Liên tiếp xuất hiện hố sụt tại Quảng Bình, cơ quan chức năng vào cuộc

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình tiến hành khảo sát và xác định nguyên nhân xuất hiện các hố sụt. Đơn vị này đưa ra nhiều đề xuất, khuyến nghị với người dân và chính quyền để xử lý các hố sụt.

Những ngày qua, tại khu vực đường dân sinh của tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) xuất hiện hố sụt bất thường. Hố sụt này nằm cách Quốc lộ 12, khoảng 10m về phía Tây Bắc, cách nhà dân khoảng khoảng 4m. Hố có đường kính miệng 3,5m, sâu hơn 1,5m, nằm trên đường bê tông dân sinh.

Hố sụt ở đường dân sinh cách nhà dân chỉ vài mét.

Hố sụt ở đường dân sinh cách nhà dân chỉ vài mét.

Cùng với đó, ở sườn núi Cây Sường, gần nhà ông Đinh Thanh Sơn tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt cũng xuất hiện hố sụt từ năm 2018, tiếp tục sụt dần không có dấu hiệu dừng lại. Hố sụt này có miệng hình phễu, diện rộng, đường kính hố sụt lún khoảng 80m. Miếng hố sụt tạo thành hình vòng tròn.

Trước đó, Báo Sức khỏe và Đời sống đã phản ánh về tình trạng sạt sụt trượt, sạt lở sườn núi gây bất an cho hơn 40 hộ dân tại tổ dân phố này. Vết nứt lớn kéo dài và tình trạng sụt trượt trên sườn núi Cây Sường khiến gia đình ông Đinh Thanh Sơn và 40 hộ dân ở thị trấn Quy Đạt sống trong sự thấp thỏm. Người dân lo lắng vì đất đá trên núi có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng, tài sản của họ.

Đoàn khảo sát khu vực đất sụt ở sườn núi Cây Sường.

Đoàn khảo sát khu vực đất sụt ở sườn núi Cây Sường.

Sau mùa mưa bão năm 2018, người dân Tổ dân phố 8 lên núi Cây Sường phát hiện các đường nứt lớn kéo dài, đất trên núi bị trượt xuống ở nhiều đoạn. Để kiểm chứng mức độ sạt lở tại ngọn núi này, người dân đóng những chiếc cọc gỗ vào các vị trí nguy cơ có đất sụt trượt. Dù không có mưa, một số chiếc cọc gỗ cũng bị dịch chuyển, khi có mưa lớn kéo dài, độ dịch chuyển càng lớn hơn.

Ông Trần Mạnh Hà, Tổ trưởng Tổ dân phố 8 cho biết, người dân luôn thấp thỏm vì mối nguy từ sạt lở, đặc biệt là mùa mưa lũ.

"Vết nứt không chạy dài mà chia ra từng khu vực dọc theo triền núi Cây Sường. Đất sụt lún, sạt trượt từng mảng rất lớn có thể thấy bằng mắt. Càng ngày khối đất khổng lồ càng gần nhà dân, có nguy cơ đổ ào xuống vùi lấp nếu mưa lớn kéo dài khiến nền đất yếu", ông Hà cho biết.

Khu vực sườn núi Cây Sường xuất hiện tình trạng sạt lở, sụt trượt gây bất an cho hàng chục hộ dân.

Khu vực sườn núi Cây Sường xuất hiện tình trạng sạt lở, sụt trượt gây bất an cho hàng chục hộ dân.

Sau những trận mưa lớn hay nhỏ, đất đá trên triền núi sạt lở, trượt theo khe nước chảy xuống nhà dân. Gia đình ông Sơn đã xây tường rào chắc chắn để ngăn không bùn đất và nước tràn vào. Nhưng mấy năm lại đây, bức tường bị đất đã sạt trên từ đồi xuống ép khiến đổ sập toàn bộ.

Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình nhận định, nguyên nhân xuất hiện các hố sụt là do hiện tượng karst hóa (Karst là tổ hợp các quá trình và hiện tượng địa chất xuất hiện trên bề mặt hoặc trong lòng đất chủ yếu là do hòa tan hóa học đất đá, tạo nên các hang rỗng, làm phá hủy và biến đổi cấu trúc, trạng thái đất đá, cơ chế nước ngầm, đặc thù địa hình, cơ chế mạng thủy văn).

Theo đó, nền đất khu dân cư đang ở là đất sườn tích, kèm theo một ít bồi tích và tàn tích được tạo thành trên nền đá vôi ở phía dưới. Nền đá vôi ở phía dưới này bị quá trình karst hóa, tạo thành các hố, hang, hốc rỗng…, do đó khi có mưa nhiều, nước từ khe cạn trên núi chảy qua là một tác nhân hỗ trợ cho các quá trình karst ở dưới tầng đá gốc, là quá trình tạo các hố, hang, hốc rỗng gây sụt lún.

Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình đề xuất dùng cát lấp đầy hố sụt ở đường dân sinh.

Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình đề xuất dùng cát lấp đầy hố sụt ở đường dân sinh.

Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình đề xuất và đưa ra khuyến nghị biện pháp xử lý. Đối với hố sụt ở khu vực đường dân sinh, dùng cát lấp đầy hố sụt, để cát tự lắng đọng một thời gian. Khi cát tụt xuống, tiếp tục lấp đầy cho đến khi ổn định thì hoàn thiện việc xử lý.

Bên cạnh đó, cần khơi thông khe cạn phía sau nhà dân, tạo thoát nước nhanh, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Về lâu dài, cần nắn dòng chảy của khe cạn về phía sườn dốc, nhằm hạn chế tác động của khe nước chảy vào khu dân cư gây hiện tượng sụt lún.

Đối với hố sụt ở sườn núi, cần thực hiện nhiều biện pháp như san phẳng theo mặt sườn núi toàn bộ khu vực sụt lún, đầm chặt các đường ranh giới sụt lún...

Đối với hố sụt ở sườn núi, cần thực hiện nhiều biện pháp như san phẳng theo mặt sườn núi toàn bộ khu vực sụt lún, đầm chặt các đường ranh giới sụt lún...

Đối với hố sụt ở sườn núi, cần san phẳng theo mặt sườn núi toàn bộ khu vực sụt lún nói trên, không tạo nên nước đọng ở khu vực. Cần đầm chặt các đường ranh giới sụt lún hiện có, tạo rãnh thoát nước nhanh khỏi khu vực này vào mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, không khai thác cây cối khu vực sườn núi, tạo các dòng chảy thoát nước trên sườn núi để hạn chế nước ngấm ở khu vực gây ra sụt trượt trong thời gian tới.

Video: Người dân thấp thỏm vì khối núi sau nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lien-tiep-xuat-hien-ho-sut-tai-quang-binh-co-quan-chuc-nang-vao-cuoc-169231003145220482.htm