Lo nguồn cung vũ khí cạn kiệt, Ukraine tìm cách lôi kéo sự chú ý của phương Tây

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã dành nhiều thời gian trong tuần qua để khẳng định với các đồng minh rằng quân đội nước này đang chuẩn bị chiến đấu trong mùa đông trong khi một phái đoàn của Kiev cũng đã tới thăm Washington.

Ukraine tìm cách lôi kéo sự chú ý của phương Tây

Vào cuối tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thảo luận về chuyến thăm trụ sở của liên minh ở Brussels để gặp các quốc gia cung cấp cho Kiev hỗ trợ quân sự. Mục đích là duy trì nguồn cung vũ khí sau khi cuộc phản công mùa hè của Ukraine không đạt được đột phá lớn.

Vào thời điểm ông Zelensky tới trụ sở NATO ngày 11/10 trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự, nhiệm vụ này chưa bao giờ trở nên cấp bách đến thế. 4 ngày trước đó, lực lượng Hamas đã tấn công Israel từ dải Gaza dẫn đến chiến dịch đáp trả của Tel Aviv. Tâm điểm chú ý hiện nay của thế giới đang dần chuyển sang cuộc xung đột ở Trung Đông.

Binh lính Ukraine khai hỏa súng phóng lựu chống tăng SPG-9 về phía Nga ở Avdiivka. Ảnh: Reuters

Binh lính Ukraine khai hỏa súng phóng lựu chống tăng SPG-9 về phía Nga ở Avdiivka. Ảnh: Reuters

Các Bộ trưởng Quốc phòng của khoảng 50 nước, còn gọi là nhóm Ramstein đã họp trực tuyến tuần này. Trong khi vẫn khẳng định sự ủng hộ cho Ukraine thì các quan chức cũng thừa nhận việc vận chuyển vũ khí bị chậm và sự hỗ trợ tài chính chững lại do các vấn đề chính trị trong nước. Trong những tuần sau khi ông Zelensky thăm Brussels, sức ép lên Ukraine ngày càng gia tăng để vạch ra con đường dẫn tới chiến thắng.

Trên chiến trường, tình hình ngày càng trở nên cam go khi một mùa đông thiếu đạn dược nữa đang đến gần. Một mối quan tâm nữa là vấn đề lực lượng bởi trong khi Nga tiếp tục điều động binh lính bất chấp tổn thất thì Kiev không sẵn sàng cho điều này.

Với việc chỉ còn 1 năm nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra, Kiev hiểu rõ đồng hồ đang đếm ngược và chỉ có đạt được tiến triển quân sự thì Ukraine mới dễ dàng thúc đẩy các đối tác tăng cường hỗ trợ. Tuy nhiên, thậm chí trước cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 dẫn đến cuộc chiến với Israel hiện nay ở dải Gaza, các quan chức Ukraine đã nhận thấy sự suy giảm mức độ quan tâm của phương Tây.

"Hiện nay tôi tập trung vào việc nhận sự hỗ trợ từ phương Tây", ông Zelensky nói ngày 16/11. Theo ông, sự tập trung của phương Tây đang dịch chuyển bởi cuộc xung đột ở Trung Đông và các lý do khác.

"Nếu không có sự hỗ trợ đó, chúng tôi sẽ chứng kiến những bước lùi", Tổng thống Ukraine nhận định.

Thực tế là tiền tuyến Ukraine gần như không có sự dịch chuyển đáng kể trong 1 năm qua. Nỗ lực của châu Âu nhằm hỗ trợ đạn pháo đang suy giảm trong khi có nhiều dấu hiệu cho thấy dư luận các nước phương Tây đã mệt mỏi vì xung đột ở Ukraine, đặc biệt là ở Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Kiev.

Mối lo ngại đặt ra hiện nay ở phương Tây và Ukraine là nếu không nhận được đủ sự hỗ trợ cần thiết, Tổng thống Zelensky có thể phải đàm phán hòa bình với Nga từ vị thế yếu hơn.

"Tôi lo ngại về khả năng tập thể của chúng ta nhằm đóng góp vào chiến thắng của Ukraine khi tôi thấy xe tăng, tên lửa mới và thậm chí là đạn dược không được cung cấp, các giải pháp không được tìm ra và EU đang phải mất nhiều tháng để ra quyết định", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nhận định.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thăm Kiev tuần này để tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine. Gói hỗ trợ hiện tại của Washington cho Kiev sẽ cạn kiệt vào cuối năm nay và trong khi cánh bảo thủ của đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Biden sẽ tiếp tục đau đầu trong việc duy trì các gói hỗ trợ.

Đầu tháng 11, Lầu Năm Góc phải hạn chế dòng chảy vũ khí cho Ukraine do tình trạng bế tắc trong Quốc hội. Chiến dịch bầu cử tổng thống năm sau sẽ ngày càng gây khó cho ông Biden, đặc biệt nếu ông đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump - người đã nhiều lần chỉ trích các nghị sĩ vì cung cấp hỗ trợ cho Kiev.

