Liên tiếp VĐV gặp nạn trên đường chạy: Xin đừng đánh đổi tính mạng vì đam mê

Chuyên gia y tế cho rằng những người tham gia các giải chạy phong trào đừng mạo hiểm tính mạng, sức khỏe vì đam mê.

Ngày 14/4, vận động viên P.B.M. (sinh năm 1990, Thanh Hóa) ngưng tim khi khoảng cách đến vạch đích chỉ còn hơn 100 mét. Ban tổ chức giải Tay Ho Half Marathon và bộ phận y tế chỉ biết người này có bệnh nền cao huyết áp và sử dụng thuốc hỗ trợ khi người nhà vận động viên cung cấp thông tin.

Trước đó, ngày 23/3, một vận động viên tham dự Giải siêu Marathon Việt Nam 2024 (Vietnam Ultra Marathon 2024) qua đời tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Chuyên gia y tế Dương Tiến Cần – bác sỹ của nhiều bộ môn thuộc đoàn thể thao Việt Nam cho rằng đây là lời cảnh tỉnh cho rất nhiều người chơi thể thao phong trào trên khắp cả nước.

- Khi phong trào chạy bộ nở rộ, hoạt động này trở thành môn thể thao "quốc dân", ai cũng tham gia được. Tuy nhiên, người chơi thể thao phong trào nói chung và chạy bộ nói riêng cần lưu ý điều gì về sức khỏe?

Về mặt khoa học, chuyên gia khuyến khích tập thể thao, chạy bộ nhưng phải tùy theo thể trạng riêng của từng người. Bởi những vấn đề phát sinh nằm ở nhiều khía cạnh như rèn luyện, dinh dưỡng, sức khỏe, giấc ngủ hoặc liên quan tim mạch, bệnh chuyển hóa...

Về mặt khoa học, khi chạy bộ hay tập luyện thể thao, yếu tố sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu chứ không phải đam mê.

Thực tế, ở nhiều địa phương hiện nay, phong trào chạy phát triển rất mạnh. Nhiều người tham gia theo trào lưu, muốn chinh phục bản thân.

Có nhiều người tham gia chạy bộ theo lời gọi mời từ bạn bè, người thân rồi chạy đến mức kiệt sức. Nhiều trường hợp không lượng sức mình, để ngất hay đột quỵ ngay trong cuộc thi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số giải chạy phát sinh tự phát mà không theo tiêu chuẩn của các giải đấu thể thao nên không có đủ quy chuẩn, hướng dẫn phù hợp.

Nhìn chung, khi tập thể thao cần lựa chọn mức độ theo thể trạng riêng của mỗi người.

- Không ít trường hợp vì muốn thử thách bản thân mà quên đi yếu tố phù hợp và an toàn. Sự cố vận động viên bị ngưng tim trên đường chạy mới đây là ví dụ.

Đó là sự liều lĩnh, đánh đổi cuộc sống, tính mạng của chính mình.

Tôi đang điều trị rất nhiều bệnh nhân chấn thương do chạy bộ. Ví dụ, họ tập buổi sáng là tốt nhưng sự chuẩn bị không ổn. Cần ăn nhẹ, sử dụng các loại nước.

Sau một đêm nghỉ ngơi, các hoạt động chuyển hóa cơ bản, duy trì chức năng sống vẫn phải làm việc. Cơ thể bị đói và cần nạp năng lượng cho ngày mới thì nhiều người nhịn đói để chạy. Nhiều người bị mất nước, mất điện giải, ảnh hưởng đến dạ dày. Kể cả người khỏe mạnh vẫn có thể gặp tình trạng này.

Ban tổ chức của các giải cần có thêm các yêu cầu khắt khe với vận động viên. Giải đấu có trao huy chương, tính thành tích là giải thể thao chứ không phải người tự chạy ở công viên, có chuyện gì xảy ra thì bản thân tự chịu.

Ban tổ chức các giải chuyên nghiệp, chính thống cần yêu cầu vận động viên có giấy khám sức khỏe từ bệnh viện. Hiện nay, vận động viên chạy theo trào lưu, tự phát và rủ nhau theo hội nhóm nhiều khi bỏ qua bước này.

Vấn đề này là một lỗ hổng cần khắc phục.

Một vận động viên tham dự Giải siêu Marathon Việt Nam 2024 (Vietnam Ultra Marathon 2024) qua đời ngày 23/3.

- Các giải chạy phong trào hiện nay thường có nhiều cự ly, phổ biến nhất là 5km, 10km, 21km (half marathon) và 42km (marathon). Người tham gia nên dựa trên cơ sở nào để lựa chọn?

Hoạt động thể lực làm thay đổi nhịp tim, tần số vận động. Những người mới bắt đầu có thể khởi động ở mức 2-3 km rồi 5 km. Tuy nhiên, đây là quá trình kéo dài, cần tập vài tháng rồi mới thích nghi với cự ly mới.

Việc có người tập một năm đã có thể chạy hàng chục km cũng là bình thường, nhưng cũng có người không được. Như đã nêu trên, việc lựa chọn mức độ vận động cần phù hợp thể trạng.

Chạy bộ rất tốt cho tim mạch. Nhưng thống kê cho thấy có 60-70% gặp chấn thương về lưng, gối. Khi tập luyện cần có yếu tố cá nhân hóa. Một số huấn luyện viên, chuyên gia y tế sẽ giúp vận động viên cá nhân hóa bài tập, mức độ vận động. Không có công thức chung cho vận động thể thao cường độ cao.

Điều này giống như việc vận động viên chuyên nghiệp phải thực hiện bài kiểm tra gắng sức để xác định mức độ an toàn tim mạch. Nhiều người cao huyết áp, mỡ máu và khi chạy cường độ cao sẽ gây tình trạng trụy tim.

- Lời khuyên của bác sỹ dành cho người chơi thể thao phong trào nói chung và chạy bộ nói riêng?

Hãy bảo vệ sức khỏe của mình. Xác định xem mình chạy vì mục đích gì và đặc điểm thể trạng thực sự phù hợp với cự li nào. Cần tham khảo chuyên gia y tế xem mình có phù hợp với đường chạy ở thời điểm này hay không.

Kể cả những người đang chạy và chạy tốt cũng cần khám sức khỏe định kì và tham khảo chuyên gia y học, thể thao xem cự ly chạy tham gia cần chuẩn bị gì, kể cả tâm lý, trang thiết bị hỗ trợ.

Ở Việt Nam, nhiều người chỉ tham gia vào hội nhóm để xem người ta ăn gì, uống thuốc gì.

Đừng đánh cược tính mạng vì sở thích của bản thân.

Cảm ơn bác sỹ!

Mai Phương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chay-bo-de-khoe-manh-dung-lieu-mang-vi-dam-me-an-theo-ar865607.html