Lộ trình khai khoáng dưới đáy biển sâu chưa có qui định chi tiết

Các nước thành viên Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) mới đây đã nhất trí lộ trình 2 năm hướng tới việc thông qua các quy định về khai khoáng dưới đáy biển sâu.

Sau 2 tuần thảo luận tại Jamaica, Hội đồng ISA ngày 21/7 cho biết, cơ quan này dự định tiếp tục xây dựng các quy định chi tiết, tiến tới thông qua tại phiên họp thứ 30 diễn ra vào năm 2025. Chủ tịch Hội đồng ISA Juan Jose Gonzalez Mijares nhấn mạnh rằng, đây là mục tiêu đề ra, không phải thời hạn chót.

ISA là một cơ quan liên chính phủ được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Cơ quan này có trụ sở ở Jamaica, chịu trách nhiệm bảo vệ đáy biển cũng như quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. ISA và các quốc gia thành viên đã đàm phán trong suốt 10 năm qua về một bộ quy tắc chung có thể áp dụng đối với hoạt động khai thác niken, cobalt và đồng ở các khu vực đáy biển sâu không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào. Tuy nhiên, đến nay các nước vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận nào về vấn đề này.

Trước đó, vào năm 2021, Nauru - quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương - đã thúc đẩy các cuộc đàm phán về bộ quy tắc chung, với việc kích hoạt một điều khoản yêu cầu các bên liên quan phải đạt được nhất trí trong vòng 2 năm. Trong trường hợp các bên không thể thông qua bộ quy tắc chung trong thời hạn này, các nước sẽ được phép đăng ký với ISA để tiếp tục khai khoáng.

Thời hạn chót mà Nauru đặt ra là ngày 9/7 vừa qua. Kể từ thời hạn chót này, ISA có nghĩa vụ xem xét yêu cầu của các chính phủ về cấp phép khai khoáng dưới đáy biển sâu, song không nhất thiết phải cấp phép. Đại sứ Nauru tại ISA Margo Deiye cho biết chính phủ nước này dự định sẽ sớm đăng ký cấp phép một hợp đồng khai mỏ. Hiện ISA chưa nhất trí về quy trình xem xét yêu cầu cấp phép.

Bà Sofia Tsenikli, phát biểu thay mặt cho Liên minh Bảo tồn Biển sâu, tổ chức Hòa bình xanh và WWF, cùng những người ủng hộ khác cho biết: “Lộ trình được đàm phán sau những cánh cửa đóng kín không phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng và sự phản đối đối với việc khai thác khoáng sản ở biển sâu”.

"Một quy trình khai thác có thể được thực hiện bất cứ lúc nào. Một lệnh cấm là rất cần thiết", bà nói thêm.

Được biết, các nhà vận động bảo tồn đại dương tỏ ra lo lắng hoạt động khai thác khoáng sản ở vùng biển sâu có thể được thông qua.

Các nhóm vận động lo ngại hoạt động này sẽ phá hủy môi trường sống và đe dọa các loài sinh vật biển chưa được biết đến nhưng có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái. Hoạt động này cũng bị cho là có thể làm gián đoạn khả năng hấp thụ khí thải CO2 của đại dương và gây tiếng ồn làm nhiễu liên lạc của các loài sinh vật biển như cá voi.

Trong tuần này, ISA và 167 nước thành viên sẽ lần đầu tiên thảo luận về việc tạm dừng hoạt động khai thác theo đề xuất của một nhóm 20 nước thành viên trong đó có Pháp, Chile và Brazil.

Bình An

Ecologist

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lo-trinh-khai-khoang-duoi-day-bien-sau-chua-co-qui-dinh-chi-tiet-690147.html