Linh thiêng Đền Đề Lĩnh nơi cửa biển Sầm Sơn

Phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn từ lâu không chỉ nổi danh bởi những bãi biển và cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt mà nơi đây còn là điểm đến tâm linh với ngôi đền linh thiêng thờ vị quan võ có công lớn trong đấu tranh và bảo vệ đất nước từ thế kỷ XVI - võ tướng Đề Lĩnh.

Đền nằm trên một gò đất cao, tương truyền là nơi an táng của ông và hai người con gái. Đền hướng tây nam, phía trước là cánh đồng sen bát ngát, xa xa là dòng sông Đơ hiền hòa ngày đêm chảy về với biển.

Đề Lĩnh người làng Bồng Báo, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), có tước quan xếp vào hạng tứ đại triều đình dưới thời Vua Lê Tương Dực (1510 -1516), là người tài trí hơn người, văn võ song toàn.

Theo sử sách, từ khi được nhà vua giao trấn giữ vùng xung yếu cửa biển Sầm Sơn, ông đã tiến hành khai hoang mở đất, luyện binh, lập trại ngày đêm rèn luyện võ nghệ và chăm lo đời sống yên vui cho Nhân dân nên được mọi người rất mực ca ngợi.

Trong một lần quân Minh tràn vào nước ta bằng đường biển, chúng giết dân cướp đất, tướng công Đề Lĩnh đã chiêu mộ binh sỹ đem quân đánh giặc nhưng thế trận chênh lệch lại bị cô lập không có người ứng viện kịp thời nên quân ta đã bị giăc vây hãm. Hai cô con gái của ông vì muốn báo thù cho cha nên đã cầm quân giải vây cho cha. Ba cha con chiến đấu ngoan cường cho tới giây phút cuối cùng.

Ghi nhớ công lao to lớn của tướng Đề Lĩnh và hai ái nữ của ông, Nhân dân đã xây mộ, lập đền để ngày đêm kính cẩn hương khói người anh hùng dân tộc.

Ngôi đền được nằm trên khoảng đất cao ráo tương truyền là phần đầu rồng linh thiêng, xung quanh là cảnh quan đẹp mắt, non nước hữu tình.

Phần mộ Đề Lĩnh được xây dựng kiên cố bên trong ngôi đền.

Phần mộ được ốp bới những lớp đá cổ đẹp mắt.

Nơi đây còn lưu giữ 9 sắc phong cổ, được xem là báu vật của địa phương.

Ngoài ra, còn có nhiều di vật cổ như: Bia ký, khánh đá, lư hương...

Bảng văn chỉ có tuổi đời hàng trăm năm cũng được gìn giữ cẩn thận.

Vào ngày 17 tháng giêng hằng năm, người dân địa phương lại tổ chức tế lễ hương và mở hội đấu vật để ghi nhớ công ơn đối với vị công thần của đất nước, ông tổ nghề võ vật.

Trải qua nhiều thế kỷ với không ít thăng trầm nhưng ngôi đền vẫn được Nhân dân chăm lo hương khói và tỏ lòng ngưỡng mộ. Năm 1993 đền đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Thu Hà - Hoài Thu

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/linh-thieng-den-de-linh-noi-cua-bien-sam-son/20675.htm