thể nào bị cắt rời.

Hai sinh vật vừa kể dường như được ban cho tuổi trẻ và sức sống vĩnh cửu - và không bao giờ chết vì già đi, theo những gì ta đã biết.

Câu hỏi rằng chính xác bằng cách nào và tại sao các sinh vật - đặc biệt là con người - lão hóa đã thách thức các nhà khoa học qua hàng trăm năm, mãi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Đã có vô số lý thuyết cạnh tranh, từ sự lỗi thời có tính toán trong lý thuyết “soma loại bỏ” (về cơ bản cho rằng Thiên nhiên không sử dụng ta nữa khi chúng ta đã qua giai đoạn sinh sản và không đầu tư nhiều vào các hệ thống sửa chữa và bảo trì để giữ ta tiếp tục sống), và ý tưởng cho rằng quá trình lão hóa là sự hao mòn, như xe hơi gỉ sét hoặc lều bạt mòn đi, cho đến quan niệm phần chóp telomere ngắn dần ở đầu nhiễm sắc thể chi phối vòng đời của tế bào đang phân chia, và ý tưởng cho rằng sự lão hóa và chết đi đã được lập trình và điều khiển về mặt di truyền.

Ngày càng nhiều nhà khoa học có uy tín thậm chí tin rằng lão hóa là một căn bệnh, và nó có thể được chữa trị. Vài người khác còn đi xa hơn, cho rằng lão hóa có thể được “điều trị” để ta cũng có khả năng sống mãi.

Tôi nhận thấy ý tưởng cuối cùng - cuộc truy tìm “sự bất tử” - quá mức ái kỷ đến nỗi tôi định từ bỏ quyển sách này khi mới bắt đầu. Nhưng vì đã đặt một chuyến bay đến California (còn ở đâu nữa?) và hẹn gặp một nhóm các nhà khoa học khi những ngờ vực kia hiện lên trong đầu, tôi vẫn chọn xuất phát, tận hưởng chuyến đi và đưa ra quyết định khi trò chuyện xong với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về sự lão hóa, hay còn gọi là lão khoa.

Một trong những người tôi phỏng vấn đầu tiên, khi được hỏi cảm giác của ông ra sao về việc một số đồng nghiệp cho rằng loài người có thể kéo dài tuổi thọ đến 150, 500, 1.000 năm và hơn thế nữa, đã trả lời, “Tôi sẽ hỏi họ đang chơi thuốc gì vậy?” Và khi chuẩn bị đến một cuộc họp khác sau khi chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn, ông mỉa mai đùa, “Nhớ gửi bưu thiếp cho tôi khi cô đến được vùng đất hứa đấy nhé!”

Trận cười vui vẻ giúp tôi lấy lại niềm tin vào dự án của mình và tôi quyết định bước tiếp. Trong suốt quá trình nghiên cứu, tôi đã gặp rất nhiều người thú vị, tham gia nhiều cuộc tranh luận hay ho, và cũng buộc phải đối mặt với những định kiến của mình, bởi bản thân tôi, và tôi ngờ rằng với hầu hết chúng ta, chỉ coi tuổi già là một quá trình hiển nhiên buộc phải chấp nhận và chịu đựng, nếu không chào đón.

Sue Armstrong/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/loai-ca-map-song-hon-400-nam-va-cau-hoi-ve-lao-hoa-post1460039.html