Liệu Anh có thể ngăn tiêm kích JF-17 được bán tới Nam Mỹ?

Argentina khẳng định, thông tin nước này mua máy bay chiến đấu JF-17 của Pakistan là quá sớm; nhưng các nhà phân tích tin rằng, hợp đồng vẫn có thể thành công.

Những phán đoán nảy sinh việc Không quân Argentina mua sắm máy bay mới, sau khi truyền thông của Argentina đưa tin, dự thảo ngân sách tài khóa 2022 của Argentina, đã chi 664 triệu USD, để mua 12 chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 từ Pakistan.

Tuy nhiên đại sứ quán của Argentina tại Islamabad nói với Defense News rằng, “chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra, vì có năm lựa chọn thay thế hiện đang được đánh giá”. Khi được yêu cầu xác định những ứng viên, Đại sứ quán trả lời: “Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về những lựa chọn thay thế đó”.

Andrei Serbin Pont, Giám đốc Tổ chức tư vấn chiến lược CRIES của Argentina cho biết, đã có nhiều tin đồn về việc Argentina mua máy bay chiến đấu, nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra vì nhiều lý do; nhưng chủ yếu do sự ngăn cản của Anh.

Argentina trước đây đã duyệt chi các khoản tiền để mua máy bay chiến đấu bằng ngân sách, nhưng máy bay đã không được mua. Điều này xảy ra với cả những chiến đấu cơ đã qua sử dụng Mirage F-1M và Kfirs (bị hủy bỏ vào phút cuối năm 2015).

Pont tin rằng, chiến đấu cơ JF-17 là một sự lựa chọn hấp dẫn cho Argentina, vì loại máy bay này “nằm ngoài khả năng có thể phủ quyết của Anh, đồng thời nó là máy bay mới duy nhất, nằm trong giới hạn ngân sách của Không quân Argentina”.

Trước đó, Anh đã gây áp lực, buộc các nhà cung cấp máy bay chiến đấu phải hủy bỏ các giao dịch với Argentina, hoặc phá hoại họ bằng cách cấm vận các thành phần linh kiện quan trọng có xuất xứ từ Anh.

Kể từ sau Chiến tranh Falklands năm 1982, Anh đã duy trì một cách hiệu quả lệnh cấm vận vũ khí đối với Argentina; nhằm ngăn không cho nước này tăng cường quân bị, đặc biệt là về không quân và hải quân.

Chỉ tính riêng trong thập kỷ qua, Anh đã gây áp lực buộc Tây Ban Nha hủy bỏ thỏa thuận bán máy bay chiến đấu Mirage F1M đã loại biên, và thỏa thuận mua máy bay phản lực Kfir từ Israel dường như đã thất bại, do sự kết hợp giữa sức ép của Anh và sự kiểm soát của Mỹ, đối với động cơ J79 của máy bay.

Anh cũng phủ quyết một cách hiệu quả việc bán cho Argentina máy bay chiến đấu hạng nhẹ Saab Gripen của Thụy Điển và máy bay F/A-50 của Công ty Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, đã được cấp phép chế tạo cho Argentina.

Và Anh cũng đã dừng việc đưa máy bay tấn công Super Etendard Modernisé (loại máy bay đã phóng tên lửa hành trình chống hạm Exocet, đánh chìm tàu chiến của Anh) trở lại Argentina, bằng cách từ chối cung cấp thông quan xuất khẩu cho các linh kiện của Anh.

Tuy nhiên, máy bay JF-17 sử dụng phần lớn linh kiện của Trung Quốc và động cơ của Nga; giúp nó tránh khỏi áp lực gây sức ép của Anh một cách hiệu quả.

Nhưng theo phân tích của Serbin Pont, hiện Mỹ đang đẩy mạnh xuất khẩu số máy bay F-16 đã qua sử dụng và những chiếc F/A-18 hiện đại hóa. Ngoài ra, số Mirage và MiG vẫn đang được xem xét, nhưng chúng ít có khả năng được lựa chọn nhất.

Nhà phân tích quốc phòng Alex Galante có trụ sở tại Brazil cho rằng, trong khi “chính phủ Argentina có sở thích đối với JF-17”, thì họ có thể “đang chờ một lời đề nghị tốt hơn từ Mỹ hoặc Nga”.

Chuyên gia hàng không vũ trụ Justin Bronk của Viện nghiên cứu Không quân Anh cho biết thêm: “Sau khi các lựa chọn khác liên tục bị chặn hoặc không thông qua được vì lý do tài chính, máy bay JF-17 ngày càng có vẻ như là lựa chọn tốt nhất, mà Argentina hiện có thể thực hiện”.

Nhưng theo Bronk, trong giai đoạn này, bất kỳ loại máy bay chiến đấu thay thế nào, cũng đều có thể tăng cường sức mạnh cho Không quân Argentina, sau hơn một thập kỷ nỗ lực không thành công, để thay thế các phi đội Mirage III và V của họ.

Đại sứ Anh tại Pakistan đã không trả lời Defense News về phản ứng của Anh với việc Pakistan bán máy bay JF-17 cho Argentina; nhưng chuyên gia Douglas Barrie, của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, có trụ sở tại London, nghi ngờ Anh đang theo dõi chặt chẽ nỗ lực mua sắm này.

JF-17 (còn gọi là FC-1) là chiến đấu cơ hạng nhẹ, khả năng chiến đấu “khiêm tốn”, khi chỉ có thể sử dụng một số vũ khí đối không và đối đất do Trung Quốc sản xuất; nhưng điều đáng lo ngại là JF-17 có thể sử dụng tên lửa chống hạm C-802.

Nhưng Bronk cũng chỉ ra rằng, JF-17 có “tầm hoạt động hạn chế khi mang những vũ khí hạng nặng như tên lửa C-802; đặc biệt là trong điều kiện lãnh thổ trên bộ và vùng lãnh hải của Argentina rất rộng lớn”.

Không quân Argentina trong những năm qua, đã phải vật lộn để thay thế các máy bay chiến đấu cũ và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu; họ cũng phải buộc cho loại biên gần như tất cả các máy bay chiến đấu phía trước, chỉ còn một số cường kích A-4AR và một số máy bay huấn luyện phản lực IA-63 Pampa.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô của Trung Quốc và Tổ hợp Hàng không Pakistan hợp tác phát triển và sản xuất; Pakistan sản xuất 58% khung máy bay (vật liệu đều được cấp từ Trung Quốc) và đảm nhận khâu lắp ráp cuối cùng.

Biến thể Block III mới nhất, đang được sản xuất cho Pakistan và đang được Argentina “tìm hiểu”, có một loạt cải tiến bao gồm, radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), trang bị động cơ mới RD-93MA của Nga. Đây là phiên bản có hiệu suất cao nhất so với các phiên bản JF-17 trước đó. Nguồn ảnh: Airplanes.

Video mô phỏng JF-17 mang tên lửa chống hạm C-802 có khả năng tiêu diệt mục tiêu chỉ bằng một phát bắn. Nguồn: DCS.

Tiến Minh (Theo Defence News)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/lieu-anh-co-the-ngan-tiem-kich-jf-17-duoc-ban-toi-nam-my-1601557.html