'Lò lửa' Ukraine tăng nhiệt

Nhà Trắng hôm 11/2 khẳng định Nga sẽ đổ bộ vào Ukraine bất cứ lúc nào bằng một cuộc tấn công quy mô lớn và kêu gọi người Mỹ rời khỏi Ukraine trong vòng 48 giờ tới.

Trong phòng họp của Nhà Trắng hôm 11/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ sẽ không tiến hành sơ tán quân sự công dân khỏi vùng chiến sự.

Ông kêu gọi người Mỹ nên tự rời khỏi Ukraine trong vòng 24-48 giờ tới khi các tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không ra khỏi đất nước vẫn hoạt động.

"Một cuộc tấn công có thể bắt đầu bất cứ lúc nào, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định ra lệnh", Wall Street Journal trích lời ông Sullivan.

“Nếu Nga tiến hành tấn công Ukraine, nó có khả năng bắt đầu bằng các cuộc bắn tên lửa và ném bom trên không, khiến dân thường thiệt mạng bất kể quốc tịch. Số lượng lớn quân mặt đất sẽ đổ bộ. Không có thông báo, liên lạc khởi hành bị gián đoạn và vận chuyển thương mại tạm dừng”, ông nói thêm.

 Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Ảnh: AP.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Ảnh: AP.

Trong cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 10/2, Tổng thống Biden cũng kêu gọi công dân Mỹ “nên rời đi ngay bây giờ”.

Theo AP, quan chức Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này dự kiến ngày 12/2 sẽ thông báo đến các nhân viên ngoại giao ở đại sứ quán tại Kyiv rời khỏi Ukraine, do lo ngại Nga có thể tấn công. Bộ Ngoại giao hiện chưa đưa ra bình luận.

Một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) hôm 11/2 cho biết với các nhân viên không thiết yếu từ phái bộ ngoại giao của họ ở Ukraine đã được khuyến cáo nên rời khỏi nước này, nhưng chưa có lệnh sơ tán chính thức.

Sau Mỹ, đến lượt New Zealand, Anh và Na Uy cũng đã kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine.

Ngoài ra, Đại sứ quán các nước Australia, Norway, Canada, Latvia, Đan Mạch, Israel, Estonia, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chính thức đưa ra thông báo yêu cầu công dân của họ rời Ukraine "càng sớm càng tốt".

Phía đồng minh cho biết họ được Mỹ thông báo Nga có thể tấn công vào hôm 16/2. Ông Sullivan nói rằng cuộc tấn công có thể xảy ra trước khi Olympic Bắc Kinh 2022 kết thúc.

Nhiều quan chức và nhà phân tích tin rằng nếu ông Putin ra lệnh cho một cuộc tấn công, ông sẽ chờ kết thúc Thế vận hội vào ngày 20/2 vì tôn trọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn mở rộng nỗ lực ngoại giao và Tổng thống Joe Biden - hiện nghỉ dưỡng tại khu cắm trại chính phủ dành cho tổng thống Camp David ở Maryland trong tuần này - dự kiến điện đàm với ông Putin vào ngày 12/2.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự kiến thăm Kyiv vào 14/2 và gặp ông Putin tại Moscow vào hôm sau.

Lo sợ tấn công

Trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 11/2, ông Biden cho biết Mỹ hiện tin ông Putin đã đưa ra quyết định tiến hành tấn công Ukraine và nêu những ngày cụ thể Washington cho rằng điều đó có thể xảy ra, theo nguồn tin cấp cao của châu Âu.

Một số thông tin tình báo nhận thấy dấu hiệu mới Moscow đang cần cái cớ để tấn công nước láng giềng. Thông tin tình báo đã cung cấp rõ nét hơn về suy tính của ông Putin.

Ông Sullivan cho biết với cách phân bổ lực lượng hiện tại, Nga có thể tấn công vào Ukraine bất cứ lúc nào, nhưng không biết ông Putin đã đưa ra “quyết định cuối cùng” hay chưa.

Mỹ hình dung về một cuộc đổ bộ quy mô lớn của ông Putin. Nếu Nga tiến hành tấn công tổng lực hoặc tìm cách chiếm toàn bộ đất nước, khoảng 25.000-50.000 dân thường có thể thiệt mạng hoặc bị thương. Nga cũng có thể hành động dưới hình thức tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng, phá hoại hoặc nỗ lực làm suy yếu nhà nước Ukraine.

 Hình ảnh vệ tinh cho thấy cận cảnh binh lính và thiết bị tại căn cứ không quân Oktyabrskoye, Crimea ngày 10/2. Ảnh: Maxar.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy cận cảnh binh lính và thiết bị tại căn cứ không quân Oktyabrskoye, Crimea ngày 10/2. Ảnh: Maxar.

Bình luận của ông Sullivan lặp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày.

Cũng trong ngày 11/2, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đã nói chuyện với người đồng cấp Nga, Tướng Valery Gerasimov, theo Lầu Năm Góc. Hai vị tướng “đã thảo luận về một số vấn đề liên quan đến an ninh mà họ quan tâm”, theo người phát ngôn Dave Butler.

