Liên tiếp mất Su-34 ở Ukraine, liệu Nga có đưa S-57 vào thay thế?

Khi Nga liên tục mất Su-34 ở Ukraine, các nhà quan sát đã đặt câu hỏi vì sao Nga không sử dụng Su-57, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm được cho là có khả năng tàng hình và có thể tránh radar phòng không của đối phương?

Ukraine gần đây tuyên bố bắn hạ hơn 10 máy bay tiêm kích-ném bom Su-34 của Nga chỉ trong hơn 2 tần. Một số nhà quan sát quân sự đặt câu hỏi liệu Nga có cân nhắc lại chiến thuật của mình và đưa Su-57 vào thay thế?

Mặc dù Nga không bình luận về việc nước này đã mất bao nhiêu máy bay Su-34, nhưng con số mà phía Ukraine đưa ra được cho là “bất thường”.

Máy bay tiêm kích-ném bom Su-34 của Nga. Ảnh: Reuters

Su-34 được coi là máy bay tiêm kích-ném bom tốt nhất của Nga, có thể phóng tên lửa tầm xa và bom thông minh vào các mục tiêu Ukraine. Tuy nhiên, máy bay này được cho là gặp khó khăn trong việc thoát khỏi các hệ thống phòng không mà phương Tây cung cấp cho Kiev, chẳng hạn như Patriot.

Các nhà quan sát đã đặt câu hỏi vì sao Nga không sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57. Với loại máy bay tàng hình có khả năng lẩn trốn radar cũng như các hệ thống phòng không như Su-57, Nga có thể tiến hành các cuộc không kích và giành ưu thế trên không ở những khu vực nhất định.

Nga đã triển khai Su-57 trong “khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt” để tiến hành các cuộc tuần tra chiến đấu quan trọng. Máy bay này cũng đã thực hiện các cuộc tấn công tầm xa bằng cách sử dụng tên lửa tầm xa từ không phận Nga, nơi tên lửa đất đối không của Ukraine không thể tiếp cận.

Tuy nhiên, cho đến nay Nga vẫn chưa triển khai Su-57 làm nhiệm vụ thực chiến ở Ukraine.

Một số nguồn tin gần đây cho rằng, Không quân Nga có thể đã sử dụng Su-57 để thực hiện các nhiệm vụ ở khu vực Lugansk và có vẻ như Su-57 đã thâm nhập không phận Ukraine trong lúc làm nhiệm vụ. Dù vậy, chưa có báo cáo nào xác nhận Su-57 xuất hiện trên bầu trời Ukraine.

Không cần “dùng dao mổ trâu để giết gà”?

Su-57 được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt đất bằng cách sử dụng vũ khí dẫn đường và không dẫn đường. Nó cũng có thể đóng vai trò là một trạm chỉ huy để điều phối “các hành động theo định hướng mạng lưới của các nhóm máy bay hỗn hợp”.

Su-57 có thể được trang bị tên lửa hành trình Kh-59MK2 dùng để tấn công các mục tiêu mặt đất và tên lửa không đối không R-77M dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên không tầm xa.

Cuối năm 2023, tập đoàn nhà nước Rostec của Nga tiết lộ, động cơ giai đoạn hai hiện đại nhất, Izdeliye 30, đã được lắp đặt trên máy bay chiến đấu Su-57.

Máy bay Su-57. Ảnh: Wikipedia

Các nhà phân tích cho rằng, một chiếc Su-34 của Nga bay cách tiền tuyến Ukraine 100 km vẫn có thể bị radar AN/MPQ-65 của hệ thống phòng không Patriot của Mỹ phát hiện. Nhưng một chiếc Su-57 với đặc tính tàng hình hoạt động ở khoảng cách dù chỉ 25 km phía sau mặt trận cũng sẽ không thể bị radar Mỹ phát hiện.

Trong một bài báo trước đây trên EurAsian Times, nhà phân tích quân sự Ấn Độ Vijainder K. Thakur lập luận rằng, “Su-57 sẽ phát hiện bức xạ vô tuyến từ AN/MPQ-65 trước khi radar này phát hiện bức xạ phản xạ từ Su-57, ngay cả khi radar Mỹ hoạt động ở chế độ xác suất đánh chặn (LPI) thấp.”

“Ngay khi Su-57 phát hiện ra phát xạ của radar, tọa độ của radar sẽ được truyền qua liên kết dữ liệu an toàn tới Su-35S hoặc Su-34 được trang bị tên lửa chống bức xạ Kh-31P, hoạt động ở phía sau chiến trường, bên ngoài phạm vi phát hiện của AN/MPQ-65. Kết quả là AN/MPQ-65 sẽ bị tiêu diệt trước khi hệ thống Patriot có cơ hội phóng tên lửa đánh chặn PAC-3 vào Su-57”.

