Lo Mỹ 'nổi giận', Mexico cứng rắn với tập đoàn Trung Quốc

Trong bối cảnh Mỹ liên tục bày tỏ lo ngại về việc các hãng xe điện Trung Quốc xây nhà máy tại Mexico để lách thuế nhập khẩu và làm suy yếu an ninh quốc gia, Mexico mới đây đã có động thái cứng rắn với các công ty Trung Quốc.

Tận dụng vị trí gần với Mỹ

Kể từ khi bùng nổ căng thẳng thương mại với Trung Quốc từ năm 2018 kéo theo loạt đòn thuế quan với các sản phẩm Trung Quốc, Washington đã tìm cách giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào các nước có cạnh tranh về địa chính trị, đồng thời tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường thân cận như Mexico. Từ đó, Mexico đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, bao gồm doanh nghiệp Trung Quốc.

Phòng trưng bày BYD Perisur ở thành phố Mexico.

Ngày càng nhiều thương hiệu sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD, Changan, Omoda, Jetour, GWM Motors và Geely Autos quan tâm và đầu tư xây dựng nhà máy tại Mexico. Gần đây nhất, tập đoàn sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD đã thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện tại Mexico nhằm thiết lập trung tâm xuất khẩu xe sang Mỹ.

Trước những động thái này, các quan chức của nền kinh tế hàng đầu thế giới liên tục bày tỏ lo ngại các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sử dụng Mexico làm cửa ngõ vào thị trường Mỹ, có khả năng làm suy yếu an ninh quốc gia và tránh được khoản thuế cực cao mà Mỹ áp với xe Trung Quốc.

Mức thuế 27,5% hiện nay đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng đã ngăn cản phần lớn các thương hiệu như BYD, Xpeng và NIO gia nhập thị trường ô tô Mỹ.

Theo quan chức Mỹ, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể tận dụng tiềm năng của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ để "lách" thuế quan bằng cách đáp ứng các yêu cầu sản xuất và linh kiện trong khu vực.

Mexico cẩn trọng

Các quan chức Mexico đang cảnh giác với việc làm tổn hại mối quan hệ với Mỹ, đặc biệt là với việc xem xét lại Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) sắp tới vào tháng 7/2026.

Lễ Khai trương showroom BYD tại Thành phố Mexico.

USMCA vẫn có hiệu lực trong 16 năm nhưng sẽ được xem xét lại 6 năm một lần. Nếu các bên quyết định gia hạn thỏa thuận, hiệp định sẽ có hiệu lực thêm 16 năm nữa. Tuy nhiên, nếu có vấn đề cần phải bàn thảo, ba nước có 10 năm để đàm phán giải quyết bất đồng trước khi hiệp định hết hạn.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nhấn mạnh rằng: “Mục đích của Thỏa thuận USMCA không dành cho những công ty đang tìm kiếm 'cửa sau' dẫn vào Mỹ, Trung Quốc và những nước khác có thể đang tìm cách tiếp cận thị trường của chúng tôi mà không phải trả thuế quan".

Để đối phó với áp lực của Mỹ, chính phủ Mexico đang hạn chế đưa ra các ưu đãi cho các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc để xây dựng nhà máy tại quốc gia này.

Trong một cuộc họp với các giám đốc điều hành của BYD mới đây, các quan chức Mexico tuyên bố rằng các ưu đãi trước đây dành cho các nhà sản xuất ô tô sẽ không được mở rộng cho các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, họ lưu ý rằng chính phủ cũng sẽ tạm dừng tất cả các cuộc họp trong tương lai với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác.

Trước đây, Mexico đã cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài từ General Motors đến BMW toàn bộ gói hỗ trợ của chính phủ, chẳng hạn như miễn phí đất đai, nước và điện để thu hút tạo việc làm mới, có tay nghề cao ở nhiều khu vực khác nhau.

Minh Đăng

Theo The Street, Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/lo-my-noi-gian-mexico-cung-ran-voi-tap-doan-trung-quoc-20180504224297788.htm