Liệt sĩ Chu Cẩm Phong - Nhà văn Việt Nam đầu tiên được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Nhà văn Chu Cẩm Phong (1941 – 1971), tên thật là Trần Tiến, sinh tại làng Minh Hương (nay là phường Minh An), thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình cách mạng. Năm 1954, Chu Cẩm Phong theo cha tập kết ra Bắc, học ở Trường học sinh miền Nam, rồi vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp loại xuất sắc vào cuối năm 1964, Chu Cẩm Phong được chọn đi học tiếp ở nước ngoài, nhưng anh đã xin vào Nam chiến đấu.

Liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Cẩm Phong.

Thời gian đầu, Chu Cẩm Phong làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, sau đó chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (khu V), Bí thư Chi bộ Tiểu ban văn nghệ Ban Tuyên huấn Khu V.

Những chuyến công tác liên tục về tuyến lửa ở Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi... đã giúp Chu Cẩm Phong có được thực tế sinh động để viết nên những tác phẩm có giá trị như: “Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám”, “Gió lộng từ Cửa Đại”, “Mặt biển - mặt trận”, “Rét tháng giêng”, “Con chị Hiền”... Tác phẩm quan trọng nhất Chu Cẩm Phong để lại cho đời là "Nhật ký chiến tranh" - một tập hợp những ghi chép thường ngày của anh tại chiến trường, bắt đầu từ 11/7/1967 và kết thúc vào 24/4/1971, đúng 7 ngày trước khi Nhà văn hy sinh.

Ngày 1/5/1971, quân Mỹ và VNCH tổ chức một trận càn lớn vào thôn Vinh Cường, xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Chúng phát hiện căn hầm Chu Cẩm Phong và các đồng đội đang trú ẩn bên một bờ suối. Quân địch vây riết, dùng đủ mọi thứ vũ khí, kể cả tiểu liên, lựu đạn, hơi cay, hỏa tiễn nã vào hầm. Chu Cẩm Phong chỉ huy đồng đội kiên cường chống trả. Anh động viện mọi người: “Thà hy sinh tất cả, không ai được đầu hàng!”. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt, lần lượt họ ngã xuống. Chu Cẩm Phong đã anh dũng hy sinh khi anh ở tuổi 30.

Có rất nhiều cuốn nhật ký được viết trong chiến tranh bởi những người lính, những người tham chiến từ cả hai phía. Nhưng có lẽ ít có cuốn nhật ký nào mà số phận kỳ lạ như cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong: những người đầu tiên được đọc cuốn nhật ký ấy và gìn giữ nó, lại là những người lính của bên đối địch - Quân đội Sài Gòn!

Lẽ ra, cuốn sổ tay di vật của Chu Cẩm Phong đã vĩnh viễn bị chôn vùi dưới đất, trong im lặng, nếu không có hai sĩ quan của “phía bên kia chiến tuyến”. Một sĩ quan tác chiến quân đội Sài Gòn đã lấy nó ra từ thi hài đầy máu của Chu Cẩm Phong. Đọc lướt qua nội dung những trang ghi chép, người sĩ quan ấy đã bị cuốn hút và xúc động, nên đã quyết định không tiêu huy mà giữ lại, rồi bí mật trao cho một sĩ quan bạn mình là Hoàng Đình Hiểu. Đến lượt người này bị nội dung cuốn nhật ký cảm hóa, nên ông đã đã nâng niu cất giữ nó như một báu vật. Thậm chí, ông còn bao bìa mới cho cuốn sổ và vẽ lên bìa hình một cái cây mọc thẳng dưới mặt trời. Sau khi giải ngũ, làm nghề dạy học, ông Hiểu đã nhiều lần mang nội dung cuốn sổ tay nhật ký ra làm ví dụ và giảng dạy cho học sinh. Đó là một việc làm rất mạo hiểm với sinh mạng chính trị của mình hồi đó, bởi rất dễ bị chính quyền cũ bắt bớ tù đày.

Nhưng cũng nhờ thế, mà ngay sau ngày giải phóng Ðà Nẵng, cuốn sổ tay nhật ký nếu trên đã được người cựu sĩ quan VNCH, Nhà giáo Hoàng Đình Hiểu trân trọng trao tận tay Nhà thơ Bùi Minh Quốc - một đồng đội cũ của Nhà văn Chu Cẩm Phong.

Năm 2000, cuốn nhật ký được xuất bản với tên gọi “Nhật ký chiến tranh”. Hội Nhà văn Việt Nam đã trao tặng thưởng cho tác phẩm này. Năm 2005, Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản “Tuyển tập Chu Cẩm Phong”. Năm 2020, khi bộ sách Tuyển tập “Nhật ký thời chiến Việt Nam” được xuất bản, “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong được chúng tôi xếp đầu tiên trong Tập 2 (từ trang 25 đến trang 647).

Trước đó, Nhà văn Chu Cẩm Phong đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 với tác phẩm “Nhật ký chiến tranh”. Đặc biệt, tháng 4/2010, Liệt sĩ Chu Cẩm Phong đã đi vào lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam, bởi là Nhà văn đầu tiên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. (Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, 1914 - 1977, cùng được truy tặng Anh hùng đợt này, nhưng với tư cách là Nhà hoạt động Cách mạng và chỉ huy Quân sự).

Xin được trân trọng giới thiệu chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà văn, Liệt sĩ Chu Cẩm Phong (1941 – 1971) vừa được nhóm họa sĩ trẻ của “Trái tim người lính” dùng trí tuệ nhân tạo để phục dựng màu.

Quảng Nam - Hà Nội, tháng 3/2024

Trái Tim Người Lính

Trái Tim Người Lính

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/liet-si-chu-cam-phong-nha-van-viet-nam-dau-tien-duoc-truy-tang-danh-hieu-anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-a23701.html