Linh hoạt giải pháp để xuất nhập khẩu bớt bấp bênh

Hoạt động xuất nhập khẩu sau 2 tháng đầu năm 2023 vẫn chưa thể khởi sắc giữa bối cảnh có nhiều yếu tố tác động tiêu cực. Việc điều chỉnh, linh hoạt chính sách về lãi suất, tỷ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát… là rất cần thiết nhằm góp phần vào những giải pháp để giảm bớt sự bấp bênh cho xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố một số điểm sáng tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là hoạt động xuất nhập khẩu - động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, lại không được nêu trong các điểm sáng này.

Không còn là điểm sáng

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu (XK) ước đạt 49,44 tỷ USD (giảm 10%), nhập khẩu 46,62 tỷ USD, giảm 16%.

Các doanh nghiệp đang cần sự linh hoạt trong các giải pháp và khâu chính sách để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), kim ngạch XK của khu vực đầu tư nước ngoài đã giảm trong 2 tháng đầu năm 2023 song mức độ giảm trong tháng 2 đã được cải thiện so với tháng 1, hiện chiếm 76,7% tổng kim ngạch XK của cả nước. Còn về nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 33 tỷ USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ và chiếm 67,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Ghi nhận tại một số địa phương phát triển mạnh về công nghiệp ở phía Nam cho thấy tình hình xuất nhập khẩu đến nay vẫn chưa thể khởi sắc, nhất là các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực đều giảm. Điển hình như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, xơ sợi dệt các loại, sản phẩm từ chất dẻo, hóa chất…

Giới chuyên gia cho rằng, hầu hết các nền kinh tế trên toàn cầu đã, đang và sẽ phải vật lộn với suy giảm tăng trưởng kinh tế giáp ranh với suy thoái. Cho nên hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ vì chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế.

Qua trao đổi với VnBusiness, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cho biết tình trạng sụt giảm, thiếu hụt đơn hàng vẫn đang diễn ra, và dự báo những khó khăn về đơn hàng sẽ kéo dài đến quý III/2023 mới có thể phục hồi. Tình hình hoạt động của các DN trong vài tháng tiếp theo vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, trong khi phải đối mặt với những khó khăn về tài chính.

Trong báo cáo vĩ mô tháng 2/2023, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BVSC nhận định điểm tích cực là cán cân thương mại theo tháng tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, ở mức 2,3 tỷ USD trong tháng 2/2023. Dù ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 2, nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm nay, giá trị XK của Việt Nam vẫn đang thấp hơn so với cùng kỳ. Một số mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như điện tử máy tính, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, gỗ, thủy sản vẫn đang giảm so với cùng kỳ năm trước.

Linh hoạt chính sách tỷ giá hối đoái

Do đó, theo các chuyên gia của BVSC, diễn biến tăng trở lại theo tháng và so với cùng kỳ trong tháng 2 này phần lớn mang tính chất mùa vụ. Thêm vào đó, quý đầu năm thường là thời điểm các DN tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho sản xuất và các đơn hàng XK trong năm, việc nhập khẩu vẫn đang giảm mạnh cũng cho thấy triển vọng XK vẫn chưa quá khả quan.

BVSC cho rằng, XK của Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh môi trường tài chính thắt chặt, lãi suất cao, triển vọng tăng trưởng kinh tế kém tích cực và lạm phát cao ở các đối tác XK chính – Mỹ và EU. Đây là những yếu tố có tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng XK của Việt Nam.

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo ra môi trường thương mại ổn định hơn và giảm bớt sự bấp bênh của thị trường, xét về giải pháp tài chính, Ts. Daniel Borer, Quyền Chủ nhiệm chương trình Kinh doanh toàn cầu, Đại học RMIT (Australia), đã đề xuất nên áp dụng biên độ giảm giá dần 3-4% cho tiền đồng so với USD. Mức độ này hứa hẹn mang lại sự ổn định và thúc đẩy XK cho Việt Nam.

Bởi lẽ, như lưu ý của ông Borer, nhìn lại 20 năm qua, hằng năm tiền đồng lạm phát 4,3%, cao hơn so với USD, điều đó có nghĩa tiền đồng sẽ dần mất giá so với USD.

Ngoài ra, việc giữ giá cả ổn định cũng sẽ giúp tiền đồng bớt mất giá. Một mô hình dự báo đơn giản chỉ ra rằng chênh lệch lạm phát của các loại tiền tệ thể hiện sự thay đổi dự kiến trong tỷ giá hối đoái. Ts. Borer chia sẻ, trong khi mối quan hệ này đúng trong dài hạn thay vì theo từng năm, lạm phát trung bình của tiền đồng sẽ hạn chế áp lực mất giá của đồng nội tệ.

Bên cạnh đó, mức tiêu thụ nội địa chưa chắc tăng đáng kể trong năm nay nên cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực lên giá cả. Tuy nhiên, lạm phát trong năm nay có thể vẫn tăng do khả năng tiền đồng sẽ mất giá mạnh hơn khi dòng vốn có thể chảy khỏi Việt Nam, tìm cách hưởng lợi từ việc tăng lãi suất bằng các loại tiền tệ khác như Euro hoặc USD.

“Điều này sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu - vốn là một phần trong giỏ hàng tiêu dùng của các hộ gia đình trung bình ở Việt Nam, trở nên đắt đỏ hơn”, Ts. Borer bổ sung.

Nói chung, bên cạnh các chính sách về tỷ giá, lãi suất, kiểm soát lạm phát thì đây là lúc cần những giải pháp có tính cụ thể, an toàn để giảm bớt sự bấp bênh cho xuất nhập khẩu, cho thị trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhất là khi tình hình thương mại quốc tế còn nhiều biến động càng đòi hỏi các giải pháp phải có trọng tâm, đảm bảo hiệu quả, linh hoạt và hài hòa.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/linh-hoat-giai-phap-de-xuat-nhap-khau-bot-bap-benh-1091123.html