Khi được hỏi vì sao Nga miễn cưỡng triển khai Su-57, cựu phi công đã nghỉ hưu của Không quân Ấn Độ Johnson Chacko nói với EurAsian Times rằng: “Su 57 là máy bay chiến đấu tối tân mà Nga có. Có cần thiết phải sử dụng nó không? Mục tiêu có đáng để mạo hiểm Su 57 không? Có cần dùng dao mổ trâu để giết gà không? Tàng hình không có nghĩa là nó không bị phát hiện bởi tất cả các radar ở đầy đủ các tần số và phương thức hoạt động. Việc đưa Su 57 làm nhiệm vụ ở Ukraine có thể làm lộ các hệ thống và khả năng của nó. Điều đó sẽ có ích cho NATO sau này. Sử dụng Su 57 vào lúc này có thể khiến nó trở nên kém hiệu quả trong một cuộc chiến lớn hơn với NATO”.

Khả năng tàng hình của Su-57?

Do chưa có chiếc Su-57 nào được giao nhiệm vụ thực hiện bất kỳ cuộc tấn công trên không hoặc tấn công mặt đất nào ở Ukraine, một số nhà quan sát cho rằng Không quân Nga dường như không tin tưởng vào khả năng tàng hình của Su-57 và đã tính đến rủi ro nếu Su-57 bị bắn hạ hoặc rơi vào tay đối phương.

Ukraine tuyên bố đã đánh chặn được tên lửa siêu thanh Kinzhal và Zircon, 2 loại tên lửa vốn được cho là bất khả chiến bại của Nga. Điện Kremlin sẽ không muốn điều đó xảy ra với máy bay tàng hình của mình.

Trong một bản cập nhật tình báo trước đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Nga có thể muốn tránh tổn hại về danh tiếng từ đó làm giảm triển vọng xuất khẩu của Su-57, tránh việc để lộ công nghệ nhạy cảm nếu bất kỳ tổn thất nào xảy ra với loại máy bay này ở Ukraine”.

Nhiều nhà quan sát và chuyên gia quân sự đều đồng tình với quan điểm này.

Mỹ cũng nhiều lần bác bỏ tuyên bố của Nga về việc phát triển một máy bay có khả năng hoạt động tàng hình thực sự. Một số báo cáo cho rằng Su-57 có tiết diện radar (RCS) xấp xỉ 5 mét vuông, lớn gấp 5.000 lần so với F-22 Raptor và gần như tương đương với F/A-18 Super Hornet thế hệ thứ 4 khi không mang vũ khí. Cần phải nhắc lại rằng, Super Hornet không có khả năng tàng hình.

Số lượng Su-57 hạn chế

Sự vắng bóng của Su-57 trong các nhiệm vụ chiến đấu ở Ukraine cũng được cho là do số lượng hạn chế.

Cựu Nguyên soái Không quân Anil Chopra cho hay: “Su-57 vẫn còn đang được phát triển. Thông tin từ các nguồn OSINT (Tình báo nguồn mở) tiết lộ rằng Nga chỉ có 32 máy bay, trong đó 10 chiếc đã được dành để bay thử nghiệm. Vì vậy, họ thực sự chỉ có một phi đội 22 máy bay Su-57”.

“Chiếc máy bay đầu tiên được giao vào năm 2019 và vẫn đang trong quá trình phát triển, vì vậy Nga có thể cho rằng còn quá sớm để triển khai máy bay này làm nhiệm vụ không kích ở Ukraine”, ông Chopra nói

Giải thích lý do đằng sau việc Nga giữ lại máy bay Su-57, ông Chopra cho rằng “Có mức độ chống xâm nhập không phận nhất định ở Ukraine, điều mà Nga khó có thể khắc phục ngay cả trong tương lai trừ khi nước này vô hiệu hóa tất cả hệ thống phòng không trên chiến trường. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng”.

Nga hiện nay không còn để Su-35 lọt vào tầm bắn của các lực lượng phòng không ở Ukraine, vì vậy cũng hoàn toàn dễ hiểu họ không sử dụng Su-57 với lý do tương tự. Tính năng tàng hình cũng không phải là thuốc chữa bách bệnh cho bất kỳ lực lượng không quân nào. Hiệu suất tàng hình chỉ có thể được xác nhận khi máy bay được triển khai thực tế.

Có thông tin cho rằng ngoài 22 chiếc Su-57 hiện có, quân đội Nga sẽ được bổ sung thêm 15-20 chiếc nữa trong năm 2024.

Một số chuyên gia quân sự Nga cho rằng máy bay Su-57 sẽ làm nhiệm vụ ở Ukraine một khi có đủ số lượng và các nâng cấp kỹ thuật cần thiết được hoàn tất.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Eurasian Times, Bulgarian Military

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/lien-tiep-mat-su-34-o-ukraine-lieu-nga-co-dua-s-57-vao-thay-the-post1081849.vov