"Theo thông lệ trước đây, cả hai đồng ý giữ kín các chi tiết cụ thể về cuộc trò chuyện", ông Butler nói.

Đây không phải lần đầu tiên 2 vị tướng điện đàm, nhưng những cuộc trò chuyện giữa họ rất hiếm. Hai người nói chuyện lần cuối vào ngày 23/11/2021 và thảo luận về việc chuyển quân của Nga gần Ukraine.

Cùng ngày, ông Milley cũng đã điện đàm với quan chức Pháp, Canada, Đức, Italy, Ba Lan, Romania và Anh. Theo đó, các nhà lãnh đạo quân sự đã thảo luận về lĩnh vực an ninh cùng quan tâm, bao gồm việc phối hợp liên tục trong quá trình điều chỉnh vị trí lực lượng của Mỹ ở châu Âu.

Hôm 11/2, phó đô đốc Na Uy Nils Andreas Stensones cảnh báo Nga đã có đủ mọi thứ cần thiết để thực hiện hoạt động quân sự ở nhiều mức độ khác nhau, từ cuộc tấn công nhỏ tới đòn đánh toàn diện.

Nga cũng có thể “chiếm đóng một phần hoặc toàn bộ Ukraine”. “Lúc này chỉ cần Tổng thống Putin quyết định có muốn tiến hành hay không”, ông Stensones nói tại buổi báo cáo rủi ro hàng năm của đơn vị tình báo Na Uy, theo AFP.

Cũng theo vị phó đô đốc, Nga có “hơn 150.000 lính” tập trung tại biên giới với Ukraine, “những vũ khí tối tân” cùng các yếu tố hậu cần cần thiết.

Ngoại giao chưa có tiến triển

Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ triển khai thêm 3.000 quân để tăng cường khả năng phòng thủ của các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hỗ trợ người Mỹ di tản khỏi Ukraine.

Hàng trăm binh sĩ Mỹ cũng sẽ được triển khai bên trong Ba Lan, dọc theo biên giới với Ukraine, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán an toàn người Mỹ và những người khác trong Ukraine.

Để củng cố vị thế quân sự của chính phủ Kyiv trước lợi thế vượt trội của Nga về đường không, đường biển, pháo binh, tên lửa và nhân lực, Mỹ và các nước NATO đã vận chuyển vũ khí phòng thủ tới Ukraine. Trong số đó bao gồm đạn vũ khí cỡ nhỏ, đạn cối và đạn pháo, tên lửa có điều khiển chống tăng, tên lửa phòng không Stinger, súng phóng lựu, bộ giáp xử lý vật liệu nổ và súng ngắn Mossberg 500. Các lô hàng không bao gồm tên lửa chống hạm tiên tiến hoặc hệ thống phòng không tinh vi.

Nga liên tục bác bỏ cáo buộc tấn công nước láng giềng. Tuy nhiên, Moscow cho rằng việc NATO mở rộng sang Đông Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc gây ra mối đe dọa đối với an ninh của khu vực, và yêu cầu liên minh này tuyên bố không bao giờ kết nạp Ukraine và rút quân khỏi sườn phía đông của khối.

 Tổng thống Putin và tổng thống Pháp gặp mặt trong tuần này nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng. Ảnh: AFP.

Tổng thống Putin và tổng thống Pháp gặp mặt trong tuần này nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng. Ảnh: AFP.

Trong khi từ chối các yêu cầu của Moscow về tương lai thế trận an ninh của NATO, Mỹ và NATO đưa ra cho Moscow một loạt đề xuất có đi có lại, cung cấp các địa điểm phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Romania, hạn chế các cuộc tập trận quân sự.

Đồng thời, Mỹ và châu Âu đe dọa trừng phạt nhằm vào các ngân hàng, ngành công nghiệp và nền kinh tế của Nga trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công.

Các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tuần dưới nhiều hình thức khác nhau đã không mang lại tiến bộ rõ ràng trong việc giảm leo thang căng thẳng.

Tại Berlin, hôm 10/2, các quan chức Nga và Ukraine đã không đạt được thỏa thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng, trong cuộc đàm phán có sự tham gia của Pháp và Đức.

Theo Reuters, Nga công khai phản bác Ngoại trưởng Anh Liz Truss sau cuộc gặp hôm 10/2, và không có bước đột phá nào tại cuộc hội đàm giữa ông Putin và Tổng thống Pháp Macron hồi đầu tuần.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine kêu gọi bình tĩnh và giảm thiểu đe dọa về cuộc tấn công của Nga. Ông lo ngại sự hoảng loạn sẽ phá hủy thị trường và nền kinh tế Ukraine.

Quân tình nguyện Ukraine sẵn sàng chiến đấu với Nga Tiểu đoàn quân tình nguyện 130 của Ukraine thường xuyên huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nhằm chuẩn bị cho kịch bản đối phó với cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lo-lua-ukraine-tang-nhiet-post1295623.html