Cách đây 1 tháng vẫn còn hy vọng Mỹ có thể xoay xở để thúc đẩy gói hỗ trợ Ukraine được thông qua ở Quốc hội nhưng hiện nay hầu như không còn sự lạc quan như vậy, một nhà ngoại giao EU cho hay. Tuần trước, Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua gói ngân sách tạm thời mở rộng ngân sách chính phủ tới đầu năm 2024 nhưng không bao gồm các khoản hỗ trợ Ukraine hay Israel.

Rạn nứt trong lòng phương Tây

Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết họ đang chuẩn bị kịch bản Mỹ giảm mức độ hỗ trợ cho Ukraine. Trong khi EU có thể cung cấp cho Ukraine hỗ trợ tài chính thì các nước này chỉ có thể đáp ứng một phần trong số những vũ khí Washington cung cấp cho Kiev, Liana Fix - học giả cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại nhận định.

Nga dự kiến có thể sản xuất 2 triệu quả đạn vào năm tới còn EU thì thừa nhận họ không thể đạt được mục tiêu cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo vào cuối tháng 3, bất chấp nỗ lực tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng. Trong khi đó, các thành viên của liên minh như Hungary và Slovakia đã lên tiếng từ chối tiếp tục hỗ trợ cho Kiev. Thủ tướng Hungary Viktor Orban yêu cầu EU cần có một "cuộc thảo luận khẩn cấp" về Ukraine bởi tình hình chiến trường "gần như không thay đổi", đồng thời đặt câu hỏi về khả năng chiến thắng của Kiev. Ông Orban cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và cho rằng không có quyết định nào về sự hỗ trợ hay các đảm bảo an ninh được đưa ra mà không có sự nhất trí.

Chiến thắng ngày 22/11 của lãnh đạo phe cực hữu của Hà Lan Geert Wilders cũng làm phức tạp thêm lập trường vốn đã chia rẽ của EU. Ông Geert Wilders đã tuyên bố rằng tiền và thiết bị quân sự nên được dành cho lực lượng vũ trang trong nước.

Trước xung đột Israel - Hamas đã có nhiều nghi ngại về cam kết của châu Âu cho Ukraine. Đầu tiên là bất đồng giữa Ba Lan và Ukraine liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc, dẫn đến cảnh báo của Warsaw về việc ngừng hỗ trợ vũ khí. Mặc dù sau đó Ba Lan đã giải thích về quyết định này nhưng với chiến thắng của phe đối lập ngày 15/10, Warsaw có thể nghiêng về lập trường thận trọng giống như các nước Tây Âu.

Chính phủ mới ở Slovakia cũng tuyên bố sẽ dừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trong khi đó, EU đang chật vật để đi đến sự nhất trí về các gói hỗ trợ cũng như kế hoạch cho vòng trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga.

Nhượng bộ lãnh thổ là cái giá của hòa bình?

Hiện Ukraine đang lo ngại về cuộc tấn công lớn tiếp theo của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này trong mùa đông. Các lực lượng của Nga đang tích trữ tên lửa và chờ đợi cho tới khi trời lạnh hơn mới tấn công vào các cơ sở hạ tầng và lưới điện, làm dấy lên mối lo ngại rằng các cuộc tấn công có thể áp đảo hệ thống phòng không Ukraine mặc dù Kiev đã nhận được các hệ thống bổ sung.

Trong cuộc xung đột kéo dài, các nhà quan sát cho rằng Nga sẽ có lợi thế lớn hơn. Tổng thống Zelensky có lẽ chưa nghĩ về chiến lược đàm phán hòa bình hiện nay. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy số lượng nhỏ nhưng đang gia tăng người dân Ukraine có ý nghĩ nhượng bộ lãnh thổ cho Nga là cái giá không thể tránh khỏi để đổi lấy hòa bình.

Ukraine cũng cảm thấy thất vọng khi một số đồng minh không hiểu đầy đủ quy mô chiến trường và đánh giá thấp sức mạnh của phòng tuyến Nga. Kiev đã đạt được một số thành quả gần đây. Họ tiến hành các cuộc tấn công chiến lược vào sâu trong khu vực Nga kiểm soát với sự hỗ trợ của tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp. Cuộc vượt sông Dnipro gần đây cũng có thể giúp quân đội Ukraine thọc sâu hơn ở phía Nam và tăng cường tấn công các lực lượng của Nga ở Crimea.

Tuy nhiên, bấy nhiêu thành quả vẫn chưa đủ để phá vỡ thế bế tắc chiến trường. Theo Tướng Ukraine Valeriy Zaluzhnyi – Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine, tình hình hiện nay giống như trong Thế chiến I khi mà cả hai bên đều sở hữu công nghệ khiến xung đột chững lại, đòi hỏi một bên phải đạt được bước tiến công nghệ mới để phá vỡ thế bế tắc.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Bloomberg

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lo-nguon-cung-vu-khi-can-kiet-ukraine-tim-cach-loi-keo-su-chu-y-cua-phuong-tay-post1061237.vov